Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật phí và lệ phí:

Người nông dân đang gánh hơn 90 loại phí

Thứ Năm, 12/11/2015 10:22  | Thanh Hòa - Kim Ngân

|

(CATP) Thảo luận tại hội trường ngày 11-11-2015 về dự thảo Luật phí và lệ phí sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn nhiều vấn đề.

Các đại biểu hầu hết đều đồng tình, đánh giá cao ban soạn thảo đã cố gắng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo hướng tránh chồng chéo, tăng gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đã quyết định bỏ 25 loại phí và chuyển 15 loại phí sang phí dịch vụ.

Tuy nhiên, điều mà các đại biểu quan tâm nhất chính là việc làm sao phải quy định rõ ràng, cụ thể danh mục các loại phí, lệ phí, phải rà soát, xem xét lại toàn bộ danh mục, làm sao tránh tình trạng “phí chồng phí”, “phí chồng thuế”, gây bức xúc như thời gian qua. Vẫn còn 131 khoản phí và lệ phí, người nông dân đang gánh hơn 90 loại phí trong và ngoài danh mục; doanh nghiệp cũng phải gánh nhiều loại phí làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP.Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Về nguyên tắc xác định mức thu phí, đã có sự tiếp thu, chỉnh lý, nhưng còn những điều chưa ổn. Có những dịch vụ công ta nên chỉ thu một phần thôi, còn lại phải mang tính phục vụ. Cũng không nên nói chung chung là “khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ công”, dễ gây lạm dụng, hiểu lầm, mà phải ghi rõ “khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ công nhà nước không cần thiết phải nắm giữ”.

Về danh mục phí, lệ phí, ban soạn thảo đã rà soát lại, nhưng thực tiễn, người dân bức xúc về tình trạng phí chồng thuế, phí chồng phí, Quốc hội đã thông qua thì đúng rồi, nhưng khi Chính phủ quy định chi tiết thì người dân phản ứng, nếu giao khoán cho Chính phủ mà Quốc hội không giám sát thì có thể lại xảy ra sai sót như thời gian qua. Ví dụ việc thu phí đường bộ với xe máy: Chính phủ quyết định dừng, nhưng khi quy định lại thì phải xem xét, lắng nghe ý kiến người dân. Theo tôi, chưa nên thu khi hệ thống hạ tầng giao thông chưa được cải thiện...”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nguyên tắc chung thì dịch vụ công sẽ chi bằng tiền thuế, nhà nước phải chi vì người dân đã đóng thuế rồi, không phải móc thêm tiền túi cho dịch vụ công, đồng thời không tạo điều kiện cho tham ô, lãng phí. Ví dụ phí hạ tầng giao thông, nhà nước đã đầu tư rồi thì người dân không phải nộp nữa. Người dân cũng có quyền kiện tụng nếu dịch vụ công không đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Danh Út, Kiên Giang thì đề nghị đưa học phí và viện phí ra khỏi danh mục này, mà phải quy định trong cơ chế giá do nhà nước điều chỉnh, tránh gây bất lợi, xáo trộn cho đời sống nhân dân, nhất là đồng bào nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng cần phải quan tâm, tạo điều kiện. Đề nghị bỏ phí đường bộ đối với xe máy. Đối với đối tượng người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được miễn một số loại phí, lệ phí.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM phát biểu

Đại biểu Touneh Drong Minh Thắm, Lâm Đồng cho rằng, cần giải thích rõ ngay trong luật: lệ phí là khoản tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ của cơ quan tổ chức nhà nước, còn phí là khoản tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ hành chính công đã được xã hội hóa.

Dứt khoát cấm nhập khẩu tàu biển để phá dỡ!

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường, về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, TP.Hồ Chí Minh đề nghị bỏ điều 47 quy định nguyên tắc nhập khẩu tàu biển, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, trước hết vì bản thân việc quy định hai nguyên tắc này với nhau rất khó hiểu; đồng thời, không nên nhập tàu về phá dỡ, tránh thành bãi rác của nước khác.

Đại biểu Trần Du Lịch, TP.Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: chúng ta coi hàng hải là cực kỳ quan trọng, là tương lai của Việt Nam, là ngành kinh tế chủ lực, pháp luật phải khuyến khích, bảo hộ để phát triển vận tải biển. Còn việc phá dỡ chỉ áp dụng với loại tàu hỏng và tàu bị tai nạn, tuyệt đối không nhập về để phá dỡ.

Đối với vấn đề phá dỡ tàu biển nhập khẩu, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là vấn đề được Quốc hội rất quan tâm. Trong năm 2014, khi thông qua Luật bảo vệ môi trường đã có nhiều ý kiến rất khác nhau, các đại biểu đã trao đổi, tranh luận gay gắt, cuối cùng đã quyết định cho phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ, nhưng với điều kiện, quy định rất cụ thể, chặt chẽ để đảm bảo vấn đề rác thải môi trường. Nhưng đến nay, các đại biểu lại phát biểu đề xuất nên cân nhắc, thận trọng vấn đề này.

Có ý kiến đề nghị cần thiết phải sửa đổi điều đó trong Luật bảo vệ môi trường. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ nghiên cứu để báo cáo lại với Quốc hội trước khi thông qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang