YÊU CẦU KHÁCH QUAN
Năm 2010, người đầu tiên tại Việt Nam hiến tạng sau khi chết não. Cho đến nay, sau 15 năm, cả nước đã có 225 người hiến tạng sau chết não. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, được Quốc hội thông qua năm 2006, là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam đặt nền móng cho lĩnh vực y học mang tính nhân văn và tiên tiến. Nhờ hành lang pháp lý này, đến nay, Việt Nam đã thực hiện hàng ngàn ca ghép tạng, xây dựng được mạng lưới 27 cơ sở y tế đủ năng lực kỹ thuật, từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật ghép phức tạp như ghép tim - gan đồng thời, ghép khí quản, phổi... “Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ triển khai, bối cảnh thực tiễn, trình độ công nghệ, nhu cầu của người bệnh và yêu cầu quản trị y tế đã thay đổi mạnh mẽ. Trong khi đó, Luật hiện hành đang bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của ngành” - ông Thuấn chỉ rõ.
Do vậy, việc sửa đổi Luật là yêu cầu khách quan và cấp thiết, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết nhấn mạnh rằng pháp luật phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu phát triển, tôn trọng và phục vụ Nhân dân.

Các bác sỹ thực hiện hoạt động lấy ghép mô tạng
Thực tiễn hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề chưa được Luật hiện hành điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ. Cụ thể như: Chưa có cơ chế tài chính đồng bộ cho toàn bộ chuỗi hoạt động hiến, lấy, vận chuyển, bảo quản, ghép; người dưới 18 tuổi chưa được phép hiến tạng, kể cả trong trường hợp có ý chí tự nguyện và sự đồng thuận của gia đình; quy trình chẩn đoán chết não - điều kiện tiên quyết để xác định khả năng hiến còn phức tạp, kéo dài, thiếu quy chuẩn dễ áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não còn rất thấp, trong khi hơn 90% số tạng được ghép hiện nay vẫn đến từ người hiến sống, gây ra nhiều thách thức về đạo đức và pháp lý; quy trình đăng ký hiến tạng còn phức tạp, chưa thân thiện và khó tiếp cận với đa số người dân.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phân tích việc sửa đổi Luật lần này cần được nhìn nhận như một bước đột phá về thể chế, bảo đảm tính khả thi, nhất quán, tạo nền tảng pháp lý bền vững, nhân văn và hiệu quả cho lĩnh vực ghép tạng. Vì vậy, Luật sửa đổi cần tiếp cận các thông lệ quốc tế tiên tiến, nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện thực tiễn và năng lực triển khai tại Việt Nam.
Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, Luật hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, đòi hỏi cần sửa đổi. Đó là cần bổ sung quy định cho phép trẻ em và người chết tim được hiến tạng. Cùng với đó, cần quy định rõ cơ chế tài chính cho cả người ghép và người hiến. Bởi hiện nay, cơ chế tài chính cho người ghép chưa có, còn cho người hiến thì đã có nhưng vẫn rất hạn chế. “Hiện, với 31 trung tâm ghép trên cả nước, đáng lẽ Việt Nam có thể thực hiện được gấp 10 số ca ghép tạng so với hiện tại. Vấn đề là chúng ta không có nguồn hiến. Nếu không có cơ chế tài chính đủ lớn thì hoạt động hiến, ghép tạng gặp rất nhiều khó khăn” - Phó giáo sư Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo mới là quy định nếu người đã đăng ký hiến mô, tạng trước khi qua đời, sau khi được xác định chết não hoặc chết tim, cơ sở y tế có thể tiến hành lấy tạng mà không cần thêm sự đồng ý từ gia đình. Quy định này nhằm tôn trọng ý nguyện của người hiến, rút gọn thủ tục và phù hợp thông lệ quốc tế. Trường hợp người qua đời không đăng ký hiến tạng, việc lấy mô, bộ phận cơ thể vẫn cần sự đồng ý bằng văn bản từ người đại diện hoặc giám hộ hợp pháp, sau khi người hiến được xác định là chết não.
Dự thảo cũng đề xuất mở rộng đối tượng hiến tạng là người dưới 18 tuổi trong trường hợp chết não hoặc chết tim, với điều kiện phải có sự đồng ý từ người đại diện hợp pháp. Đây được xem là điểm mở quan trọng, góp phần tăng nguồn tạng hiến, vốn luôn khan hiếm.
CẦN CÓ CHÍNH SÁCH VỚI NGƯỜI HIẾN TẠNG
Các chuyên gia cũng nhận định mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi hoàn toàn có thể cấy ghép cho người bệnh, nhất là trẻ em. Bởi trên thế giới, nhiều quốc gia như Pháp hoặc một số nước Liên minh châu Âu đã cho phép người dưới 18 tuổi hiến mô, tạng sau khi chết với điều kiện bắt buộc có sự đồng thuận bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ. Việc mở rộng độ tuổi này sẽ tạo cơ hội cứu sống thêm nhiều bệnh nhi cần ghép tạng.

Đội ngũ y bác sỹ tri ân người hiến tạng
Mặc dù hoạt động hiến tạng xuất phát từ mục đích nhân đạo, không thương mại, song nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách chăm lo hợp lý cho thân nhân người hiến. Theo quy định hiện nay, thân nhân người hiến được hỗ trợ chi phí mai táng tương đương 10 tháng lương cơ sở nếu họ đứng ra tổ chức tang lễ và mai táng tro cốt. Người hiến mô hoặc bộ phận cơ thể được truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" do Bộ trưởng Bộ Y tế trao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cần mở rộng các chính sách với người hiến. Bởi thực tế cơ chế tài chính cho người hiến dù đã có nhưng vẫn rất hạn chế. Nếu không có cơ chế tài chính đủ lớn thì hoạt động hiến, ghép tạng gặp rất nhiều khó khăn. Với người hiến chết não, ông Phúc kiến nghị miễn toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, cấp cứu trước khi hiến; hỗ trợ chi phí vận chuyển thi thể về địa phương để mai táng; tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho bố mẹ hoặc con cái của người hiến trong thời gian 3 - 5 năm, đồng thời ưu tiên thân nhân người hiến trong danh sách ghép tạng nếu họ rơi vào tình trạng suy tạng sau này.
Theo Bộ Y tế, dự luật mới hướng đến hệ thống điều phối hiện đại, chuyên nghiệp. Trong đó, quy trình chẩn đoán chết não sẽ được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian để tránh bỏ lỡ cơ hội ghép tạng. Ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác. Quan điểm của Bộ Y tế là hoàn thiện khung pháp lý, sửa đổi những bất cập và bổ sung quy định phù hợp thực tiễn sau gần 20 năm thực hiện.
Từ nghĩa cử cao đẹp, hai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối tại TPHCM và một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại Huế đã được hồi sinh. Một lần nữa, kỳ tích y học lại được thực hiện nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.
Tại Việt Nam, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, được Quốc hội thông qua năm 2006, là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực y học mang tính nhân văn và tiên tiến. Nhờ hành lang pháp lý này, đến nay, nước ta đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng, xây dựng được mạng lưới 27 cơ sở y tế đủ năng lực kỹ thuật, từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật ghép phức tạp.
Tuy nhiên, sau 19 năm triển khai, Luật hiện hành đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đang tiến hành lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác nhằm tạo đột phá cho một lĩnh vực y học đang mang lại cơ hội sống cho hàng nghìn người bệnh mỗi năm.
Đây cũng là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác” diễn ra mới đây. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chỉ ra một số vấn đề chưa được Luật hiện hành điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh đầy đủ, cụ thể như: Chưa có cơ chế tài chính đồng bộ cho toàn bộ chuỗi hoạt động hiến - lấy - vận chuyển - bảo quản - ghép; người dưới 18 tuổi chưa được phép hiến tạng, kể cả trong trường hợp có ý chí tự nguyện và sự đồng thuận của gia đình; quy trình chẩn đoán chết não - điều kiện tiên quyết để xác định khả năng hiến còn phức tạp, kéo dài, thiếu quy chuẩn dễ áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tỷ lệ hiến tạng từ người chết não còn rất thấp, trong khi hơn 90% số tạng được ghép hiện nay vẫn đến từ người hiến sống, gây ra nhiều thách thức về đạo đức và pháp lý; quy trình đăng ký hiến tạng còn phức tạp, chưa thân thiện và khó tiếp cận với đa số người dân.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đề xuất các nội dung chính, gồm: Cho phép người từ 18 tuổi và người chết tim được hiến mô, tạng; đơn giản hóa điều kiện lấy mô, tạng; rút ngắn thời gian trong quy trình chẩn đoán chết não; thay đổi thứ tự ưu tiên trong tiếp nhận ghép tạng; xây dựng cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ phù hợp; không thương mại hóa hoạt động hiến, ghép; quy định về công bố danh tính người hiến; tôn trọng ý nguyện người hiến...