(CAO) Hiện cả nước chỉ có 240 phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Cần Thơ; trong đó TP.HCM là địa có nhiều phòng khám BSGĐ nhất.
Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ" được Bộ Y tế phê duyệt từ năm 2013 nhằm thực hiện đề án Đề án giảm quá tải bệnh viện của Chính phủ.
Tại TP.HCM, hiện đã có 20/23 bệnh viện quận, huyện thành lập phòng khám BSGĐ với cơ cấu từ 1 đến 4 bàn khám. Cùng với đó có 136/319 trạm y tế đã có phòng khám BSGĐ với cơ cấu từ 1 bàn khám trở lên. Ngoài ra, còn có một số cơ sở y tế tư nhân đã tham gia mô hình này. Các Phòng khám BSGĐ đều do các bác sĩ chuyên ngành Y học gia đình phụ trách.
Mặc dù phòng khám BSGĐ có nhiều ưu điểm nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với mô hình này (ảnh minh họa)
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ năm 2013 đến 6-2015, các phòng khám BSGĐ trong cả nước đã thực hiện được 353.000 lượt khám, chữa bệnh; cấp cứu cho 2.743 trường hợp; thực hiện thủ thuật cho hơn 7.000 lượt bệnh nhân và chuyển tuyến 11.514 ca; khám bệnh tại nhà cho 2.391 trường hợp và tư vấn 9.879 lượt bệnh nhân.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, cho biết bệnh nhân đến phòng khám BSGĐ được nhiều cái lợi. Thứ nhất là được BS khai thác kỹ về tiền sử bệnh. Thứ hai, được tư vấn, tổ chức khám sàng lọc, quản lý bệnh, hướng dẫn phương pháp điều trị,... Thứ ba, nếu bệnh nhân bị bệnh nặng thì phòng khám BSGĐ sẽ chuyển lên tuyến trên nhanh chóng, kịp thời và theo dõi xuyên suốt...
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện người dân suy nghĩ BSGĐ là một hình thức tới tại gia khám, chữa bệnh và lấy tiền dịch vụ rất cao nên chưa mặn mà với mô hình này.