Nhận diện thủ đoạn lừa đảo “mua đi, bán lại”

Thứ Sáu, 25/04/2025 13:23

|

(CAO) Ngày 25/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam cho biết vừa làm rõ vụ lừa đảo dưới thức “mua đi, bán lại” xảy ra trên địa bàn xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ.

Trước đó, ngày 25/03, chị T.T.H. (chủ tiệm tạp hóa tại xã Tam Ngọc) nhận được cuộc gọi từ số lạ đặt mua 300 thùng bia với giá 258.000 đồng mỗi thùng, tổng giá tiền là 77,4 triệu đồng. Trong quá trình trao đổi, đối tượng tỏ ra là người buôn bán, tạo niềm tin và thúc giục hoàn tất giao dịch nhanh chóng.

Sau đó, đối tượng tiếp tục liên lạc với ông P.T. (chủ kho bia tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) giới thiệu là nhân viên sales của hãng và có 300 thùng bia muốn bán rẻ lại cho ông với giá 230.000 đồng mỗi thùng. Thấy giá hời nên ông T. đồng ý mua. Ngày hôm sau, đối tượng yêu cầu chị H. nhanh chóng giao hàng cho ông T. rồi yêu cầu ông chuyển khoản cho mình 69 triệu đồng. Chuyển tiền xong, cả ông T. và chị H. đều không thể liên lạc được với đối tượng.

Vào cuộc điều tra, xác minh, đến ngày 18/4, Công an phường Trường Xuân “vị khách” đã giở trò lừa đảo này là N.V.G. (SN 1984, ngụ xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam). Tại cơ quan công an, G. đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Đối tượng G. tại cơ quan công an

Trước đó, nhà hàng S.H. (TP.Tam Kỳ) cũng “sập bẫy” với thủ đoạn tương tự. Theo đó, một người phụ nữ gọi điện cho quản lý nhà hàng S.H. đặt tiệc cho 30 khách. Sau khi thống nhất chọn hàng loạt món, người phụ nữ nói sếp của mình chỉ thích uống đúng 1 loại rượu và người này nói tên loại rượu đó. Nghe vậy, quản lý nói rằng hiện nhà hàng không có loại rượu đó nhưng sẽ cố gắng liên hệ các đại lý ở TP.Tam Kỳ xem có không rồi báo lại.

Thế nhưng, sau khi liên hệ khắp các nhà phân phối đều không có loại rượu như vị khách yêu cầu, vì thế quản lý nhà hàng gọi điện cho người phụ nữ để báo lại sự việc. Lúc này, người phụ nữ nói ở Đà Nẵng có loại rượu đó, nếu quán cần sẽ cho số điện thoại để liên hệ đặt mua. Không nghi ngờ, quản lý nhà hàng xin số điện thoại mà người phụ nữ đó cung cấp.

Sau khi liên hệ, đúng như lời người phụ nữ trên giới thiệu, đầu dây bên kia nói họ có loại rượu trên, tuy nhiên phải chuyển khoản tiền trước rồi họ sẽ gửi rượu vào TP.Tam Kỳ, khoảng 2 tiếng là có rượu. Vì tin lời, quản lý nhà hàng chuyển khoản 16 triệu đồng cho người bán để có rượu phục vụ khách. Tuy nhiên, đến chiều tối, khi tiệc đã sắp đến nhưng vẫn chưa thấy rượu chuyển vào, quản lý nhà hàng gọi điện thì thuê bao đó không còn liên lạc được; tiếp tục liên hệ với người phụ nữ đặt tiệc thì thuê bao này cũng rơi vào trạng thái tương tự.

Trong khi đó, các món mà nữ khách hàng gọi đã làm sẵn sàng nhưng cũng chẳng thấy một vị khách nào trong số 30 người mà họ nói đến dự tiệc. Lúc này quản lý biết mình đã bị lừa.

Theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo với hình thức giả danh người mua hàng lớn, tạo áp lực giao hàng gấp, sau đó chiếm đoạt tài sản và cắt đứt mọi liên hệ. Các đối tượng thường lựa chọn nạn nhân là người kinh doanh, tiểu thương, chủ đại lý phân phối – những người ít đề phòng khi giao dịch qua điện thoại hoặc tin nhắn.

Để không trở thành nạn nhân tiếp theo, người dân tuyệt đối không giao hàng giá trị lớn nếu chưa xác minh rõ danh tính người mua và phương thức thanh toán; luôn yêu cầu đặt cọc, ký hợp đồng rõ ràng hoặc thanh toán trước một phần giá trị đơn hàng; không để hàng ở địa chỉ không rõ ràng hoặc “người nhận hộ” không có xác nhận; khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang