Doanh nhân, dân văn phòng dễ nhiễm ký sinh trùng

Thứ Năm, 21/05/2015 08:13  | TS BS Trần Phủ Mạnh Siêu

|

(CAO) Lâu nay ai cũng nghĩ sống ở thành phố thì ít bị bệnh truyền nhiễm, nhất là nhiễm ký sinh trùng - căn bệnh của các vùng nông thôn. Thế nhưng, ngày càng có nhiều người dân TP.HCM khi đến các trung tâm y tế khám đã phát hiện bị bệnh ký sinh trùng phải điều trị.

Tiến sĩ Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, chuyên gia về ký sinh trùng lý giải những nguyên nhân vì sao dân thành phố dễ nhiễm ký sinh trùng.

Dân thành phố dễ nhiễm ký sinh trùng

Có nhiều bệnh nhân đến khám tại các phòng khám ký sinh trùng than phiền sáng ngủ dậy thấy chiếc quần bên trong chứa đầy các đoạn có màu trắng đục. Bệnh nhân này cho biết chị thường ăn thịt bò còn sống (dạng tái).

Nhiều bệnh nhân cho hay, do quá gầy, có người quen bày cách ăn thịt bò, thịt heo tái, sống, ăn nhúng giấm thì sẽ mập lên. Tuy nhiên, sau khi ăn thường xuyên thịt bò tái khoảng một năm nay thì bệnh nhân lại thấy ngày càng gầy hơn. Lo lắng, bệnh nhân đi khám, xét nghiệm phân thì kết quả cho thấy bị nhiễm sán dải bò.

Do lối sống của người dân thành thị là hay ăn sáng, ăn trưa bên ngoài, do điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, đời sống nâng cao, nhiều nhà hàng, quán ăn chế biến nhiều món bò tái, bò bít tết, lúc lắc… nên người ăn có nguy cơ cao nhiễm sán dải.

Với giới doanh nhân và nhân viên văn phòng, món phở tái, thịt heo tái, gỏi cá sống, tiết canh là những món ăn không mấy xa lạ nhưng những món ăn này lại là nguyên nhân gây nhiễm giun sán. Do đó, dân văn phòng là đối tượng có nguy cơ nhiễm giun sán rất cao, TS BS Trần Phủ Mạnh Siêu cảnh báo.

Như vậy sán dải là gì, chúng gây bệnh như thế nào và làm cách nào phòng ngừa?

Sán dải ở người bao gồm 2 loài là sán dải heo Taenia solium và sán dải bò Taenia saginata, chúng thuộc nhóm sán dải Cestoda ký sinh ở người dưới dạng trưởng thành, còn gọi sán xơ mít.

Hình thể

Chu trình pht triển của T. saginata

Sán có kích thước khá to, cơ thể gồm từ 500 đến 2.000 đốt, hình thành từ một cái đầu sán (scolex). Đầu sán rất nhỏ (1mm) và có 4 đĩa hút. Mỗi đốt sán có một lỗ sinh dục nằm bên hông. Các đốt cuối là những đốt già, bề ngang khoảng 2 cm, bề dày khoảng 6 – 8 mm, bên trong có chứa một buồng trứng chia ra nhiều nhánh.

Taenia saginata lớn hơn Taenia solium và chiều dài có thể đạt đến 10 mét.

Một con sán xơ mít dài hơn 12 mét ký sinh lâu ngày trong ruột nam bệnh nhân ở Quảng Trị

Cả hai ở dạng trưởng thành đều là ký sinh trùng đặc hiệu của người, chúng sống trong ruột non. Đốt sán khi già sẽ rụng đi và được tống ra ngoài. Đốt sán Taenia solium già thì thụ động theo phân ra ngoài, đốt sán Taenia saginata già thì lại tích cực chui ra khỏi hậu môn, vì thế thường hay gặp chúng trong quần lót, quần ngủ. Người bị nhiễm Taenia solium ký sinh thường ít khi tự phát hiện bệnh mình.

Trứng sán theo đốt sán già ra ngoài, phát tán trên cỏ, đất và được vật chủ trung gian nuốt. Vật chủ trung gian của Taenia saginata là bò, của Taenia solium là heo. Khi trứng đi vào ruột heo, bò, phôi sán sẽ được phóng thích ra khỏi vỏ, chúng theo đường máu đi khắp cơ thể, đặc biệt là vào cơ, vào mô dưới da và hệ thần kinh trung ương. Ở đây chúng hình thành nên những ấu trùng được gọi l gạo sán (cysticercus). Gạo sán là một cái bọc có kích thước khoảng 5 – 15 mm trong đó có chứa đầu sán.

Người ăn thịt heo, bò sống hoặc thịt tái, thịt nấu chưa chín sẽ nuốt phải gạo sán, Khi vào ruột, dưới tác động của các men tiêu hóa, đầu sán được phóng thích ra khỏi bọc và phát triển thành sán trưởng thành trong ruột non trong vòng 2 – 3 tháng. Thông thường sán dải trưởng thành chỉ tồn tại đơn độc.

Ngoài dạng trưởng thành, sán dải Taenia solium, có thể ký sinh ở người dưới dạng ấu trùng gây bệnh ấu trùng lạc chỗ ở não, mắt, ở mô dưới da. Sán dải Taenia saginata chỉ ký sinh được ở người dưới dạng trưởng thành mà thôi.

Đời sống nâng cao, sán dải bò lại càng phổ biến 

Tùy thuộc vào tập quán ăn uống (ăn thịt sống) của từng nơi mà sán dải Taenia Saginata, Taenia solium có thể lưu hành ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, ở nhưng vùng có tín ngưỡng như đạo Hồi, Do Thái giáo có tục kiêng thịt heo thì nơi đó không có Taenia solium lưu hành. Nhưng ở nơi khác như Nam Mỹ, châu Phi, châu Á...tỷ lệ mắc bệnh sán T. solium còn khá cao.

Theo thống kê từ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cứ 10 người Việt Nam thì có bảy, tám người bị nhiễm giun, sán. Do thói quen ăn rau, hải sản và thịt tái, sống của chúng ta đã tạo điều kiện cho giun sán và các loại ký sinh trùng nguy hiểm đi vào cơ thể.

Ở Việt nam, trước đây do tình trạng nuôi heo thả rông còn nhiều, nên heo bị bệnh gạo heo rất phổ biến, dẫn đến số người bị nhiễm sán dải heo Taenia solium cũng nhiều. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, do kinh tế phát triển, việc nuôi heo công nghiệp phổ biến, không còn tập quán nuôi heo thả rông nữa nên bệnh nhiễm sán dải heo hiện nay rất hiếm gặp.

Tuy nhiên bệnh sán dải bò lại ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn do thói quen ăn thịt bò tái ngày càng phổ biến, và do tình trạng nhập khẩu bò qua biên giới, chăn nuôi bò vẫn còn thả rông nên vẫn còn mầm bệnh lưu hành.

Sán dải bò và sán dải heo khi phát triển trong cơ thể có thể gây các biểu hiện buồn nôn, đau vùng thượng vị, tiêu chảy từng đợt, sụt cân, khối u sán di chuyển dưới da… Riêng “gạo heo” có thể gây những biểu hiện ở não như tăng áp lực nội sọ, động kinh, suy nhược, liệt chi, rối loạn tâm thần, nếu nằm trong hốc mắt, mí mắt, kết mạc mắt thì gây rối loạn thị giác, còn nằm ở dưới da sẽ tạo nên những nốt sần sờ thấy được, đôi khi gây ngứa.

Phòng bệnh:

- Giám sát thịt heo, bò: tìm ấu trùng trong thịt.

- Ăn thịt heo, bò nấu chín hoặc sau khi giữ trong lạnh (ấu trùng có thể tồn tại được trong nhiều tháng ở nhiệt độ 40C nhưng chỉ được vài giờ ở nhiệt độ âm 80C và chết nhanh chóng ở âm 450C).

- Vệ sinh chăn nuôi heo, bò, quản lý chặt chẽ phân người. Tránh nuôi heo bò thả rông.

Bình luận (2)

Bác sĩ ơi, diệt giun định kì thì có nguy cơ nhiễm không ạ. Cảm ơn bác sĩ

Thảo - Thứ Năm, 21/05/2015, 12:17 Trả lời | Thích

Không những ăn tái, ăn sống, không ít người còn uống cả máu sống động vật, trong khi máu sống này đầy vi khuẩn, ký sinh trùng có thể gây chết người.

quynhanh - Thứ Năm, 21/05/2015, 09:01 Trả lời | Thích
Lên đầu trang