Gần đây, nhờ mở rộng giao thông nên ngoài đường phố, nhiều chiếc cầu cũ tại TP.HCM đã được thay thế bằng những cây cầu mới hiện đại để người tham gia giao thông đi lại thuận tiện. Nhưng chính trên những chiếc cầu này lại xuất hiện nhiều hàng rong, xe đẩy và cả chợ tạm bày bán vừa làm mất vẻ mỹ quan vừa gây ách tắc giao thông.
Họp chợ trên cầu
Đoạn đường uy hiếp tinh thần người dân
Cách đây hai năm, khi đường Phạm Văn Đồng nối từ công viên Gia Định ra chợ Thủ Đức được mở rộng thì không gian giao thông nơi đây thật sự “thay da đổi thịt” vì đã được thông thoáng. Thế nhưng, bắt đầu từ đó những cây cầu nhỏ dọc đường Phạm Văn Đồng đã quá tải do lượng người lưu thông tăng lên.
Nếu trước đây cầu Hang Trong và cầu Hang Ngoài (thuộc P.5, Q.Gò Vấp) rất ít người qua lại thì hiện nay dù giờ thấp điểm cũng bị kẹt xe vì lượng người tham gia giao thông tăng nhưng hai chiếc cầu này chưa được xây mới nên trở thành “nút thắt cổ chai” gây khó khăn cho việc lưu thông. Đó cũng là tình trạng chung ở một số cây cầu khác thuộc địa bàn Q.Gò Vấp như: cầu Chợ Cầu, cầu An Lộc, cầu Trường Đại, cầu Cụt…
Nằm ở hướng bắc TP.HCM, Q.Gò Vấp được con sông Vàm Thuật bao quanh từ P.14, qua P.13, P.15, P.17 và P.5. Chính vì thế Gò Vấp cũng là một quận có nhiều cây cầu án ngữ các cửa ngõ để đi sang các quận, huyện khác.
Ngoài nguyên nhân lưu lượng người qua lại tăng còn có một lý do khác đó là có nhiều chợ tự phát mọc lên thường xuyên làm tắc nghẽn hai đầu cầu mà điển hình nhất là cầu Trường Đai và cầu Cụt (thuộc P.13, Q. Gò Vấp).
Lò mổ gà vịt, hải sản
Đường Lê Đức Thọ bắt đầu từ đoạn cuối Phan Văn Trị đến đường Lê Văn Thọ là một ngả đi sang quận 12 nhưng trước đây rất ít người qua lại vì ngao ngán tình hình an ninh trật tự. Chính vì thế trên đoạn đường này trong năm 2014, công an các phường đã cho treo băng rôn với nội dung: “Đây là đoạn đường thuộc địa bàn phức tạp về trật tự an ninh nên bà con hãy cảnh giác đề phòng”.
Theo phản ánh của một số người dân, trước đây ngoài một số thanh niên hút chích ma túy còn có một vài nhóm ra tay cướp giật người đi đường cả ban ngày lẫn ban đêm vì thế khoảng 22 giờ khuya là bắt đầu vắng người qua lại.
Thiếu tá Thái Bình Long, Trưởng công an P.13 cho biết: “Những năm trước vào dịp cao điểm trấn áp tội phạm các phường trên đường Lê Đức Thọ cho treo băng rôn để tuyên truyền ý thức phòng chống tội phạm cho người dân”.
Đúng như người dân phản ánh, thời gian gần đây ngôi chợ tự phát cuối đường Lê Đức Thọ càng ngày quy mô càng lớn. Có thể coi đây như một chợ đầu mối bán sỉ các loại động vật, gia súc , gia cầm trôi nổi. Ngoài tôm cá, gà vịt, heo bò, ở đây còn có các sạp bán thỏ, chim bồ câu sống…
Trên cầu Chợ Cầu, cầu An Lộc cũng có 2, 3 người bán gà vịt sống. Cách đó một đoạn đường dù có tấm bảng cấm giết mổ gia cầm nhưng người bán người mua vẫn cứ thờ ơ.
Mặc dù đang mùa khô nhưng đoạn đường này luôn ngập nước và bốc mùi tanh từ các lò mổ gà vịt, tôm cá, lươn chạch… cơ động rất mất vệ sinh. Hơn 8 giờ sáng nhưng đường vẫn bị tắc do từng đoàn xe tải chở hàng nối đuôi nhau.
Kẹt xe và ô nhiễm
Trên cầu Cụt có vài chiếc xe đẩy bán đồ ăn sáng nhưng vẫn không tấp nập bằng cầu Trường Đai cách đó vài trăm mét. Không chỉ một bên mà cả hai phía cầu đủ các loại xe bán khóm, nước mía, dán keo xe điện thoại…chăng dù ra giống như trước nhà lồng chợ.
Ngang nhiên buôn bán trên thành cầu Trường Đai
Bà M. nhà ở P.13 bán khóm đầu cầu cho biết: “Vì không có chỗ trong chợ nên hai mẹ con tôi phải ra đây ngồi bán, nếu bán trong chợ thì cũng không có tiền đóng các khoản thuế hàng ngày”. Có lẽ chính vì thế mà bên kia cầu là địa bàn P. Tân Thới Hiệp, Q.12 các xe đẩy cũng chen ngay ra mặt cầu.
Tại trụ sở Công an P.13, quận Gò Vấp vào sáng 20-5, thiếu tá Thái Bình Long cho biết: “Tình hình chợ tự phát trên đường Lê Đức Thọ và trên cầu Trường Đai chính quyền địa phương đều biết. Hàng ngày cứ sáng sớm chúng tôi đều phối hợp với ủy ban, bộ phận xây dựng của phường thành một đội kiểm tra xuống giải quyết”.
Tuy nhiên theo thiếu tá Long, do cầu Trường Đai giáp với địa phận quận 12 nên khi bị truy đuổi các hộ kinh doanh lại dạt sang bên kia cầu nên rất khó xử lý. Tuy là “cửa ngõ” đông xe cộ vào ra nhưng đoạn đường này rất hẹp nên chuyện kẹt xe xảy ra thường xuyên.
Để đảm bảo trật tự trị an nơi đây, ban điều hành khu phố 1 đã cho dân phòng cắm chốt ngay chân cầu nhưng khi chúng tôi đến thì nhân viên ở đây vẫn còn… ngủ.
Dân phòng ngủ ngày
Được hướng dẫn vào trụ sở Ban điều hành khu phố thì trưởng ban Nguyễn Tuấn Thanh đi vắng. Chúng tôi gọi điện cũng không thấy bắt máy.
Ông Huy, một người dân sống ngay chân cầu bức xúc: “Buổi sáng đã kẹt, buổi trưa còn kẹt hơn. Lâu lâu cũng có người xuống dẹp nhưng đoàn kiểm tra đi đâu lại vào đó”.
Theo ông Huy, phải có hình thức giáo dục và xử phạt như thế nào đó cho hợp lý mới giải quyết được tình trạng này.
“Các phường khác, quận khác khó hơn người ta còn làm được. Tại sao ở đây lại không làm được, tôi thật không hiểu? Nếu không chuyển hóa địa bàn thì nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm và bệnh tật chắc chắn khó tránh khỏi”, người đàn ông 50 tuổi này bức xúc.