Giữa cao nguyên Lâm Đồng, hằng ngày, họ vẫn thầm lặng đi nhặt những hài nhi xấu số bị chính người mẹ ruồng bỏ, cướp đi sự sống, đem về và lập nghĩa trang chôn cất tử tế, với gần 7.000 ngôi mộ cùng những câu chuyện cảm động giữa những người còn sống và những linh hồn trẻ thơ.
Nghĩa trang này thuộc Giáo xứ Thanh Xuân, xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) do Giòng Mến Thánh Giá thuộc Giáo phận Đà Lạt thành lập năm 2010. Những người có lòng phụng hiến, những nhà tự tâm, tự nguyện đã tự đi gom nhặt những hoang thai bất hạnh về chôn, để linh hồn các cháu khỏi bị cô đơn, lạc loài và lạnh lẽo giữa dòng đời.
Đặc biệt, họ cưu mang những đứa trẻ vô danh bị bỏ rơi giữa đầu đường xó chợ, trong thùng rác, gốc cây, trước cửa nhà… đem về chăm nuôi và xem như máu mủ của chính mình.
Dọc theo quốc lộ 20, từ TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), vượt hơn 110 km chúng tôi tìm đến Nghĩa trang Giáo xứ Thanh Xuân, xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, nơi chôn cất của gần 7.000 hài nhi xấu số. Đứng trước hàng vạn nấm mộ nhỏ bé được xây bằng miếng đá hoa cương xanh thẩm, kích cỡ chỉ bằng viên gạch lát nền… dưới một buổi chiều cao nguyên với những cơn mưa phùn, gió hiu hiu lạnh như có cảm giác vẫn đâu đây, những linh hồn bé nhỏ phơ phất ẩn hiện.
Từ xa xa lấp ló giữa cơn mưa phùn, hình ảnh người đàn ông nhẹ nhàng bước đi mỗi lúc một gần. Tiếp xúc mới biết đó là ông Trần Đức Hoan, một trong những nhà từ tâm, tự nguyện… hằng ngày vẫn âm thầm đi tìm nhặt các sinh linh vô tội gom về xây mộ, chôn cất đằng hoàng.
Ông Trần Đức Hoan, một trong những nhà từ tâm, tự nguyện
“Những sinh linh ấy tuy không nói được ra lời, không thốt lên thành tiếng, dù chưa kịp thành hình nhưng cũng đã là một con người. Với suy nghĩ đó, chúng tôi lập nghĩa trang làm nơi yên nghỉ của những hài nhi bị bỏ rơi, đồng thời thức tỉnh lương tri của những người cha, người mẹ đã đan tâm vứt bỏ những đứa con bé bỏng của mình”, ông Hoan chia sẻ.
Những linh hồn bị bỏ rơi
Ông Hoan chỉ tay vào từng ngôi mộ rồi cho biết: “Từ hai hài nhi đầu tiên được chúng tôi nhặt khi bị bỏ trong thùng rác ven đường, đem về chôn cất vào ngày 19-1-2009, chỉ sau 6 năm thôi, nghĩa trang này đã là nơi yên nghỉ của gần 7.000 thai nhi và trẻ sơ sinh không danh tính cũng không cha mẹ. Các em được nhặt từ khắp nơi, trong sọt rác, bên lề đường, thậm chí bên một bụi cây nào đó khi đã tắt lịm sự sống”.
Nghĩa trang này đã là nơi yên nghỉ của gần 7.000 thai nhi và trẻ sơ sinh không danh tính
Cũng theo ông Hoan, người nhặt hai hài nhi đầu tiên đem về chôn cất là Bà Nguyễn Thị Hường (58 tuổi) hay còn gọi là Soeur Hường.
Trong lúc đi trên đường, Soeur Hường tình cờ thấy một túi xách, sau khi nhặt lên thì phát hiện trong túi có thi hài của đứa trẻ.
Thấy thương em và để cho linh hồn được yên nghỉ, Soeur Hường đã đem thi hài xấu số chôn cất tại nghĩa trang này.
Cũng từ đó, hằng ngày Soeur Hường lại đi khắp nơi, trong các con hẻm ở thành phố Bảo Lộc, đến những buôn làng hẻo lánh lân cận, trong các bệnh viện, trạm xá… để tìm nhặt những hài nhi xấu số bị chính người mẹ cướp đi sự sống đem về lập nghĩa trang chôn cất tử tế. Souer Hường cũng chính là người đặt tên cho các em.
Hiện nay, khu nghĩa trang hài nhi được Soeur Hường nhờ một số nhà từ tâm, từ thiện là ông Hoan và ông Hy trông coi, lo hương khói…
“Ngày đó, có lần đi tìm nhặt hài nhi xấu số, Soeur Hường nhặt được 3 em, có em bị chính người mẹ cướp đi sự sống khi chưa hình thành người, có trẻ đã 4-5 tháng tuổi nhưng không một lần được khóc, được mở mắt nhìn thấy ánh sáng. Soeur Hường lẳng lặng đem về gói đàng hoàng rồi chôn cất, xây mộ.
Mỗi ngày cứ trôi qua, số lượng hài nhi tăng lên. Nhiều người thấy việc làm của Soeur Hường đã đồng cảm và cùng cô làm công việc ý nghĩa này, trong đó có tôi và ông Trần Văn Hy và một số Sơ trong mái ấm Tín Thác”, ông Hoan chia sẻ.
Hiện nay, khu nghĩa trang hài nhi được Soeur Hường nhờ một số nhà từ tâm, từ thiện là ông Hoan và ông Hy trông coi, lo hương khói…
Ông Trần Đức Hoan nhớ lại: Đêm 12-8-2012, khoảng 2 giờ sáng có người ngoài bệnh viện gọi ông ra nhận thai nhi. Trời đang mưa to, nhưng ông vẫn chạy xe đi lấy thai nhi xấu số. Đó là hậu quả của những cuộc tình không trọn vẹn, của những cuộc truy hoan trao đổi vô thức và của những dục lạc không kiềm chế được.
Và cứ thế, số trẻ được nhặt về chôn cất ngày một nhiều. Đồng hành cùng ông Hoan là ông Trần Văn Hy. Là người chăm sóc tươm tất nhang khói ấm cúng cho các ngôi mộ nhỏ, ngày hai buổi ông Hy chạy một quãng đường khá xa để đến nghĩa trang quét dọn.
Nếu được làm người…
Ngồi trước một nấm mộ, ông Hoan ngẹn lòng, vội gạt đi giọt nước mắt, nói với chúng tôi: “Nếu ngày đó, bố mẹ các em cho các em một cơ hội để làm người, chắc hẳn giờ đây cũng sẽ có em là bác sĩ, là giáo viên, thậm chí là một nhà báo như các anh… nhưng các em đã mãi mãi không thể làm được điều đó”.
Giữa cơn mưa phùn làm ướt khuôn mặt, tiếng gió thổi vi vu xung quanh là đồi cà phê xanh ngát, ngước lên nhìn hàng ngàn nấm mộ. Ngần ấy thôi cũng đủ để một ai đó không khỏi chạnh lòng.
Chưa kịp kìm nén lại sự xúc động, ông Hoan kể cho chúng tôi nghe về một người mẹ đã nhẫn tâm từ bỏ đứa con của mình. Theo đó, một người đàn bà có chồng đi làm xa ở tận Bình Phước, do không thể liên lạc với chồng, cô gái ấy cứ tưởng là người chồng không còn yêu và bỏ rơi mình. Khi đó cô gái đang mang thai gần 4 tháng. Ngẫm nghĩ rồi cô quyết định đi phá thai.
"Khi hay tin, tôi đã khuyên ngăn cô ta, nhưng rồi vô vọng, chính tay tôi đã chôn cất cho hài nhi xấu số ấy. Lúc này, người chồng đi làm xa về, biết chuyện, anh ta đã la mắng vợ và chạy ra nghĩa trang ôm ngôi mộ con mà khóc thương tiếc", ông Hoan xúc động nhớ lại.
Số phận sao trớ trêu với các em, những thiên thần nhỏ vốn là tài sản quý giá nhất trong cuộc sống này thế mà vẫn còn vô số bà mẹ nhẫn tâm dứt bỏ. Đây không còn là trách nhiệm của xã hội mà là ý thức cao độ của mỗi con người, đặc biệt là những đôi bạn trẻ đang yêu. Hãy dùng biện pháp an toàn để tránh thai và nếu lỡ thì hãy can đảm nhận trách nhiệm với máu mủ của mình, để giữ tiếng cười trẻ thơ, để những nghĩa trang lạnh lùng ngày một thưa dần những nấm mộ hài nhi.