Hát đám ma …
Bóng Bảy là người chuyển giới nữ. Bóng Bảy sống cùng gia đình trên một ghe neo tại khu vực gần cầu Chánh Hưng (quận 8, TP.HCM). Bóng Bảy không có nghề nghiệp ổn định, không xin được việc làm ở bất kì đâu vì mang vẻ ngoài nam giới, nhưng hành động, cử chỉ lại yểu điệu, nữ tính.
Bức hình được chụp khi Bảy đang trang điểm chuẩn bị đi chơi tối
Tối tối, Bảy trang điểm để đi chơi, hoặc chỉ đơn giản là đi loanh quanh tại các khu vực quán nhậu, quán “hát với nhau” tại gần khu Bảy sống, ai kêu làm gì thì làm, ai kêu hát thì hát để được cho tiền.
“Tối có gì để làm thì mai có cái ăn, tối nào đi lòng vòng hoài mà không được gì thì mai nhịn”, Bóng Bảy tâm sự.
Những người chuyển giới không có việc làm ổn định như Bóng Bảy cũng tập trung rất nhiều ở khu vực Bảy sống.
Từng đi xin việc ở nhiều nơi nhưng không được nhận, Cát Thy (một người chuyển giới từ nam sang nữ, TP.HCM) tham gia một nhóm ca múa nhạc tạp kỹ. Hàng đêm cô trình diễn những tiết mục nguy hiểm, mua vui cho khán giả.
Nghề chính của Cát Thy là biểu diễn xiếc tự do và hát tại các đám tiệc, đám ma, đám cưới
Cát Thy tâm tình: “Nhóm chúng tôi có thể múa xiếc, xiếc bàn, dùng miệng cắn chân bàn, nâng bàn lên giữ thăng bằng… Tập xiếc đã hơn 1 năm, tôi có thể xếp ghế thành hình, xiếc xe đạp, ăn nhang cháy, ăn than, phun lửa. Ngoài ra, tôi còn làm M.C trong show diễn nữa. Nhóm chúng tôi diễn từ đám tang, đám sinh nhật cho tới đám cưới, đám giỗ”.
Cát Thy cho biết thêm: “Hồi mới tập chưa quen, tôi bị bỏng, bị đau nhiều lắm, nhưng giờ quen rồi. Với lại khán giả thích mấy trò mạo hiểm như vầy lắm, chứ hát hoài người ta la”.
Tại TP.HCM, công việc phổ biến nhất của người chuyển giới là hát đám ma, đám cưới. Nếu họ hát bình thường thì khách sẽ không cho tiền. Cho nên, để thỏa mãn thị giác và đáp ứng nhu cầu tiêu khiển của khách, các bạn còn phải làm xiếc, đổ sáp nóng vào miệng, nuốt lưỡi dao lam… rất nguy hiểm cho sức khỏe và ảnh hưởng lớn đến tâm lý.
Một số người chuyển giới thừa nhận công việc hát đám ma cũng bèo bọt và có lúc đầy tủi nhục, cay đắngg. Khách sờ mó, nhét tiền vô áo, vô váy,… nhưng vì mưu sinh phải miễn cưỡng chấp nhận.
Theo nghiên cứu của iSSE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường Việt Nam), có đến hơn 16% người chuyển giới từng bị xâm hại tình dục.
… và “đứng đường”
Thực tế chua xót là mại dâm cũng là một nghề mà người chuyển giới phải lựa chọn. Trong số những người trên 18 tuổi trả lời phỏng vấn nghiên cứu của iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường Việt Nam), có 2,53% người thừa nhận việc hành nghề mại dâm, đứng đường. Trong số những người không trả lời thẳng công việc mại dâm, thì ghi: call- boy, phục vụ, làm vợ người ta...
Những lời tâm sự thật xót xa: “Pê đê bọn em chỉ có hai cách để kiếm tiền thôi, một là đi hát đám ma, hay là làm gái, chứ còn biết làm gì bây giờ... Bây giờ em thấy đi đâu có ai muốn làm “nghề” bán dâm đâu. Nhưng thực sự là không bán dâm không kiếm được nghề nào khác làm... ”.
Theo nghiên cứu của iSEE, những định kiến cho rằng người chuyển giới là “bệnh hoạn”, “đua đòi” hoặc “trộm cắp” khiến người chuyển giới khó có cơ hội kiếm được việc làm. Một số người tìm được công việc tạm thời trong quán ăn hoặc doanh nghiệp tư nhân, nhưng thường phải nghỉ việc sau một thời gian ngắn vì thái độ phân biệt đối xử và bất công nơi làm việc. Do bị phân biệt đối xử từ gia đình, họ thường ít được đầu tư cho việc học hành và phát triển nghề nghiệp. Thiếu nền tảng hỗ trợ từ gia đình và không bằng cấp khiến cơ hội việc làm càng trở nên mong manh hơn.
Đồng tính, song tính hay chuyển giới là sự đa dạng về tính dục chứ không phải bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách các loại bệnh lý vào năm 1990. Hiệp hội tâm thần Mỹ đã loại chuyển giới ra khỏi danh sách bệnh tâm thần năm 2012.
Ngày nay, ước tính có khoảng 1-2% dân số là người chuyển giới, nhưng con số này còn dao động tùy từng quốc gia, vì không pải ở đâu người chuyển giới cũng có cơ hội sống công khai và nhận được hỗ trợ từ môi trường xung quanh.
Yuki (Trà My) 20 tuổi, đang sống cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Cô không xin được việc làm do sự khác biệt giữa ngoại hình (nữ) và giấy tờ (nam). Hàng ngày em phụ bán quán ăn vặt (bột chiên, cá viên chiên) cho một người cô ở trong nhà. Quán bán rất khuya nên cô của em thường đưa con theo để trông chừng và cho chơi quanh quẩn gần đó. Sau khi em đã phụ dọn dẹp và rửa chén xong thì ngồi quạt cho cháu ngủ, chờ vợ chồng cô thu dọn để về nhà.
Xì Teen mới trang điểm xong, đang chờ tới lượt mình diễn trong một đám sinh nhật. Cô thuộc nhóm hát-xiếc của người chuyển giới. Xì Teen là trụ cột trong nhà, đi làm kiếm tiền để lo trang trải cho cả một gia đình. Tại các đám này, những người hát như Xì Teen phải thực hiện các yêu cầu của khán giả mới được cho thêm tiền. Cô đang trong thời gian 4 năm sử dụng các loại thuốc, hormone hỗ trợ cho quá trình chuyển giới.
Bo, 18 tuổi, cho biết ban ngày em làm phục vụ tại một quán trà sữa gần nhà, buổi tối về tự trang điểm và mặc đồ đẹp để đợi các nhóm hát show của người chuyển giới gọi đi làm. Bo muốn sau này có tiền sẽ mở một quán ăn nhỏ cùng với các bạn chuyển giới nhóm em để có công việc ổn định và thu nhập cao hơn.
Bo đang ôm mặt khóc. Em quen người yêu và sống chung đã 4 năm nay, mới đây gia đình phát hiện nên cấm. Có nhiều gia đình không chấp nhận đứa con chuyển giới của mình và tìm cách hắt hủi con.
Hai người bạn trong cộng đồng LGBT là Huỳnh Thị Ngọc Linh và Sammy đang làm tại quá cafe Hard Rock (TP.HCM). Họ cho biết, môi trường làm việc ở đây khá cởi mở, mọi người tôn trọng sự đa dạng và cá tính, tôn trọng việc được là chính mình của các nhân viên.

Tô Phương Nhi đang hát trong một đám sinh nhật gần chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP HCM). Cô khoảng 22 tuổi, từng đoạt danh hiệu Miss Angel 2008 trong một cuộc thi sắc đẹp dành cho người chuyển giới. Nhi may mắn được gia đình ủng hộ sống với giới tính thật của mình. Cô từng học ngành hướng dẫn viên du lịch nhưng đã nghỉ vì không phù hợp. Hiện tham gia nhóm hát-xiếc, Nhi khéo léo và có giọng hát hay nên khá đắt show.
Bóng Mén (14 tuổi, nhà ở khu vực quận 6, TP.HCM). Em biết tự làm tóc và tết tóc cho người khác. Mén có năng khiếu trang điểm nên hay xin đi cùng với các nhóm hát chuyển giới để phụ việc và làm tóc, có khi được trả tiền công. Bóng Mén đang làm tóc cho hai chị em Trúc Lam – Trúc Linh (cũng là người Chuyển giới) trước khi diễn tại một đám ma ở khu vực Đầm Sen, TP.HCM.
* Ảnh: Những bức ảnh này được tập hợp trong cuốn sách ảnh “In my Eyes” (Trong mắt tôi), do trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT - cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới - tại Việt Nam) thực hiện. Những bức ảnh mưu sinh này do chính những người trong cộng đồng LGBT chụp và chia sẻ với mong muốn mọi người hiểu hơn về người chuyển giới, có thêm góc nhìn từ chính những người trong cuộc