Những giấc mơ Việt Nam của kiều bào

Thứ Bảy, 02/05/2015 09:22  | 

|

(CATP- Số đặc biệt 30-4) Dù ở đâu, làm gì thì trong tâm thức mỗi người con xa quê vẫn luôn đau đáu hướng về Tổ quốc. Họ luôn mong muốn đóng góp sức mình để xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đi đâu, ở đâu cũng hướng về cội nguồn

Bằng những việc làm ý nghĩa của các kiều bào, giấc mơ về một Việt Nam phồn vinh, phát triển dần dần được đơm hoa, kết trái trong hiện thực.

KS. Nguyễn Văn Công nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có công vận động đóng góp xây dựng gần 200 cây cầu.

Kỹ sư Nguyễn Văn Công (kiều bào Pháp): Những cây cầu nối nhịp tương lai

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Công về nước thấy những em học sinh đi chông chênh trên chiếc cầu khỉ nhưng trên vai phải vác cả chiếc xe đạp ở An Giang, Bến Tre... nên nảy ra ý tưởng tụ tập anh em, bạn bè kiều bào thành lập nhóm Việt kiều, xây cầu tặng cho bà con sống ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nghĩ là làm, ông bắt đầu liên hệ, tập họp nhóm bà con Việt kiều sống ở Canada, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc... thành lập nhóm VK (viết tắt của hai chữ Việt kiều), đưa ra chương trình "xây cầu nông thôn, xóa cầu khỉ giúp bà con".

Trong vòng 11 năm, hễ ở đâu có trẻ em nghèo bị rơi sông, ngã rạch, chìm tàu, lật đò do đường đi bị ngăn sông cách suối, nhóm kiều bào này lập tức đến tận nơi để khảo sát, nghiên cứu, lập phương án xây cầu mà không lấy một xu của người dân. Tất cả chỉ vì mục đích giúp học trò đến trường dễ dàng hơn và giúp người già có đường đi an toàn khi đau yếu, trái gió trở trời.

Từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ đến Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, nơi nào họ đặt chân đến, cầu khỉ cheo leo, cầu tre lắt lẻo, cầu ván gập ghềnh đều được thay bằng cầu bê-tông với công nghệ hiện đại. Khi hoàn thành, công trình được chuyển giao cho dân địa phương quản lý và miễn thu phí.

Chiếc cầu thứ 105 đánh dấu một bước ngoặt mới, vươn ra khỏi miền Nam, được nhóm Việt kiều khảo sát và xây tặng cho Huế, khúc ruột miền Trung.

Kỹ sư Nguyễn Văn Công phấn khởi: "Chúng tôi nảy ra ý định xây cầu cho bà con vì mong muốn góp phần làm đẹp thêm cho đất nước. Những cây cầu nối hai bờ sông rạch không chỉ nối mơ ước được đi lại thuận tiện, an toàn, nhất là mùa nước lũ, mà còn tạo điều kiện tăng cường phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới bộ mặt vùng sông nước".

Không dừng lại ở đó, nhóm VK của kỹ sư Công còn xây nhà tình thương, nhà vệ sinh và đập nước nông nghiệp cho nông thôn. Năm 2015, trong buổi họp mặt kiều bào mừng Xuân Ất Mùi, kỹ sư Nguyễn Văn Công đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có công kêu gọi, vận động, đóng góp xây dựng gần 200 cây cầu ở các vùng sâu.

GS.TS Nguyễn Quốc Bình nhận giải thưởng "Vinh danh nước Việt 2005"

GS.TS Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada): Giấc mơ xây dựng trungtâm công nghệ sinh học ngang tầm quốc tế

Dẫn chúng tôi tham quan toàn bộ khuôn viên rộng hơn 23 ha của Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) ở Q12, GS.TS Nguyễn Quốc Bình kể: "Trong lần trở về nước vào năm 2004, thầy may mắn được gặp gỡ, trao đổi với ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc ấy là Phó chủ tịch UBND TPHCM và nhận yêu cầu phải xây dựng một trung tâm nghiên cứu về CNSH làm sao để sau 30 năm sau vẫn không bị lạc hậu so với khu vực, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho thành phố mà còn cho cả khu vực phía Nam. Thầy bắt tay vào công việc ban đầu chỉ với một người cộng sự, đó là anh Dương Hoa Xô - Giám đốc trung tâm".

Sau khi tham khảo thêm một số mô hình các viện nghiên cứu về CNSH của Cuba, Canada, Nhật, Hàn Quốc..., TS Bình đề xuất một dự án xây dựng Trung tâm CNSH TPHCM trên diện tích 23 ha với vốn đầu tư ban đầu từ ngân sách thành phố là 100 triệu USD, với một thành phần nhân sự gồm 200 người làm nghiên cứu cộng thêm các nhân sự sản xuất có thể lên tới 1.000 người.

Hiện tại, sau 10 năm thành lập, trung tâm đang dần trở thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực về CNSH: Nông nghiệp, Thủy sản, Môi trường, Y khoa, Dược phẩm với các công nghệ tiên tiến như công nghệ gen, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vaccine tái tổ hợp, công nghệ tế bào, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ lai tạo giống mới sử dụng công nghệ tế bào hay công nghệ gen.

Trung tâm đang có một đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến với gần 50 thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều kết quả nghiên cứu của trung tâm đã và đang được đưa vào thương mại như các kít chẩn đoán bệnh cho thủy sản, thực phẩm, những chế phẩm phân bón sinh học, những chế phẩm interferon kháng bệnh cho gia súc gia cầm và đặc biệt những vaccine cho cá đang trên giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để đưa vào ứng dụng.

Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất cho trung tâm, TS Bình còn tham gia giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Ông cho rằng, việc làm then chốt nhất là đào tạo ra một đội ngũ nhân lực trẻ, giỏi tay nghề, làm chủ công nghệ tiên tiến.

Với những đóng góp của mình, GS.TS Nguyễn Quốc Bình được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao giải thưởng "Vinh danh nước Việt 2005".

TS Bình chia sẻ: "Mỗi người Việt Nam, nhất là Việt kiều có kiến thức, có kinh nghiệm, dù ở đâu nếu có thể góp sức mình vì sự phồn vinh của đất nước thì không lâu nữa Việt Nam sẽ rạng danh với thành tựu kinh tế trên trường quốc tế".

G.TS Đặng Lương Mô (thứ hai từ phải qua) trao tặng con chip "made in Việt Nam" cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

GS.TS Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật): Còn sức là còn cống hiến

Giáo sư (GS) Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Hải Phòng, là người giản dị, uyên bác. Năm nay đã 79 tuổi nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh và tinh tường. Hỏi về quá khứ, GS nhẹ nhàng chia sẻ, ông cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao bằng tiến sĩ khoa học công nghệ (năm 1968) và phong hàm giáo sư (năm 1983).

Năm 1979, ông công bố "Mô hình Transistor MOSFET" - mô phỏng vi mạch điện tử. Sau đó, mô hình này được Đại học California lồng vào bộ mô phỏng SPICE. Từ đó, mô hình được biết đến với tên gọi Dang Model (Mô hình họ Đặng, là công thức tính đặc tuyến linh kiện bán dẫn cơ bản trong vi mạch điện tử). Bộ mô phỏng SPICE, từ năm 1980 đến nay luôn đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế vi mạch, được cả thế giới sử dụng.

Nhận thấy được tầm quan trọng của ngành vi mạch nên trước khi quyết định hồi hương vào năm 2002, GS Đặng Lương Mô đã có khoảng hơn 10 năm đi đi về về để đào tạo nhân tài và tư vấn khoa học, chuẩn bị cho công việc làm vi mạch tại Việt Nam.

Suốt hơn 10 năm trời cật lực vận động, ông cùng các nhà khoa học tâm huyết trong nước xây dựng Trung tâm nghiên cứu và đào tạo vi mạch (ICDREC) tại Đại học Quốc gia TPHCM, thu hút đầu tư từ nước ngoài về lĩnh vực vi mạch cho Khu công nghệ cao TPHCM, đưa nhiều trí thức trẻ qua Nhật đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị cho sự nghiệp sản xuất ra con chíp Việt, bắt tay cùng các đồng sự sáng lập ra Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều TPHCM...

"Con chip "made in Vietnam" đầu tiên ra đời vào tháng 1-2008, nhưng đó mới là một phần của chặng đường, bởi đến nay chúng ta vẫn chưa có một sơ sở sản xuất nào cả, vẫn phải gia công ở nước ngoài", GS trăn trở.

Với những đóng góp không mệt mỏi của mình, ông vinh dự nhận Huy chương vì sự nghiệp các hội khoa học kỹ thuật, Giải thưởng Vinh danh nước Việt 2004. Dù đã bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng GS chưa một lần nghĩ rằng mình đã cống hiến đủ cho đất nước.

GS cho biết, hiện có khoảng 400 ngàn trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hàng ngàn trí thức ở đẳng cấp cao. Nhiều người tâm huyết lắm nhưng khó về được vì còn vướng gia đình, con cái...

Do đó, cái cần nhất là thành lập được một tổ chức làm cầu nối, có thể gọi là "Ngân hàng tài năng Việt kiều". Khi đó chúng ta sẽ có một "địa chỉ” cụ thể cho việc kết nối thông tin để các trí thức biết nước ta đang cần gì và cũng là để các "khách hàng" họ biết nơi mà tìm đến.

Bà Huỳnh Ngươn Trực luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương.

Bà Huỳnh Ngươn Trực (kiều bào Pháp): Những món quà tình thương

Rời quê hương bôn ba xứ người cùng gia đình khi mới 2 tuổi, năm 1992 bà Huỳnh Ngươn Trực có dịp trở về quê hương, cùng những kỹ sư nông nghiệp (hầu hết là kiều bào Pháp) về thăm vùng lúa ở Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Chứng kiến cảnh bà con làm lụng vất vả nhưng đời sống vẫn khó khăn, họ đã bàn nhau thành lập một hội để có thể cùng chung tay góp sức giúp bà con. Và Hội Arebco ra đời.

Những thành viên trong hội quay trở về Việt Nam giúp nhiều hộ nông dân ở miền Nam tăng năng suất lúa, cải thiện đời sống. Một trong những nông dân đầu tiên được hội hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất là kỹ sư nông dân nổi tiếng ở Cao Lãnh Huỳnh Văn Út, còn được gọi là "Út máy cày".

Từ một xưởng sản xuất máy cày thô sơ với 2 - 3 người làm, nhưng chỉ vài ba năm sau cơ sở của anh "Út máy cày" đã có hơn 20 người làm việc thường xuyên. Ngoài ra, anh còn mở thêm 2 - 3 cơ sở khác lớn hơn.

Ngày trước, trung bình 22 ngày anh Út mới làm ra được một chiếc xe, nhưng giờ đây một tháng anh sản xuất được 4 chiếc. Với số tiền kiếm được, anh đã cất một chiếc cầu cho làng và đặt tên là cầu "Út máy cày".

Ngoài hỗ trợ nông dân, một số hoạt động khác cũng được Arebco thực hiện như đỡ đầu và trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong nước. Kể từ khi thành lập tới nay, hội đã trao 4.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo với số tiền lên đến vài tỷ đồng.

Giờ đây, cái tên Arebco đã không còn xa lạ với nhiều học sinh, sinh viên khắp cả nước và nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Arebco còn phối hợp với Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM giúp đỡ trẻ em mồ côi, khiếm thị, nạn nhân chất độc da cam, hay quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt... Những khoản tiền đầy ý nghĩa này đều do các thành viên Hội Arebco quyên góp từ hoạt động tổ chức gây quỹ như các buổi cơm từ thiện hay văn hóa văn nghệ.

Khi hỏi về nguyện vọng, bà Huỳnh Ngươn Trực cho biết: "Đất nước mình giờ đã thay đổi rất nhiều và có thể tiến xa nữa. Tôi nghĩ rằng bây giờ muốn cho đời sống khá hơn nữa, cần chú trọng đầu tư chất xám của lớp trẻ. Arebco luôn hy vọng đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương".

Theo thống kê của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, trong năm 2014 có hơn 756.900 lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Lượng kiều hối gửi về qua hệ thống tín dụng thành phố đạt hơn 5 tỷ USD và hàng ngàn lượt kiều bào đã tham gia đóng góp giúp đỡ nạn nhân bị thiên tai lũ lụt, xây dựng trường lớp cho học sinh nghèo hiếu học, xây cầu bê-tông... với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Hoàng Yến - Ngô Đồng

Bình luận (0)

Lên đầu trang