Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế vẫn để lại di chứng trên diện rộng ở nhiều quốc gia. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, nợ công vượt mức chi trả như bài toán khó cho chính phủ các nước.
Những thảm họa thiên nhiên vẫn diễn ra với tần suất cao đang cảnh báo chúng ta về nguy cơ trái đất chịu tác động nặng nề về biến đổi khí hậu. Chưa bao giờ con người thấy mình mong manh đến vậy.
Bênh cạnh “gam màu buồn”, bức tranh quốc tế năm qua cũng nhen nhóm những tươi vui về tình người, lòng nhân ái, tăng trưởng kinh tế trên đà hồi phục ở một số nơi.
CAO mời độc giả cùng nhìn lại 10 sự kiện của năm 2014 đầy biến động.
1. Khủng hoảng tại Ukraine
Chi phối bức tranh xung đột chính trị năm 2014 phải kể đến cuộc khủng hoảng này. Nhen nhóm từ lúc cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ chối kí thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU), một bộ phận người dân đã biểu tình lật đổ chính phủ cũ đề lập nên chính phủ mới thân phương Tây.
Động thái này khiến Nga sáp nhập Crimea về mình để “bảo vệ quyền lợi cho người Nga” ở bán đảo này. Mỹ, EU phản đối kịch liệt việc Nga can thiệp vào tình hình Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Matxcơva. Đối đầu gay gắt Nga- phương Tây bùng phát trở lại sau hàng chục năm. Truyền thông quốc tế lo sợ “chiến tranh Lạnh thứ 2 đã nhấn nút khởi động”.
Người biểu tình Ukraine mặt bê bết máu - Ảnh: Reuters
Ukraine giờ đây “chia năm xẻ bảy” khi người dân miền Đông nước này tự vũ trang đòi ly khai. Trong khi đó, khu vực miền Tây Ukraine thân phương Tây khi chính phủ Kiev mới hào hứng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Mỹ, EU.
2. Sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng
Thế kỷ văn minh của chúng ta phải chứng kiến những kiểu hành hình dã man như thời Trung Cổ. IS trỗi dậy ở Syria và Iraq đem đến một hình thức mới của khủng bố: Được cơ cấu theo tổ chức chặt chẽ, có lãnh tụ tối cao, tuyển mộ chiến binh đa quốc gia, mua vũ khí từ tiền bán dầu ở các mỏ dầu chiếm được.
Các tay súng IS diễu hành - Ảnh: Abaca
Những hình phạt dã man như chặt đầu, bắn vào đầu, ném xuống hố chôn, hiếp dâm, tra tấn, thiêu sống… được thực hiện công khai đã đẩy mức bạo tàn lên đến đỉnh điểm. Mục đích cuối cùng của IS là xây dựng một đế chế Hồi giáo trên lãnh thổ nhiều quốc gia. Nơi đó, IS sẽ áp dụng những luật lệ mượn danh tôn giáo vô cùng dã man, bảo thủ.
Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS đã gửi đi thông điệp: Xã hội văn minh không bao giờ chấp nhận những hành động phi nhân tính.
3. Dịch bệnh Ebola bùng phát
Virút Ebola chết người bùng phát trên diện rộng ở khu vực Tây Phi gây bàng hoàng cho quốc tế. Độc tính cao, diễn tiến bệnh nhanh, độ lây nhiễm cao khiến ít nhất hơn 2.000 người đã chết. Nhiều người mang mầm bệnh đến Mỹ, châu Âu tạo nguy cơ Ebola phát tán toàn cầu.
Virút Ebola nhìn dưới kính hiển vi - Ảnh: CDC
Ebola trở thành nỗi ám ảnh, đồng thời là “mặt trái” của thế giới phẳng chúng ta khi tiến bộ khoa học kĩ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đã xóa nhòa khoảng cách địa lí. Mầm bệnh theo các chuyến bay lan rộng theo không gian đa quốc gia. Ebola còn lột tả khoảng cách giàu- nghèo khi các quốc gia Tây Phi không trang bị đủ hạ tầng và thiết bị y tế để đối phó với dịch bệnh.
4. Tai nạn hàng không
Chưa năm nào ngành hàng không thế giới chịu mất mát lớn như năm nay. Đầu tiên, chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích trên hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8-3. Cuộc tìm kiếm với sự hợp tác đa quốc gia (trong đó có Việt Nam) đến nay chưa đem lại kết quả. 239 hành khách trên chuyến bay vẫn còn mất tích.
Người dân kí tên lên tấm vải in hình máy bay MH370 cầu nguyện cho các nạn nhân xấu xố - Ảnh: The Malaysian Insider
Ngày 17-7 một chiếc máy bay khác của Malaysia Airlines số hiệu MH17 rơi tại Ukraine khiến 298 người thiệt mạng. Nghi vấn máy bay bị trúng tên lửa đất đối không Buk. Cuộc điều tra nguyên nhân đến nay vẫn chưa kết thúc khi Nga và Ukraine không ngừng đổ lỗi cho nhau là bên gây tai nạn.
1 tuần sau đó, vào ngày 24-7, một chiếc máy bay số hiệu AH5017 của hãng Air Algerie rơi tại biên giới Mali khiến 116 người thiệt mạng.
5. Biểu tình đòi cải cách bầu cử tại Hồng Kông
Mô hình “một đất nước hai chế độ” của Trung Quốc gặp trở ngại lớn trong việc áp dụng tại đặc khu Hồng Kông khi giới sinh viên, trí thức xuống đường biểu tình phản đối chính sách bầu cử của Bắc Kinh.
Đám đông biểu tình đụng độ cảnh sát tại Hồng Kông - Ảnh: Bussiness Insider
Chính quyền Tập Cận Bình muốn người dân Hồng Kông bầu lãnh đạo mới năm 2017 theo danh sách ứng cử được Bắc Kinh ủng hộ. Những người Hồng Kông lại muốn trực tiếp bầu lãnh đạo do chính họ chấp thuận.
Mâu thuẫn này được dự báo sẽ còn bùng lên trong thời gian tới khi gần đến cột mốc 2017.
6. Giá dầu tuột dốc
Những ngày cuối năm, thị trường quốc tế chao đảo khi giá dầu thô sụt giá mạnh. Từ 115 USD/thùng hồi tháng 6 xuống còn 59 USD/thùng vào tháng này.
Những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí như Venezuela và Nga chịu thiệt hại nặng nề nhất. Những nước nhập khẩu ngược lại trút được một phần gánh nặng nợ công. Giá dầu giảm khiến "người khóc kẻ cười”.
7. Thái Lan đảo chính
Quốc gia Đông Nam Á trở thành tâm điểm chú của cộng đồng quốc tế khi các phe phái đấu đá nhau dẫn đến chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ, quân đội lên nắm quyền.
Người dân Thái Lan ra đường phản đối chính phủ Yingluck - Ảnh: globalvoicesonline.org
Cuộc biểu tình dài ngày tại Bangkok cho thấy mâu thuẫn giữa những người nông dân miền Bắc và tầng lớp trung lưu tại Bangkok càng trở nên sâu sắc.
8. Đụng độ giữa lực lượng Hamas và Israel tại dải Gaza
Tháng 7 và tháng 8 vừa qua Israel và lực lượng Hamas nắm quyền tại dải Gaza đụng độ dữ dội trong cuộc chiến kéo dài gần 50 ngày. Đây là cuộc khủng hoảng thứ ba diễn ra trong vòng 6 năm qua. Giao tranh khiến hàng trăm người thiệt mạng, đẩy người dân Gaza vào tình thế khốn đốn.
Gaza hoang tàn sau một đợt không kích của Israel - Ảnh: Daily News
Dải Gaza bị phong tỏa tứ bề khi Israel và Ai Cập đóng cửa khẩu biên giới. Người dân thiếu nhu yếu phẩm, điện, nước. Họ co cụm nhau trong một dải đất chật hẹp, hàng ngày chịu pháo kích rơi trúng đã tạo nên một thảm họa nhân đạo của thế kỉ.
9. Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba
Tối 17-12 lãnh đạo Mỹ và Cuba bất ngờ công bố những động thái nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước sau hơn nửa thế kỉ “đóng băng”.
Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Obama chào nhau trong đám tang Nelson Mandela hồi năm ngoái - Ảnh: BBC
Cụ thể, Mỹ sẽ mở sứ quán ở thủ đô Havana trong tháng tới, Cuba cũng mở sứ quán tại Washington. Nhà Trắng cũng tiến tới xem xét khả năng dỡ bỏ cấm vận thương mại, kinh tế với quốc đảo này.
10. Xung đột chủ quyền trên biển
Biển Đông và biển Hoa Đông năm qua “dậy sóng"với hai sự kiện: Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bị Nhật cáo buộc “chồng lấn” vào khu vực lãnh hải của nước này. Ngày 2-5, Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông.
Dàn khoan Hải Dương 981 - Ảnh: news.cn
Qua những sự kiện này, cộng đồng quốc tế thúc giục các quốc gia phải tuân thủ luật pháp và các công ước quốc tế trong giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ.
Anh Duy