Ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo công nghệ cao

Thứ Ba, 13/05/2025 08:37

|

(CATP) Thời gian qua, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng các chiêu thức ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý lo sợ của người dân, đặc biệt là những người cao tuổi ít tiếp xúc với thông tin ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cuối tháng 3/2025, bà N.T.K (trú tại khối 20/7, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) nhận được nhiều cuộc điện thoại từ số lạ, tự xưng là cán bộ công an. Các đối tượng thông báo bà K. có liên quan đến một vụ án ma túy và yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối. Đối tượng nắm rõ thông tin bà K. có sổ tiết kiệm 700 triệu và yêu cầu đến Agribank rút toàn bộ số tiền này chuyển vào tài khoản do chúng cung cấp để "phục vụ điều tra", nếu không sẽ bị bắt tạm giam.

Ngăn chặn vụ lừa đảo 220 triệu đồng cho bà L.

Do quá lo sợ, bà K. đã làm theo lời yêu cầu của chúng. Nhận thấy bà K. có biểu hiện bất thường, tâm lý hoảng loạn, liên tục nghe điện thoại chỉ đạo, giao dịch viên ngân hàng đã nhanh chóng tiếp cận, hỏi thăm kỹ lưỡng, giải thích về các thủ đoạn lừa đảo giả danh công an và ngăn chặn thành công việc chuyển tiền.

Không chỉ ở Điện Biên, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại tỉnh Sơn La. Vào ngày 25/4, tại Agribank Chi nhánh huyện Mai Sơn, các cán bộ ngân hàng cũng đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo công nghệ cao. Theo đó, vào khoảng 10 giờ, bà N.T.L (trú tại tiểu khu 9, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) đến ngân hàng yêu cầu được rút toàn bộ 220 triệu đồng trong sổ tiết kiệm. Thái độ vội vã, lo lắng và bất an của bà L. đã khiến giao dịch viên và thủ quỹ ngân hàng nghi ngờ có điều bất thường.

Bà K. suýt mất 700 triệu đồng vì cuộc gọi giả danh công an

Hai cán bộ ngân hàng đã trò chuyện, động viên và dần phát hiện ra bà L. đang bị một nhóm đối tượng lạ liên tục gọi điện đe dọa, ép buộc phải chuyển tiền. Chúng còn dọa nạt rằng nếu bà tiết lộ sự việc cho bất kỳ ai thì gia đình bà sẽ gặp nguy hiểm. Ngay lập tức, phía ngân hàng đã báo tin cho Công an thị trấn Hát Lót. Nhờ sự can thiệp kịp thời và giải thích cặn kẽ của lực lượng công an cùng cán bộ ngân hàng, bà L. đã dần trấn an tinh thần, nhận ra mình đang bị lừa và quyết định không thực hiện giao dịch nữa.

Trước tình hình các vụ lừa đảo có dấu hiệu gia tăng, đại diện Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng giúp người dân nâng cao cảnh giác. Theo đó, người dân tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng tự xưng là công an, hải quan, thuế, nhân viên sân bay... yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra hay bất kỳ lý do nào khác. Cơ quan chức năng không bao giờ làm việc qua điện thoại.

Không mua, bán, cho mượn giấy tờ tùy thân, tài khoản ngân hàng. Nếu nhận được yêu cầu chuyển tiền từ người thân, bạn bè qua mạng xã hội, cần gọi điện trực tiếp xác nhận. Nếu người đó viện lý do không tiện nghe máy, kiên quyết không chuyển khoản. Khi tài khoản bỗng dưng nhận được tiền "chuyển nhầm", không sử dụng số tiền đó, chỉ làm việc trực tiếp với ngân hàng để giải quyết.

Theo Công an tỉnh Điện Biên, khi được tiếp cận bởi các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên chủ động ngắt liên lạc, chặn tin nhắn. Chặn và báo cáo các tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội. Đối với các cuộc gọi, lưu lại số điện thoại của các đối tượng và trình báo với cơ quan công an nhằm kiểm tra và bắt giữ. Trường hợp bị dẫn dụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo, cần phải: dừng chuyển tiền; liên hệ với ngân hàng; sao lưu lịch sử giao tiếp, giao dịch; cảnh báo cho gia đình và bạn bè...

Các vụ việc trên cho thấy sự cần thiết phải nâng cao cảnh giác của mỗi người dân trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Đồng thời, sự tận tâm, chuyên nghiệp của đội ngũ giao dịch viên, là vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tài sản cho khách hàng.

Hai lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân

Ngày 11/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Bạch Biên Hòa (SN 1987, trú xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; nguyên phó chủ tịch UBND xã Hòa Xuân) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bạch Biên Hòa tại cơ quan công an

Theo kết quả điều tra, vào tháng 7/2024, một người đàn ông tên H. trú huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đến phòng làm việc của Hòa đặt vấn đề xin thuê 2 hồ nước do UBND xã Hòa Xuân quản lý để nuôi trồng thủy sản. Hòa trả lời ông H. là phải xin ý kiến của cấp trên rồi mới quyết định được. Đến cuối tháng 7/2024, Hòa nhắn tin cho ông H. với nội dung muốn xin chủ trương cho thuê hồ thì phải có "quà” là 30 triệu đồng. Vì tin tưởng nên ông H. đã chuyển khoản cho Hòa 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Hòa không làm các thủ tục cho ông H. thuê hồ nước mà chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.

Trước đó, vào tháng 2/2023, Hòa cũng đưa ra thông tin gian dối, hứa hẹn sẽ lo cho một người thi đậu viên chức giáo viên do UBND TP.Buôn Ma Thuột tổ chức. Vì tin tưởng lời hứa hẹn, người này đã chuyển cho Hòa 250 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, Hòa cũng đã chiếm đoạt tiêu xài cá nhân. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra, làm rõ vụ án.

VIÊT ANH

Bình luận (0)

Lên đầu trang