(CATP) Đầu tư không ít tiền bạc, nhưng hiện nay nhiều trạm thông tin xe buýt (TTTXB) bị những người thiếu ý thức biến thành nơi đổ rác, phóng uế, chỗ ngủ nghỉ hoặc chứa đồ đạc... khiến nguồn vốn lãng phí nghiêm trọng.
Khai tử 5 năm vẫn... “sống khỏe”
Vô tư ngủ trong... trụ điện cao thế giữa Sài Gòn
Với mục đích giúp hành khách dễ dàng tra cứu thông tin về địa điểm, lộ trình các tuyến xe buýt trong địa bàn thành phố hoặc địa chỉ siêu thị, khu vui chơi, thể thao, máy rút tiền, khách sạn, công sở..., năm 2011 Sở Giao thông Vận tải TPHCM lắp đặt thử nghiệm các TTTXB tự động, có màn hình cảm ứng.
Tuy nhiên, do mù mờ thông tin nên từ lâu những trạm này lại không được quan tâm, dẫn đến hàng loạt rơi vào tình trạng mất tác dụng. “Tôi không biết gì nhiều về TTTXB này nên rất ngại đụng đến”, anh Nguyễn Văn Thông, nhân viên văn phòng đang làm việc tại Q1, bộc bạch.
Trạm thông tin xe buýt trở thành “tụ điểm” của một số người
Mù mờ cách sử dụng
Theo một số hành khách, mặc dù biết những TTTXB này có nhiều chức năng và ứng dụng, nhưng họ lại hiếm khi dùng tra cứu thông tin, vì... không biết cách sử dụng. Trên thực tế ít người đi đường quan tâm đến những trạm này, khi cần họ thường hỏi bạn bè hoặc những người xung quanh, vừa nhanh lại khỏi mất công đi tìm trạm.
Đối tượng sử dụng TTTXB thường là học sinh, sinh viên (SV) và một số khách du lịch trong ngoài nước. Với du khách nước ngoài càng nan giải hơn, vì ngôn ngữ chính trong bảng thông tin là tiếng Việt.
Bạn Lê Thu Minh, SV năm 3 trường Đại học Ngoại thương, cho hay: “Mấy lần em vào sử dụng thấy màn hình cảm ứng bị đơ, nên có tra cứu được gì đâu. Nhiều lúc các TTTXB này là nơi để những người kém ý thức viết, vẽ bậy ngay trên màn hình hoặc gái mại dâm ghi số điện thoại “tiếp thị”...”.
Bài học "điện thoại thẻ"
Năm 1997, điện thoại thẻ - một loại hình dịch vụ viễn thông công cộng - ra đời, được kỳ vọng sẽ tạo cú hích nếu đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Thế nhưng do sự phát triển chóng mặt của điện thoại di động và mạng internet, nên chỉ sau khoảng thời gian ngắn, điện thoại thẻ trở nên lạc hậu và nhanh chóng “chết yểu”. Đây là bài học đắt giá cho tầm nhìn chiến lược lắp đặt, sử dụng các thiết bị công cộng.
Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của mạng internet và các dòng ĐTDĐ smart phone với dịch vụ Google maps, những TTTXB ở địa bàn TPHCM đang “ế”. Nhiều trạm đang chịu cảnh hư hỏng, xuống cấp.
Trên các tuyến đường như Võ Văn Tần (Q3), Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi (Q1)... hàng loạt trạm rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”: nhiều màn hình tắt ngúm, không sử dụng được. Cũng có những trạm tuy vẫn hiện sáng, nhưng khi lướt tay vào không cảm ứng được. Tại thành phố hiện chỉ còn vài TTTXB hoạt động trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ (Q1), Hồng Bàng (Q5)...
Ngoài ra, khi những điểm tra cứu không phát huy tác dụng, nhiều người đã tranh thủ tận dụng nơi này làm chỗ ngủ nghỉ, dán quảng cáo hoặc đổ rác. Thậm chí, người kém ý thức còn xem các trạm thông tin là nơi “giải quyết nỗi buồn”.
Để lập những TTTXB này, chính quyền thành phố phải nhập khẩu mỗi màn hình từ Singapore khoảng 30 triệu đồng, công lắp đặt thêm 10 triệu đồng/trạm. Như vậy, với gần 54 trạm hiện nay số tiền đầu tư không dưới 2 tỷ, khiến người dân bức xúc về khoản lãng phí không nhỏ này. Dù do nhà nước hay doanh nghiệp (Công ty truyền thông đa phương tiện Đất Việt) đầu tư thì cũng lãng phí nếu trạm chưa phát huy được hiệu quả.
Mặt khác, nhiều đơn vị làm quảng cáo ước tính nếu tận dụng những vị trí đặt TTTXB làm bảng quảng cáo, mỗi trạm giá vài ngàn USD/năm, riêng ở khu trung tâm đắt hơn, chừng 6.000 - 10.000 USD/năm. Như thế mỗi năm thành phố sẽ có tiền tỷ nộp vào ngân sách mà không phải mất công triển khai các trạm, đầu tư chăm sóc, hướng dẫn sử dụng và... dọn dẹp vệ sinh như bây giờ.
Phan Sơn