(CATP) Nằm giữa bốn bề sóng nước, Thạnh An luôn phải hứng chịu nhiều thiên tai, khiến cuộc sống bà con muôn vàn khó khăn, đặc biệt là thiếu nước sạch và điện sinh hoạt.
Tiền tỷ sắp thành sắt rỉ
Khai tử 5 năm vẫn... “sống khỏe”
Xã đảo Thạnh An cách trung tâm TP.HCM khoảng 100km, thuộc huyện Cần Giờ, có diện tích khoảng 131km2 với 4.627 dân. Mỗi ngày, có khoảng sáu chiếc ghe, tàu cá xuất phát từ bến tàu thị trấn Cần Thạnh chạy ngang cửa sông Lòng Tàu, mất hơn một giờ đồng hồ mới ra đến xã đảo.
Thiếu thốn trăm bề
Thiếu tá Nguyễn Bá Thọ, Phó công an xã cho biết: “Từ trước đến nay bà con trong xã sử dụng điện từ hai máy phát điện, đúng giờ ngọ thì máy một tắt để đảo chiều qua máy hai. Nghe tin ngày 17-4-2015, tuyến cáp ngầm trên biển của TPHCM hoàn thành, bà con rất vui. Có điện lưới quốc gia thì tình trạng phập phù sẽ chấm dứt, thật là một tin mừng trong ngày lễ trọng đại sắp tới”.
Những năm qua, bà con hai ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình dùng điện của trạm phát điện diesel, do ngành điện lực TP.HCM quản lý. Riêng ấp Thiềng Liềng sử dụng điện năng lượng mặt trời, chủ yếu phục vụ sinh hoạt nhỏ lẻ, khiến người dân không phát triển kinh tế được.
Hải sản đánh bắt do thiếu điện, nên xã không xây được nhà máy nước đá để ướp, giữ cho cá tươi. Theo dự kiến, sau khi công trình trên đưa vào sử dụng, hai máy phát điện của xã sẽ dời về ấp đảo Thiềng Liềng, để phát triển ấp kinh tế cho bà con diêm dân.
Vừa ngồi đan tay lưới, vừa phe phẩy quạt trước hiên nhà vì nóng, chị Lê Thị Hồng Thắm (SN 1977, tổ 17, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An) hớn hở: “Sáng có điện nhưng giờ cúp rồi, nghe đâu mấy anh bên điện lực đang ráo riết làm để kịp ngày 17-4 khánh thành. Từ giờ tôi không còn phải sợ cúp điện kéo dài khiến tủ lạnh, tủ đá tan hết, không sợ lỗ nữa”.
Cạnh đó, ông Đỗ Văn Quang (SN 1953) nói chen vào: “Mấy đứa nhỏ nhà tui đang móc lưới chuẩn bị cho chuyến ra biển mà mất điện nãy giờ, nên phải hoãn việc lại. Nếu đường dây điện được đưa về thì tốt cho bà con quá”.
Dự án tuyến cáp ngầm đầu tiên của thành phố
Trước đây, trạm phát điện diesel chỉ cung cấp điện sinh hoạt 18 giờ/ngày. Đến đầu năm 2013, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đưa vào vận hành thêm hai máy phát điện mới TLPOWER, công xuất 250 kVA/máy, nâng toàn bộ hệ thống phát điện cho xã liên tục 24/24 giờ. Do xã không có phụ tải công nghiệp nào đáng kể, nên sản lượng điện tiêu thụ khá khiêm tốn.
Thi công cáp ngầm
Thêm vào đó, nguồn điện từ máy phát diesel bị khống chế nên xã không thể phát huy hết tiềm năng phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, trung bình mỗi năm EVN HCMC lỗ khoảng 36%/năm (gần 2 tỷ đồng/năm).
Dự án cáp ngầm 22kV dưới biển, chiều dài 5,874km kéo điện từ thị trấn Cần Thạnh đến xã đảo Thạnh An, do EVN HCMC làm chủ đầu tư. Ngoài ra, dự án còn lắp thêm một mạch cáp ngầm chuyên dùng 22kV, chiều dài 8,710km trên cạn; xây dựng mới hai trạm ngắt Tắc Xuất có khả năng điều khiển từ xa để giảm thiểu nhân lực vận hành. Với tổng kinh phí đầu tư gần 200 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động, công trình sẽ cấp điện cho địa bàn xã đảo Thạnh An.
Ông Phạm Ngọc Bảo - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết: “Từ khi dự án được UBNDTP chấp thuận, cán bộ công nhân viên của tổng công ty đã nỗ lực hoàn thành tuyến cáp ngầm trong thời gian sớm nhất. Được vậy cũng nhờ bà con xã đảo hết lòng ủng hộ, để dự án được triển khai nhanh nhất”.
8 giờ hôm nay 17-4, TPHCM khánh thành tuyến cáp ngầm ra đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ). Đây là dự án kéo cáp ngầm xuyên biển, nối với lưới điện quốc gia thứ tư của cả nước, sau dự án kéo cáp ra huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Cô Tô (Quảng Ninh) và Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, dự án kéo cáp ngầm ra xã đảo Thạnh An lại có điểm khác biệt với ba dự án trên, là đường cáp ngầm đi xuyên qua luồng hàng hải, nơi tàu biển ra vào các cảng biển ở TPHCM.
Gia Minh - Trung Oanh