Nhà chung cư cũ nát:

Sống trong sợ hãi

Thứ Năm, 21/05/2015 14:38  | Quang Hà

|

(CATP) "Sống mà cứ nơm nớp lo thế này thì khổ quá. Do đã được xây dựng quá lâu nên tường, trần, thoát nước, điện trong chung cư giờ không còn gì. Nắng cũng dột mà mưa cũng ướt vì nước thải từ căn hộ phía trên nhiểu xuống suốt ngày...".

Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM (Horea), tiến độ xây dựng mới các chung cư cũ hỏng nặng tại TPHCM vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị của thành phố và nhu cầu của người dân đang cư ngụ trong các chung cư cũ. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chưa mặn mà tham gia cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại chung cư. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Toàn thành phố có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước và nhiều khu đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có những chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm như: chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Q5), chung cư Cô Giang (Q1), chung cư lô 4, lô 6 Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)...

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 - Ảnh: Báo CATP

Theo kế hoạch, sắp tới thành phố sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000m2 sàn. Đồng thời, thành phố sẽ xây mới, thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696m2 sàn. Horea cho rằng, chỉ có thực hiện phương thức xã hội hoá, thu hút nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, của cộng đồng chủ sở hữu chung cư thì mới có thể thực hiện nhanh và hiệu quả công tác phá dỡ, xây dựng lại các chung cư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, góp phần chỉnh trang đô thị.

Hiệp hội cũng cho rằng để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn đang rất cấp bách cần khẳng định phương thức tập thể chủ sở hữu căn hộ chung cư có quyền tự mình quyết định phá dỡ, xây dựng lại mới chung cư nếu có đủ điều kiện và năng lực.

Hiện nay, dự thảo nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chưa quy định đầy đủ các nguyên tắc đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp chung cư phải phá dỡ, xây mới, nên cần bổ sung quy định nguyên tắc về quyền của tập thể chủ sở hữu các căn hộ chung cư được tự quyết định phá dỡ, xây mới chung cư của mình nếu có đủ điều kiện về nguồn lực tài chính.

Theo Luật Nhà ở 2014 thì Ban quản trị chung cư có tư cách pháp nhân sẽ tự thuê đơn vị quy hoạch thiết kế, xin giấy phép xây dựng, thuê nhà thầu thi công, đơn vị giám sát... Do đó, cần cho phép tập thể chủ sở hữu các căn hộ chung cư được quyền tự quyết định phá dỡ, xây mới chung cư.

Một chung cư cũ tại quận 4 - Ảnh: Báo CATP

Việc xây mới chung cư cũ cũng cần bổ sung nguyên tắc hoán đổi căn hộ chung cư xây mới có diện tích tối thiểu bằng hoặc lớn hơn căn hộ đã ở trong chung cư cũ. Đối với những hộ đông người hoặc có nhiều hộ khẩu trong cùng một căn hộ chung cư thì cần bổ sung nguyên tắc là ngoài căn hộ chung cư xây mới được hoán đổi, còn được quyền mua thêm căn hộ với giá ưu đãi, phù hợp tình hình thực tế của từng dự án và địa phương theo nguyên tắc giá vốn đã được kiểm toán cộng với 10% lợi nhuận.

Đối với các chung cư cũ bị hỏng nặng, nguy hiểm phải phá dỡ, xây mới, nếu chỉ tăng tổng diện tích sàn xây dựng mà không thêm quy mô dân số tương ứng thì hiệu quả khai thác, kinh doanh vẫn sẽ hạn chế, việc thu hồi vốn đầu tư không khả thi. Vì thế cần điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất tối thiểu gấp 3 lần hệ số sử dụng đất theo quy hoạch cũ của khu vực dự án, không hạn chế chiều cao công trình, nếu quy hoạch dự án cho phép thì quy mô dân số cũng phải tăng tương ứng.

HoRea cũng đề nghị dự thảo nghị định không sử dụng khái niệm “bồi thường” trong trường hợp phá dỡ, xây mới chung cư cũ bị hỏng nặng, nguy hiểm đối với các đối tượng được bố trí tái định cư tại chỗ hoặc được hoán đổi căn hộ chung cư xây mới vì khái niệm ấy không chuẩn xác trong trường hợp này.

Bà Nguyễn Thị Năm - phòng 209, lầu 2 chung cư 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1:

Ở các chung cư khác thế nào tôi không biết, còn chung cư này thì ai cũng muốn Nhà nước nhanh chóng có chính sách kêu gọi đầu tư để giải tỏa, bồi thường, giúp người dân có điều kiện đi tìm nơi ở khác, chứ sống mà cứ nơm nớp lo thế này thì khổ quá. Do đã được xây dựng quá lâu nên tường, trần, thoát nước, điện trong chung cư giờ không còn gì. Nắng cũng dột mà mưa cũng ướt vì nước thải từ căn hộ phía trên nhiểu xuống suốt ngày. Tôi đại diện cho bà con, kêu cứu lên UBND P.Bến Nghé, UBND Q1 nhưng từ đầu năm 2014 đến giờ vẫn chưa thấy ai trả lời. Nếu cho tái định cư tại chỗ thì tốt, còn không thì bồi thường để dân tự kiếm chỗ ở cũng được. Phải nhanh chóng di dời chứ nếu để lâu hơn tôi sợ sẽ xảy ra sự cố.

Chị Nguyễn Thị Phương Loan - lô 2 chung cư Thanh Đa, P27, quận Bình Thạnh:

Cha mẹ tôi mua căn hộ ở chung cư này từ năm 1972, cả tuổi thơ của tôi và chồng tôi, hai bên nội, ngoại đều ở mấy block chung cư này nên tình cảm rất gắn bó. Nhưng bây giờ chung cư xuống cấp, cũ kỹ nên chúng tôi cũng mong Nhà nước nhanh chóng có kế hoạch xây mới và sẵn sàng di chuyển đến nơi tái định cư. Nhưng nếu được tái định cư tại chỗ thì càng vui hơn vì cuộc sống ít bị xáo trộn, thuận tiện cho dân rất nhiều. Tuy nhiên, khu vực này không nên xây nhà cao quá vì đây là bán đảo, nền đất tương đối yếu.

Anh Vương Đình Nhân - ở Quận 8:

Một số chung cư tái định cư mới xây, sử dụng được ít năm đã xuống cấp, khiến người dân lo lắng về chất lượng nơi ở. Nếu không giải quyết vấn đề này sẽ tạo rào cản lớn. Chung cư tái định cư cho dân cũng nên cho họ được mua căn hộ ở nơi tái định cư tại chỗ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang