(CAO) Theo các bác sĩ Bệnh viện King Edward ở TP. Mumbai, Ấn Độ, Aruna Shanbaug được xem là bệnh nhân chết não sống lâu nhất sau 42 năm hôn mê.
Nữ y tá Aruna Shanbaug thời còn trẻ
Còn với nữ y tá có số phận bất hạnh này, tang lễ lại chính là sự giải thoát khi mà sự sống chỉ được duy trì qua phương tiện trợ thở và lượng vitamin truyền qua dạ dày. Sự ra đi của bà khiến đồng nghiệp nghẹn ngào đồng thời mở ra cho người dân Ấn thêm hy vọng được nới lỏng một số quy định khắt khe trong điều luật về cái chết không đau đớn trong một số trường hợp.
Bị Walmiki, một thanh niên mồ côi lớn lên và trở thành nhân viên trong Bệnh viện Kem, nơi nữ y tá trẻ Aruna Shanbaug làm việc trước đây, siết cổ bằng sợi xích chó và cưỡng hiếp vào tối 27-11-1973, 11 tiếng đồng hồ sau Aruna Shanbaug được tìm thấy trong tình trạng não tổn thương nghiêm trọng do oxy không lên được dẫn đến mất thị lực. Cảm thương người đồng nghiệp bất hạnh, đội ngũ y bác sĩ đã thay phiên nhau chăm sóc cô, ân cần như với chính người thân của mình.
Thời điểm xảy ra sự việc đau lòng ấy, Aruna Shanbaug đã hứa hôn với một bác sĩ cùng công tác trong bệnh viện. Sau khi chờ người yêu tỉnh lại ròng rã suốt 4 năm trời, cuối cùng vị này đã lập gia đình và ra nước ngoài sinh sống. Còn kẻ phạm tội chỉ chịu mức án 7 năm tù do hồ sơ được tẩy xóa, trong đó không xác nhận nạn nhân bị cưỡng hiếp.
Nữ y tá qua đời năm 67 tuổi
Dù người thân nhiều lần đề nghị cho Aruna được nhận cái chết trong lặng lẽ để có thể giải thoát khỏi nỗi đau hành hạ, nhưng chính phủ Ấn Độ không cho phép. Mãi đến năm 2011, tòa án nước này mới đi đến quyết định: cho rút thiết bị hỗ trợ sự sống đối với một số bệnh nhân giai đoạn cuối, với điều kiện gia đình yêu cầu và phải có sự giám sát của cảnh sát lẫn tòa án đề phòng trường hợp người thân ra tay để chiếm đoạt tài sản.
Nhưng điều đáng nói là lúc này, thân nhân của bà Aruna cũng chẳng còn ai, người cuối cùng đã chết vào năm 2013, thêm vào đó, theo các bác sĩ và hộ lý thì người đồng nghiệp đáng thương của mình vẫn còn đáp ứng hô hấp dù phải sử dụng máy và có thể tiêu hóa nên họ không đành lòng.
Cuối cùng, theo lời Giám đốc Bệnh viện King Eward - Avinash Supe, bệnh nhân Aruna qua đời ngày 18-5-2015 ở tuổi 67 sau khi chống chọi với bệnh viêm phổi và phải dùng máy trợ thở.
Hoàng Tô (theo ifeng.com)