Kỹ sư 'chân đất' người K'Ho

Thứ Ba, 04/08/2015 08:00  | Kim Đồng

|

(CAO) Một lão nông người K'Ho chỉ mới học hết lớp 9, chưa từng qua trường lớp đào tạo nghề cơ khí đã tự mày mò và chế thành công chiếc máy tuốt bắp, nâng năng suất lao động lên hàng chục lần so với phương thức thủ công.

Ông là K'Sá Ha Tang (66 tuổi), ngụ thôn I, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Được sinh ra và lớn lên tại xã nghèo Đạ Sar trong một gia đình có truyền thống làm nông lâu đời, bà con nơi đây chủ yếu trồng cây bắp (ngô). Từ nhỏ, Ha Tang đã phải chứng kiến cảnh gia đình và hàng trăm hộ dân nơi đây phải khổ công thu hoạch ngô, rồi lại bỏ rất nhiều thời gian để dùng tay tuốt bắp. Lớn lên, Ha Tang tự nhủ: “Phải chế tạo ra một công cụ tuốt bắp để tiết kiệm thời gian, mang lại lợi nhuận cho gia đình, bà con đỡ vất vã”.

Ông là một trong 15 "Nhà khoa học chân đất" được Bộ Khoa học - Công nghệ chọn để tham dự Chợ Công nghệ thiết bị Việt Nam 2005

Sáng chế máy tuốt bắp

Ha Tang cho biết: “16 năm về trước, trong một lần tôi xuống huyện Đức Trọng, đúng vào mua thu hoạch bắp, được chứng kiến bà con nơi đây dùng máy đánh bắp để tách hạt. Tôi thấy cùi bắp bị đánh nát, còn hạt bắp vỡ nhiều không được chất lượng như tách bắp bằng tay. Đặc biệt máy quá to, cồng kềnh rất khó để sử dụng ở địa hình núi cao”.

Sau khi nhận ra rất nhiều điểm cần khắc phục, mặc dù chỉ học đến lớp 9, chưa qua bất kì một trường lớp đào tạo cơ khí nào và thậm chí không có sự hướng dẫn của bất cứ cán bộ, kỹ sư; nhưng Ha Tang vẫn quyết tâm chế tạo ra chiếc ra máy tuốt bắp hoàn thiện hơn.

Nghĩ là làm, cứ sau giờ đi làm từ vườn cà phê, vườn hồng về, K'Sá Ha Tang lại tranh thủ chăm chút từng đường gò hàn trên thanh sắt. Với hàng trăm lần tháo ra, lắp vào và thay thế các thiết bị mới cho phù hợp. Đến cuối năm 2003, sau hơn 3 năm vật lộn cuối cùng Ha Tang đã chế tạo thành công chiếc máy tuốt bắp cho buôn làng.

Sau hơn 3 năm vật lộn cuối cùng Ha Tang đã chế tạo thành công chiếc máy tuốt bắp cho buôn làng

Ông K'Sá Ha Tang cho biết: “Lúc đầu, máy tuốt bắp của tôi đơn giản lắm, chúng có vài thiết bị quay, bánh răng lấy từ máy tuốt lúa, dây cu-roa và thiết bị ép bẩy hạt bắp, cùng cánh quạt sàng phân loại hạt bắp. Với chiếc máy này, nó có thể sử dụng động cơ điện, động cơ chạy bằng dầu hoặc quay bằng tay. Thế mạnh của nó là trái bắp sau khi bỏ vào máy hạt sẽ được lẩy riêng, cùi riêng mà cả hạt và cùi đều không bị dập nát. Mỗi lần có thể tuốt 4 quả”.

Ngày đó chiếc máy tuốt bắp của Ha Tang có thể tuốt một gùi bắp chỉ trong vòng khoảng 5 phút, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Chiếc máy đã giúp đỡ hàng ngàn gia đình cả kinh lẫn thượng nơi đây chấm dứt cảnh lẩy bắp bằng tay tốn nhiều thời gian.

Với sáng chế này, K'Sá Ha Tang đã được Bộ Khoa học - Công nghệ chọn là một trong 15 "Nhà khoa học chân đất" tham dự Chợ Công nghệ thiết bị Việt Nam 2005.

Thế nhưng, không dừng lại ở đó, qua quá trình sử dụng, Ha Tang vẫn cảm thấy chưa hài lòng. Ông tiếp tục cải tiến, và sau hai năm mày mò, người “kỹ sư chân đất” này tiếp tục cho ra lò chiếc máy tuốt bắp “phiên bản mới” gọn nhẹ hơn.

Với chiếc máy hoàn hảo này, Ha Tang đã chính thức trình làng tại các hội chợ lớn ở phía Nam và phía Bắc.

Tại “Hội chợ triển lãm các phát minh sáng chế của nông dân toàn quốc“ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 9-2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm và đã có lời khen ngợi về sự chịu thương chịu khó, tìm tòi sáng tạo, tự lực tự cường góp phần giúp cho bà con đỡ vất vả trong công viêc.

Ngoài ra, Ha Tang còn được kết nạp vào hội viên Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam. Và ngày09-9-2008, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp Giấy Chứng nhận sáng chế chiếc máy tuốt bắp cho K’Sá Ha Tang.

Niềm vui tuổi già…

Kể từ ngày sáng chế ra máy tuốt bắp, Ha Tang đã sản xuất thêm 5 chiếc máy tuốt bắp để bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, với giá mỗi cái máy từ 3,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng tùy theo giá sắt thép từng thời điểm, giá bán ra.

Thế nhưng, từ khi nông dân Đa Sar chuyển đổi cây trồng, từ trồng bắp sang trồng hoa màu, cà phê… Những chiếc máy tuốt bắp của Ha Tang gần như hết công dụng.

Tuy nhiên đối với lão “ kỹ sư chân đất” này, không những chế tạo máy giỏi, ông còn là một người nông dân sản xuất giỏi.

Ha Tang cho biết: “Trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã hợp đồng với tôi để sản xuất hoa cúc trình diễn cho bà con nông dân để nhân rộng mô hình. Tôi đã chặt bỏ cây hồng, cây cà phê trồng lâu năm và đầu tư khoảng 20 triệu đồng để làm đất xuống giống hoa”.

Bên cạnh đó, Ha Tang còn vận động hộ gia đình người cháu họ đưa thêm 600 mét vuông đang trồng bắp để chuyển đổi sang trồng giống hoa cúc tương tự.

Hiện nay, khi đã ngoài 60 với những gì bản thân đã làm cho bà con ở Đa Sar, ông Ha Tang được bà con trong làng quý trọng và tin cậy.

Hàng ngày, với vai trò là một già làng của bản, ông luôn vận động bà con cố gắng sản xuất. Dù đã có tuổi nhưng ông Ha Tang vẫn đam mê sáng chế, ông tự mua những thanh sắt về chế tạo ra rạp cưới để cho bà con thuê lại, phục vụ cưới xin, đam tiệc… trong buôn làng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang