(CATP) Bộ máy mới đã chính thức đi vào hoạt động, mang theo niềm tin và hy vọng của cán bộ (CB), Nhân dân vào sự chuyển mình của đất nước vào kỷ nguyên mới.
“TIẾP SỨC” CHO CÁN BỘ
“Vạn sự khởi đầu nan”, giai đoạn giao thời không tránh khỏi khó khăn nhất định. Cộng đồng được hưởng lợi từ nền hành chính công chuyên nghiệp, mang dấu ấn khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu công việc, nhiều công chức (CC) đang phải cố gắng khắc phục một số trở ngại mới phát sinh, tìm đáp án cho bài toán “hậu” sáp nhập.
Nhiều tỉnh, thành đã chủ động triển khai các chính sách chia sẻ khó khăn, với cán bộ (CB) đi làm xa nhà. Tỉnh Đồng Nai chi 8,6 tỉ đồng hỗ trợ CC ở tỉnh Bình Phước (cũ) đi làm tại địa điểm sau sáp nhập. TPHCM kịp thời triển khai đội ôtô “xịn” làm nhiệm vụ đưa đón CB ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) theo lịch trình sáng đi chiều về, 5 ngày/tuần.
Với các địa phương như Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, những trường hợp nhà cách cơ quan gần trăm cây số cũng khá đông. Lãnh đạo tỉnh mới cũng kịp thời vận dụng linh hoạt nhiều phương án tiếp sức. Nhu cầu nhà ở tập thể, nhà công vụ lúc này trở nên khá “nóng”. Nhiều người dự tính sáng thứ hai đi, chiều thứ sáu mới về, một vài người khác ở lại lâu hơn, đưa con cái theo đi học tại nơi công tác và đều được đáp ứng.
Những biện pháp tình thế nói trên đã góp phần “gỡ vướng” cho đội ngũ CC, giúp họ yên tâm phục vụ. Bản thân mỗi người cũng nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, vượt khó, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến công tác. Hơn ai hết họ ý thức được trách nhiệm của mình, phấn đấu làm việc tốt hơn để xứng đáng với những người đã “nhường” lại vị trí.

Chính quyền các địa phương luôn quan tâm đến chương trình an sinh xã hội
CẦN THÊM GIẢI PHÁP LÂU DÀI
Trước mắt xem như tạm ổn, còn về lâu dài có lẽ cần những giải pháp căn cơ, khả thi hơn. Hàng ngày xe chở CB từ các xã, phường trước đây thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) khởi hành từ 5 giờ 10 sáng, đồng nghĩa với mỗi người phải ra khỏi nhà trước 5 giờ để đến điểm “tập kết”. Thời khóa biểu này lặp đi lặp lại quanh năm suốt tháng thì quả là vất vả cho người đi làm xa nhà. Việc đưa đón con đến trường phải nhờ ông bà, nhưng ngặt nỗi không phải ai cũng được ở gần cha mẹ.
An cư lạc nghiệp, nhu cầu về nhà ở xã hội tại các khu vực gần trung tâm hành chính cấp tỉnh vì vậy cấp thiết hơn bao giờ hết. Giải quyết để CB được mua trả góp, lãi suất thấp, trả chậm hoặc cho thuê cũng là điều nằm trong tầm tay. Những người trong hoàn cảnh này trở ngại lớn nhất không phải công việc mà chính là mong có chỗ ở ổn định, gần cơ quan. Tháo được nút thắt trên, mọi chuyện sẽ suôn sẻ, tất cả đều toàn tâm toàn ý làm việc.
Mới đây, một đại biểu Quốc hội đã có ý kiến rất thực tế: Nên chuyển đổi công năng của trụ sở đang dôi dư thành trường học, nơi giữ xe hoặc nhà ở công vụ. Chuyển hóa phát biểu này thành hiện thực sẽ giúp tăng thêm nguồn cung cho nhu cầu cư trú, giải được bài toán nhà ở. Một yếu tố thuận lợi nữa khi những địa bàn trước kia là trung tâm hành chính cấp quận, thường có số lượng trụ sở dôi dư nhiều hơn nơi khác; vấn đề còn lại nằm ở phương pháp, mục đích sử dụng. Thực hiện được sẽ có tác dụng kép “hai trong một”.
Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án đầu tư các tuyến metro “xuyên” TPHCM mới, kết nối với tuyến metro hiện hữu và tuyến số 2 sắp khởi công cũng là việc cần làm ngay. Trong số loại hình giao thông công cộng, đây là phương tiện nhanh nhất, an toàn nhất và tiết kiệm nhất. Khi đã hình thành hệ thống đường sắt đô thị khép kín, chuyện sáng đi chiều về trong phạm vi dưới 100km sẽ trở nên bình thường.
Ngoài ra, Trung ương cũng đã “chốt hạ” kéo dài thời gian công tác đối với CB không chuyên trách ở cơ sở đến trước ngày 31/5/2026. Gần 1 năm nữa không phải quá ngắn, quan tâm bồi dưỡng, đào tạo mcho các CB trẻ, sẵn sàng tạo điều kiện để họ được thi tuyển CC khi cần, mở ra cơ hội tiếp tục phục vụ. Chúng ta đã áp dụng bỏ “biên chế suốt đời”, vì vậy cần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thực hiện có vào có ra, có lên có xuống.