Tâm sự về cuộc đời của một người chuyển giới

Chủ Nhật, 24/05/2015 11:25  | Ngô Đồng (ghi)

|

(CAO) "Những khi gặp khó khăn, người Chuyển giới chúng tôi thường tự nhắc mình: “Phải sống”, rằng mình sẽ vượt qua, rằng những khó khăn đó nhỏ nhặt, không là gì so với nhiều chuyện khác..."

Tôi gặp Dung trong một buổi ra mắt dự án “Cơ thể của tôi, quyền của tôi” nói về người chuyển giới. Được nghe Dung trải lòng về những khó khăn mà những người chuyển giới như Dung phải đối mặt và những ước mơ rất thật…

Dung luôn khát khao được là chính mình và được xã hội chấp nhận

Khao khát được là chính mình

Tên khai sinh của Dung là Huỳnh Chí Dũng, nhưng Dung khát khao được mọi người gọi Dung là Nhã Kỳ. Mặc dù vậy, mỗi lần ký tên vào giấy tờ thì vẫn phải ghi đúng cái tên khai sinh. Nhiều người lấy tên Dung đọc thành Chi Dung, theo cách viết tiếng Việt mà không bỏ dấu. Thôi thì cũng được.

Dung được sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở một xóm nghèo ở Bến Tre. Cha mẹ đã rất vất vả để có thể chăm lo cho cái ăn, cái mặc của mọi thành viên. Hầu hết anh chị em của Dung đều phải tự học cách tự lập và trưởng thành theo cách của riêng mình.

Hồi mới sinh Dung, nhìn thấy con, ba mẹ Dung mừng lắm, vì “có thằng con trai nối dõi tông đường” nhưng mà đau khổ không hiểu tại sao Dung là con gái mà mang hình hài này, hình hài của một đứa con trai. 

Những lúc mẹ bận làm việc, Dung tự mình bày trò chơi bán đồ hàng, may quần áo cho búp bê. Dung còn mang búp bê vào lớp, chơi với các bạn nữ trong lớp vào giờ ra chơi. Bạn bè trong lớp thường hay trêu chọc Dung là "đồ pê đê". Lúc đó, Dung ngây ngô lắm, chưa thực sự hiểu "pê đê" là gì, nhưng bạn bè cứ gọi thế và nắm tóc, tuột quần, trêu chọc Dung. Những lúc như vậy, Dung chỉ biết khóc.

Người chuyển giới luôn là nhóm thiểu số chịu nhiều thiệt thòi nhất trong cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới), từ việc làm cho đến môi trường học tập, thậm chí đến từ cả gia đình của mình.

Dù là một học sinh giỏi, nhưng Dung luôn phải sống trong sợ hãi, cô đơn.  Khi được cô giáo tiến cử đại diện cho trường Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) phát biểu cảm nghĩ của học sinh  trong ngày 20-11. Một số bạn cùng lớp càng ghét và tẩy chay Dung nhiều hơn. Họ cho rằng Dung là "pê đê bệnh hoạn" và không xứng đáng sở hữu vinh dự đó. Tuy nhiên, Dung lại được thầy Hiệu trưởng thừa nhận. Vậy là đủ. 

Thời học sinh của Dung là khoảng thời gian chỉ có nước mắt, nỗi đau… Không ngày nào là Dung không khóc, tự dày vò, đau khổ và dằn vặt: Mình khác mọi người ở điều gì? Tại sao lại đối xử với mình như vậy?

Ba mẹ Dung thì không hiểu tại sao Dung  lại lạ lùng như vậy. Tốt nghiệp phổ thông, ba mẹ Dung gạt nước mắt cho Dung lên Sài Gòn học nốt vì không thể nào chịu được áp lực từ chòm xóm.

Trước khi đi, sau bao nhiêu đêm thức trắng, Dung đã quyết định nói với mẹ sự thật:  "Có lẽ con yêu đàn ông, con không thể trở thành đứa con trai mà mẹ mong muốn, không thể có vợ, có con cho mẹ ẫm bồng. Con xin lỗi mẹ". 

Mẹ đã rất sốc và khóc rất nhiều. Mỗi lần gọi điện  thoại lên Sài Gòn, qua điện thoại Dung vẫn nghe được giọng mẹ đang khóc. Mẹ nói Dung phải cố gắng học, giữ sức khỏe, ít thức khuya, và không nhắc gì đến chuyện đồng tính. Về phía mình, Dung vẫn tiếp tục sống ở đất Sài Gòn, lặng lẽ, cô đơn và đói khát.

May mắn khi không phải "đứng đường"

Dung biết bản thân là người chuyển giới khi bắt đầu yêu một người dị tính. Anh ấy sẵn sàng cho Dung tiền để sang Thái Lan phẫu thuật để chuyển đổi giới tính nhưng Dung xin phép được từ chối. Dung thà là không yêu anh nữa, chứ không muốn anh có một gia đình không trọn vẹn.

10 năm trời học ở Sài Gòn, đến việc về thăm nhà Dung cũng trở nên lén lút. Dung chỉ dám về buổi tối và chẳng bao giờ để hàng xóm biết đến sự hiện diện của mình.

Những đêm Dung về, mẹ Dung khóc, mẹ năn nỉ Dung hãy là một thằng đàn ông đúng nghĩa giùm mẹ. Dung chỉ biết đáp lại: “Con là con gái mà mẹ”. Vậy là mẹ Dung giận: “Tại sao tao lại đẻ ra một đứa quái thai như mày. Ở Sài Gòn mày sống như thế nào cũng được, nhưng về đây mày đừng để cho ai biết, tao không muốn người ta nói tao vô phước… Mày đừng gặp tao nữa”. Rất nhiều lần muốn nói với mẹ "Người đồng tính hay người chuyển giới không phải là bệnh, nhưng không biết phải giải thích như thế nào".

Dung đã nghĩ đến chuyện tự tử rất nhiều lần. Có lần, Dung mua một vĩ thuốc ngủ, một chai nước lọc rồi dốt hết vào mồm. Cứ tưởng mình sẽ chết, nhưng thật ra là tệ hơn cả chết...

Sau 10 năm mình lên Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp, thông tin về người chuyển giới cũng dần cởi mở hơn, mẹ đã chấp nhận giới tính của Dung. Phải mất 10 năm thì mẹ Dung mới hiểu và suy nghĩ khác đi. Mẹ bắt đầu quan tâm và yêu thương Dung nhiều hơn. Hiện tại mẹ của Dung đã tham gia vào hội phụ huynh và những người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới (viết tắt LGBT) Việt Nam.

Ngày hạnh phúc nhất đời Dung là ngày mẹ mua cho Dung chiếc áo ngực, và bảo: “Cái này mẹ mua cho con, có dịp con cứ mặc nha”.

Ở Sài Gòn, Dung học ở một trường múa rồi đi làm cho đoàn nhạc. Vô số lần, bạn bị đồng nghiệp nói thẳng với ông chủ đoàn nhạc rằng: “Tôi không thể diễn cùng một đứa pê đê”.

Công việc hiện giờ của Dung là một diễn viên múa tự do.  Dung thường đi diễn vào ngày thứ bảy,  chủ nhật tại các nhà hàng tiệc cưới, sự kiện. Dung không phẫu thuật chuyển giới, chỉ độn ngực, mặc váy, nuôi tóc dài, mang giày cao gót như một cô gái.

Dung cũng có những người bạn, phải đi hát đám ma, đám cưới để kiếm sống và kiếm  tiền để phẫu thuật. Nhiều người không đủ tiền phải đi tiêm silicon lậu vào người. Có lần, một người bạn của bạn bảo: “Chiều Dung qua chơi với tui nha. Hôm nay tui tiêm”. Chiều, Dung qua nhà người bạn đó thì bạn chỉ được liệm xác bạn mình. Bạn Dung chết vì sốc silicon. Đó không phải là người bạn duy nhất của Dung chết vì tiêm silicon dạo. Từ ngày lên Sài Gòn, Dung đi đám ma 7 đứa tất cả...

Nhưng Dung vẫn may mắn vì không phải đứng đường, không đến nỗi phải đi hát đám ma, đám giỗ, đi múa lửa vất vả để mưu sinh. 

Hiện tại, Dung chỉ ước được sống theo tự nhiên và được xã hội chấp nhận.  Dung cũng muốn có thể kết nối với các bạn đồng cảnh ngộ với mình để không còn ai cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Mọi người đều có sân chơi, phòng khám sức khỏe, được chia sẻ kiến thức cũng như quyền lợi chính đáng thuộc về mình.

Dung rất thích trang điểm, có thể sau này có điều kiện kinh tế, Dung sẽ đi  học và trau dồi thêm kiến thức về trang điểm để có thể hành nghề vì không thể theo nghề múa được lâu dài. Trang điểm sẽ làm cho người khác trở nên đẹp hơn, tự tin hơn, ra sân khấu biễu diễn tốt hơn và Dung cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc ấy.

Bình luận (3)

Tôi rất thông cảm với nỗi khát khao làm con gái của bạn, chúc bạn hạnh phúc. Tuy nhiên, một kiếp người ta còn nhiều thứ để làm lắm, đừng đặt nặng việc bạn là nữ bạn sẽ đẹp và tự tin hơn, có khi đó chỉ là điều bạn nghĩ, còn xã hội nghĩ khác. Do vậy, dù là nam hay nữ, hãy tự hài lòng diện mạo hiện thời, đừng quá xem trọng lời khen người khác - đó chỉ là cảm nhận của họ - mà thay đổi cơ thể mình để rồi hối tiếc. Cuộc sống còn nhiều cái hay, cái đẹp đáng làm hơn là lo làm đẹp.

Nguyễn - Thứ Năm, 20/08/2015, 17:08 Trả lời | Thích

Xem các bạn như những người bình thương khác trong xã hội thôi! Cố gắng lên

Mat moc - Chủ Nhật, 24/05/2015, 16:21 Trả lời | Thích

Dung có gương mặt đẹp quá. Chúc em vui và thực hiện được ước mơ trong cuộc sống. Cảm ơn những chia sẻ của em.

Thao - Chủ Nhật, 24/05/2015, 13:53 Trả lời | Thích
Lên đầu trang