Những cựu chiến binh sống chết với rừng

Thứ Hai, 04/05/2015 15:53  | 

|

(CATP) Những năm tháng chiến tranh, họ ăn ngủ, phục kích trong rừng.

Đến nay, những ngày sống trong hòa bình, các chiến sỹ năm xưa lại bỏ công sức, tiền của cá nhân để bảo vệ rừng khỏi lâm tặc, bảo vệ những cánh rừng già hàng trăm năm tuổi với ý nguyện để cho đời con cháu nhớ về địa danh lịch sử chiến đấu oai hùng của cha anh...

Đó là tâm nguyện tốt đẹp của Phó giám đốc Lê Thị Hồng Tươi và những cựu chiến binh ở Công ty B58 với cánh rừng tự nhiên Mã Đà hơn 512ha ở xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú (Bình Phước).

Rừng Mã Đà thuộc tiểu khu 379 Mã Đà, từng là căn cứ cách mạng, là trụ sở của Bộ tư lệnh miền Đông Nam bộ.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975- 30-4-2015), đoàn cựu chiến binh TPHCM và một số tỉnh Đông Nam bộ đã tổ chức về thăm lại chiến trường xưa tại chiến khu D - Mã Đà. Rừng nguyên sinh rộng hơn 512 hecta với nhiều loại gỗ quý như sến, lim xẹt, kơ nia...

Đi dưới những tán cây rừng nhiều tầng, mới thấy hết công sức của những người giữ rừng ở đây thật đáng nể. Trong đoàn tham quan có thiếu tướng Võ Văn Cổ, Phó tham mưu trưởng QK7. Ông rất xúc động về việc các cựu chiến binh hợp sức bảo vệ nguyên vẹn rừng Mã Đà trước sự tàn phá rừng khắp nơi thời gian qua.

Nhiều cựu chiến binh khâm phục tấm lòng yêu rừng, giữ rừng của hai đồng đội mình. Khó khăn về lao động, vật chất, tinh thần luôn bị lâm tặc đe dọa nhưng vợ chồng "chủ rừng" Lê Thị Hồng Tươi và anh Phạm Công Trường không hề nhụt chí.

Rừng Mã Đà thuộc tiểu khu 379 Mã Đà, từng là căn cứ cách mạng, là trụ sở của Bộ tư lệnh miền Đông Nam bộ. Được biết, khu rừng này vẫn còn nguyên những đường hầm, địa đạo ghi dấu một thời hoạt động kháng chiến của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và các nhà cách mạng thời kỳ kháng chiến.

Một thời cả hai vợ chồng chị Tươi "vào bom ra đạn", chứng kiến đồng đội mình hy sinh tại đây nên chị rất xót ra khi nhiều mộ liệt sỹ nằm yên dưới đất chưa được người thân tìm thấy.

Trăn trở, xót thương đồng đội mình nên anh Trường, chị Tươi quyết tâm bảo vệ, gìn giữ cánh rừng Mã Đà hàng trăm năm tuổi nguyên vẹn. Đây còn là di tích lịch sử để các cựu chiến binh khắp các tỉnh thành hàng năm trở lại thăm chiến trường xưa, ôn những kỷ niệm một thời họ cùng nhau "nếm mật nằm gai".

Chị Tươi tâm sự: "Vợ chồng tôi đã ở cái tuổi 70, gần đất xa trời nên muốn để lại cho thế hệ con cháu biết về một di tích lịch sử hào hùng của cha ông. Hiểu sâu sắc, nhân văn hơn những giá trị của rừng để bảo vệ nó, mà cũng chính là bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho con người".

Chứng kiến những cánh rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ, thay thế bằng cây cao su, làm nương rẫy ngày càng nhiều, vợ chồng anh Trường - chị Tươi không khỏi chạnh lòng, xót xa cho những "lá phổi xanh" ngày càng bị tàn phá, thu hẹp lại.

Để có cánh rừng còn nguyên sơ như ngày nay, suốt 20 năm qua, trung bình mỗi tháng gia đình chị Tươi bỏ ra cả 100 triệu đồng để trả lương cho 25 - 30 người bảo vệ - đều là cựu chiến binh hoặc con em họ để gác rừng 24/24 giờ.

Chị Tươi cho biết, đến nay chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Nhà nước, kể cả lực lượng kiểm lâm cũng chưa khai thác bất cứ nguồn lợi gì từ rừng. Chị một tay lo tài chính, điều hành đội cơ động, lực lượng bảo vệ liên tục tuần tra canh gác, kể cả dùng "chiêu" với lâm tặc.

"Tiền ai chẳng muốn, chặt mỗi cây gỗ ở đây bán là có hàng trăm triệu đồng, nhưng nếu nghĩ xa hơn, trồng lại mỗi cây gỗ đó chúng ta phải mất cả trăm năm, cái này có tiền cũng không mua được. Chưa kể những biến đổi khí hậu khắc nghiệt, đời con cháu chúng ta sống ra sao?", chị Tươi chia sẻ.

Bởi lẽ đó nên chị luôn tận tình chia sẻ để các nhân viên bảo vệ rừng hiểu được giá trị lớn lao của rừng mà không nghe theo lời dụ dỗ của "lâm tặc" bắt tay chặt phá rừng. Chị cũng không quản đường xa, đêm tối, trời mưa hay nắng, nguy hiểm luôn rình rập sau lưng, cứ hễ có thông tin trong rừng báo về có lâm tặc là vợ chồng chị lại lên xe lao đi.

Nhiều năm qua, mặc dù phải đương đầu với nhiều lâm tặc máu lạnh, nhiều bảo vệ bị đánh, chém trọng thương 30-40% sức khỏe, có người bị dọa giết. Theo chị Tươi, đó chính là bí quyết để giữ cành rừng nguyên sinh Mã Đà suốt nhiều năm qua còn nguyên vẹn.

Nhân dịp này, Tổng Cty may Việt Tiến và Cty CP Đồng Tiến đã trao nhiều phần quà cho các cựu chiến binh Cty B58, nhằm động viên họ vượt qua khó khăn mà giữ rừng. Được biết, nhiều lần chính quyền địa phương chỉ đạo phá rừng Mã Đà để trồng thay thế cây cao su nhưng chị Tươi phản đối quyết liệt. Chị mong muốn biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái, điểm tham quan di tích lịch sử cho thế hệ con cháu viếng thăm.

Còn ông Nguyễn Đình Trường và các cựu chiến binh khác mong mỏi sẽ xây dựng một bia tưởng niệm tại khu rừng Mã Đà để tưởng nhớ đến các đồng đội đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc. Hiện không có bia tưởng niệm nên bát hương vẫn phải để dựa vào thân cây.

Để giữ rừng, biến Mã Đà thành điểm du lịch sinh thái về lâu dài rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước hỗ trợ kinh phí, bảo vệ khỏi "lâm tặc" và người dân xâm canh, lấn chiếm đất, các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nghiên cứu hệ sinh thái rừng và có biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

Thủy An

Bình luận (0)

Lên đầu trang