Tình người giữa cao nguyên:

Kỳ 2: Những câu chuyện nhặt xác lạnh người

Chủ Nhật, 02/08/2015 09:46  | Kim Đồng

|

(CAO) Nhớ lại những lúc một mình đi khắp các con đường tìm gom thai nhi, Soeur Hường nghẹn lòng: “Có lần đang đi trên đường, tôi thấy một con chó đang loay hoai cắn xé một thứ gì đó, khi lại gần mới thấy thi thể của một bé trai sơ sinh.

Khi đi tìm nhặt những hoang thai xấu số bị chính người cha, người mẹ bỏ rơi giữa đầu đường, xó chợ, trong thùng rác, hay bên một góc cây, có trẻ đã tắt lịm sự sống thì họ đem về chôn cất lập bia mộ. Còn may mắn hơn, họ đem về chăm nuôi và xem như con cái, máu mũ của mình.

Xem clip:

Chia tay ông Trần Đức Hoan, người trông coi gần 7.000 nấm mộ hài nhi tại Nghĩa trang Giáo xứ Thanh Xuân, xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi tìm gặp Soeur Hường, người đầu tiên đi tìm nhặt hoang thai đem về chôn cất và là mẹ của 74 đứa trẻ vô danh. \

Được biết, hiện nay, Soeur Hường và một số nữ tu sĩ khác đang sinh sống trong Mái Ấm Tín Thác (mái nhà ấm áp tình thương dành cho trẻ bất hạnh).

Nhưng câu chuyện lạnh người

Giữa những cơn mưa phùn, vội gạt đi những giọt nước mưa còn đọng trên bộ quần áo, chúng tôi nhẹ nhàng bước vào khuôn viên của Mái Ấm Tín Thác, khi những đưa trẻ tại đây đang y a học vần, có lớp tiếng anh, học nhạc, có trẻ đang khóc nấc vì thèm sữa mẹ, có em đang chìm trong giấc ngủ, từ vài tháng tuổi đến 4-5 tuổi,... Tất cả các em điều chung một số phận bất hạnh, bị cha mẹ bỏ rơi khi mới chớp mắt nhìn ánh sáng.

Thấy chúng tôi, xa xa một người phụ nữ đã ngoài năm mươi tuổi nở nụ cười, lại gần tiếp khách. Hỏi mới biết, đó là Soeur Hường, người đang quản lý nơi đây.

Soeur Hường và các cháu trong Mái Ấm Tín Thác

Soeur Hường kể lại những ngày đầu tiên đi gom nhặt và chôn cất cho những hoang thai xấu số: “Một lần khi nhặt được một túi xách, phát hiện trong đó có hai thai nhi được gói gọn, thấy thương cho một sinh linh xấu số, tôi đã đem về chôn cất, lập bia mộ và đặt tên cho hài nhi này...".

Nhớ lại những lúc một mình đi khắp các con đường tìm gom thai nhi, Soeur Hường nghẹn lòng: “Có lần đang đi trên đường, tôi thấy một con chó đang loay hoai cắn xé một thứ gì đó, khi lại gần mới thấy thi thể của một bé trai sơ sinh.

Chứng kiến cảnh tượng, tôi như rụng rời chân tay thương xót vô cùng. Sinh linh ấy tuy không nói được ra lời, không thốt lên thành tiếng, nhưng đã có chân tay, khuôn mặt, thành hình người vậy mà người làm cha, làm mẹ đã đan tâm vứt bỏ em. Lúc này tôi mới gói về đem chôn cất”.

Rồi thời gian trôi qua, số người tự tâm, tự nguyện tìm đến Soeur Hường và cùng chung tay làm công việc ý nghĩa này càng nhiều.

Mỗi người một nơi, mỗi việc, người tìm gom, người chôn cất, người đem về nuôi. Hàng ngày, họ vẫn âm thầm đi tìm gom những hoang thai xấu số, túc trực tại bệnh viện, khắp các con đường… thậm chí lục tìm trong thùng rác mong tìm gặp các em và đem về chôn cất, xây mộ, nhang khói đều đặn. Đối với họ, niềm hi vọng và mong ước lớn nhất là người làm cha, làm mẹ đừng nhẫn tâm cướp đi sự sống của một sinh linh, một cách vô tội vạ.

Gian nan xin sữa nuôi những đứa trẻ vô danh

“Cũng chính những lần âm thầm đi tìm gom những hoang thai, ngoài những đứa trẻ đã tắt lịm sự sống, chúng tôi may mắn nhặt được các con còn chút hơi thở. Có con bị bỏ rơi trong thùng rác, ngoài đường, cạnh gốc cây… đem về cứu chữa và chăm nuôi xem như con cái, máu mũ của chính mình”, Soeur Hường chia sẻ.

Vào ngày 12-6-2009, khi nhặt được hai đứa trẻ, một trai, một gái bị bỏ rơi trong đóng rác gần trại gà. Thấy thương, Souer Hường liền đem về nuôi.

Soeur Hường nhớ lại: “Ngày đó, hai con còn nhỏ quá, thấy thương chúng tôi chẳng biết làm sao, ôm về thì chúng khóc suốt. Tôi phải chạy khắp nơi xin sữa mẹ cho các con và gửi nhờ nhà người dân chăm nuôi. Cứ thế chỉ trong vài tháng sau, tôi lại gặp và đem nuôi thêm ba cháu bé”.

Hơn sáu tháng trôi qua kể từ ngày mang các con về chăm nuôi, được sự giúp đỡ của mọi người, Soeur Hường và một vài nữ tu sĩ mua một miếng đất và cất chòi nuôi năm đứa trẻ bất hạnh.

Soeur Vân chia sẻ: “Ngày trước khó khăn lắm, không có sữa cho các con uống, chúng tôi đành phải lấy nước gạo, khuấy đường cho các con uống, những đứa mạnh khỏe thì không sao, chứ gặp các con ốm đau thì phải đi khắp nơi xin lon sữa cho con”.

Giờ đây, sau 6 năm tìm gom hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi nhưng may mắn sống sót về nuôi, đến nay số trẻ đã lên đến 74 em

Nhiều người biết đến Soeur Hường cưu mang đứa trẻ bất hạnh đã tìm đến chia sẻ khó khăn bằng việc cho lon sữa, áo mặc… đến chăm sóc các em.

Sau nhiều năm từ căn chòi nhỏ với năm đứa trẻ đầu tiên, Mái Ấm Tín Thác đã ra đời với hơn 10 nữ tu sĩ, trong đó có 6 người làm và 4 thiện nguyện đến dạy học, chăm sóc cho các em.

Tại đây, mỗi đứa trẻ bất hạnh điều được Soeur Hường chăm sóc tận tình và coi như con ruột của mình. Soeur đặt tên, làm giấy khai sinh và đỡ đầu cho các con.

Soeur chia sẻ: “Cách đây 2 tháng, có một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng Mái Ấm Tín Thác, lúc đó con chỉ nặng 1,4 kg, sau hai tháng chăm nuôi thì tăng lên 3,2 kg nhưng con lại bị bệnh gan, teo túi mật phải chữa trị ở bệnh viện Nhi Đồng. Soeur Hường vì lo lắng cho con đã không ăn, không uống chạy khắp nơi xin các nhà hảo tâm giúp đỡ”, Soeur Vân cho biết.

Từ những đứa trẻ vô danh phải chịu nổi bất hạnh, bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi ở đầu đường xó chợ, trong các bãi rác, thùng rác hay bên một bụi rậm, giờ đây các em có cuộc sống bình yên dưới bàn tay ấm áp của người mẹ là Soeur Hường và các nữ tu sĩ cùng những thiện nguyện tận tâm.

Các em được chăm lo từ cái ăn, cái mặc, giấc ngủ đến việc đến trường học chữ. Nhiều người từ khắp nơi, biết đến Mái Ấm Tín Thác đã giúp đỡ các em, với mong muốn lớn lên, khi biết về quá khứ của mình. Những đứa trẻ bất hạnh sẽ cảm thấy vẫn đâu đây nhiều người đã dành hết tình thương cho mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang