Thủ đoạn lừa phổ biến
Ngày 25/4, một trong nhiều ngân hàng (NH) thương mại cổ phần đã phát đi thông báo đến khách hàng: "Trước các thủ đoạn lừa đảo vô cùng tinh vi, NH gửi đến quý khách hàng các thủ đoạn lừa đảo phổ biến, để quý khách nâng cao cảnh giác kèm theo các nguyên tắc an toàn cần lưu ý khi giao dịch trực tuyến".
Theo đó, các đối tượng lừa đảo tạo dựng tình huống "kịch bản" lừa đảo giả mạo tin nhắn yêu cầu thanh toán đơn hàng bằng chuyển khoản/mã QR. Bọn chúng thu thập thông tin khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau (livestream, trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử, đơn vị giao nhận...); nhắn tin SMS/Zalo/Messenger cho khách hàng để yêu cầu thanh toán đơn hàng, kèm thông tin là "vui lòng thanh toán ngay nếu không hàng sẽ hoàn về kho"; hoặc gửi tin nhắn kèm link/mã QR, khách hàng nhấp vào link hoặc quét QR thì tài khoản sẽ bị trừ tiền.

N. bị bắt tại Sóc Trăng, khai làm tại khu "Tam Thái Tử" Campuchia, lừa đảo qua mạng hơn 131 tỷ đồng
Bên cạnh đó là "kịch bản lừa giả mạo cán bộ cơ quan Nhà nước như: Thuế, Công an, Viện kiểm sát, Điện lực, các nhà mạng...", yêu cầu thực hiện cài app giả mạo các app của Chính phủ, app Tổng cục thuế, app Điện lực... hoặc gửi các link giả mạo có chứa mã độc. Đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ cơ quan Nhà nước gọi điện đến khách hàng để dẫn dụ họ vào các tình huống như: hướng dẫn quyết toán thuế, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thông báo khách hàng vi phạm pháp luật, thông báo bị cắt điện.
Ngoài ra, bọn chúng dẫn dụ khách hàng cài app giả mạo hoặc gửi link giả mạo có chứa mã độc để yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin hoặc thanh toán tiền điện, chuyển tiền. NH cũng cảnh báo về rủi ro, trường hợp người dân mất bình tĩnh, hoặc vô tình thực hiện theo hướng dẫn của kẻ mạo danh như nhấp vào link, hoặc cài app theo yêu cầu của đối tượng, khách hàng sẽ bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại từ xa; bị lộ, mất thông tin bảo mật (tên truy cập, mật khẩu, mã Pin Safekey, mã OTP, thông tin thẻ, hình ảnh sinh trắc học...). Như vậy, tiền trong tài khoản, thẻ của khách hàng có khả năng bị chiếm đoạt.
Đơn cử là trường hợp của ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ Q7). Nạn nhân cho biết, điện thoại của ông liên tục nhận được cuộc gọi từ số lạ. Do công việc rất bận, ông Bình bấm phím tắt hoặc không nghe máy. Tuy nhiên, mới đây ông nghe thử, bên kia xưng là "nhân viên điện lực" rồi đọc đúng tên tuổi của ông Bình. Thế nhưng khi người này yêu cầu chuyển khoản tiền điện (nợ 3 tháng) cho căn nhà ở Bình Dương, ông Bình hiểu ngay là "lừa đảo", vì ông không có ngôi nhà nào ở Bình Dương và nhà ở Q7 (TPHCM) cũng không nợ tiền điện.
Chưa hết, trong giao dịch trực tuyến, hoặc quan hệ xã hội với nhiều loại giao dịch khác nhau mà có thể thông tin cá nhân bị lọt lộ, anh Trần Văn Hoa (ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết: "Tôi làm nghề dịch vụ, giao dịch khách hàng rất nhiều. Nhưng mỗi ngày không biết bao nhiêu số điện thoại lạ gọi, thậm chí vì làm ăn nên phải nghe. Khi nghe tôi rất bực mình vì nhận ra chiêu trò của kẻ lừa đảo".
Cũng theo ông Hoa, mới đây số tài khoản của ông bỗng bị khóa (vì nhập sai 5 lần). Nhưng ông chưa kịp ra NH nhờ xử lý thì có số điện thoại lạ gọi có gắn trên đầu số hình logo của NH ông Hoa mở tài khoản. Ông nghe máy do nhầm tưởng là NH gọi và vô cùng hoang mang vì bên kia giọng một cô gái xưng là nhân viên NH rồi hướng dẫn ông muốn mở lại tài khoản phải thực hiện theo các bước yêu cầu. Kèm theo đó, cô ta còn dọa: "Anh không thực hiện theo hướng dẫn, trong vòng 30 phút số tài khoản của anh sẽ bị xóa".

Công an kịp thời ngăn chặn người dân chuyển khoản cho đối tượng giả danh
Do hiểu biết về tình trạng, thủ đoạn lừa đảo, ông Hoa từ chối làm theo "cô nhân viên NH" và tìm đến chi nhánh NH để mở lại tài khoản bị khóa. Tại quầy giao dịch, nhân viên NH cho biết không có nhân viên NH hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước yêu cầu và cũng không xóa tài khoản của khách. Lúc này, ông Hoa trình điện thoại kèm logo mà đối tượng lừa đảo vừa gọi cho ông.
Xem qua, nhân viên NH cho biết đây là chiêu thức thủ đoạn kẻ lừa gắn logo giả mạo NH nhằm để khách hàng dễ "sập bẫy". Khi kẻ lừa đảo biết số tài khoản, đã thực hiện việc cố tình làm cho số tài khoản đó bị khóa (nhập sai 5 lần), sau đó dựng lên vở kịch gọi điện cho chính người bị khóa tài khoản để dụ họthực hiện các bước nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Hành động bảo đảm an toàn giao dịch
Theo NH, để bảo vệ tài sản, nhất là thời gian lượng giao dịch trực tuyến tăng cao, mọi người hết sức bình tĩnh, không cung cấp thông tin bảo mật (tên truy cập, mật khẩu, mã Pin Safekey, mã OTP, thông tin thẻ, hình ảnh sinh trắc học...) cho bất cứ ai kể cả với người xưng là nhân viên NH. Bên cạnh đó, người dân không bấm vào link lạ, hoặc cài app không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, bản thân bị lọt lộ thông tin bảo mật, phải chủ động nhập sai mật khẩu 5 lần để khóa quyền đăng nhập dịch vụ NH online, hoặc chủ động khóa thẻ trên kênh dịch vụ online. Ngoài ra, khách hàng tham khảo thêm các nguyên tắc an toàn khi giao dịch trực tuyến và các tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến trên website của các NH mà mình có tài khoản. Trong trường hợp khẩn cấp khi bị gian lận, nghi ngờ lộ thông tin giao dịch, khách hàng liên hệ ngay với NH qua số điện thoại của NH đó, hoặc báo Công an gần nhất.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, nhất là giao dịch trực tuyến của NH
Cũng trong thời gian mà lượng giao dịch trực tuyến tăng mạnh, NH cảnh báo về tình trạng mạo danh nhân viên NH để lừa đảo. Đó là lợi dụng kỳ nghỉ lễ kéo dài và nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến của khách hàng tăng cao, các đối tượng lừa đảo thực hiện nhiều thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản, thẻ của khách hàng. NH cảnh báo đến khách hàng tình huống lừa đảo mạo danh nhân viên NH kèm theo các nguyên tắc an toàn cần lưu ý khi giao dịch trực tuyến.
Cụ thể, tình huống "hỗ trợ cài đặt sinh trắc học", đối tượng mạo danh tạo các tài khoản ảo như: nhân viên NH, hỗ trợ khách hàng... liên hệ khách hàng qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc trà trộn tương tác với bình luận khách hàng bên dưới các bài đăng trên Fanpage chính thức của NH để "hỗ trợ khách hàng" đăng ký xác thực khuôn mặt.
Với mục đích yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, các thông tin bảo mật của dịch vụ NH trực tuyến, hình ảnh căn cước, căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng, hoặc có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Tiếp theo, kẻ lừa đảo sẽ dẫn dụ khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng giả mạo hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.
Bên cạnh đó là các trường hợp "hỗ trợ gói vay ưu đãi", "nâng hạn mức thẻ tín dụng", "khóa thẻ”. Kẻ xấu giới thiệu cho vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản; nâng hạn mức thẻ tín dụng, hỗ trợ khóa thẻ... Đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng chụp hình thẻ, hình ảnh giấy tờ tùy thân, chuyển phí hồ sơ, phí bảo hiểm, phí dịch vụ, hoặc cung cấp thông tin bảo mật (tên truy cập, mật khẩu, mã Pin Safekey, mã OTP, thông tin thẻ...), hay nhấp vào link lạ. Đây là rủi ro và thiệt hại cho khách hàng là bị lộ, bị mất thông tin bảo mật (tên truy cập, mật khẩu, mã Pin Safekey, mã OTP, thông tin thẻ...). Tiền trong tài khoản, thẻ của nạn nhân có khả năng bị chiếm đoạt, bị lừa mất tiền.
Do vậy, NH cảnh báo, nguyên tắc an toàn chung là chỉ đăng ký xác thực khuôn mặt trên ứng dụng của NH hoặc tại các chi nhánh, phòng giao dịch của NH. Không bấm vào link lạ hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không cung cấp thông tin bảo mật (tên truy cập, mật khẩu, mã Pin Safekey, mã OTP...) và thông tin hình ảnh thẻ, hình ảnh giấy tờ tùy thân cho người khác.
Người dân cần đăng ký số điện thoại chính chủ và cài đặt thông báo biến động số dư tài khoản, thẻ trên ứng dụng của chính NH mà mình có tài khoản. Đồng thời cũng cần thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch tài khoản, thẻ và theo dõi các thông báo của NH qua mail, ứng dụng online. Đặc biệt, chỉ tải và cài đặt các ứng dụng trực tiếp trên các cửa hàng ứng dụng chính thức Apple App Store hoặc Google Play Store (CH Play).