Khu khám, điều trị kỹ thuật cao BV Ung Bướu 11 năm vẫn nằm trên giấy

Thứ Năm, 16/04/2015 17:07  | 

|

(CAO) Phê duyệt rồi lại hủy bỏ, 11 năm qua Khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao, bệnh viện Ung Bướu vẫn nằm trên giấy.

Khai tử 5 năm vẫn... “sống khỏe”

Chiều 16-4, Ban kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã có cuộc làm việc với bệnh viện Ung Bướu cùng các bên liên quan là Sở Y tế, Sở kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng về tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao tại số 47 Nguyễn Huy Lượng (Q.Bình Thạnh) thuộc bệnh viện Ung Bướu.

Đối mặt với tình trạng quá tải và nhu cầu đưa kỹ thuật cao vào điều trị cho bệnh nhân ung thư, từ năm 2004, bệnh viện Ung Bướu đã trình dự án trên với quy mô 7 tầng, diện tích sàn 7.300m2 do bệnh viện làm chủ đầu tư, được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng.

Ở khu vực ngoại trú, số lượt bệnh nhân khám tại BV Ung Bướu trung bình lên tới trên 9.500 người/ngày. Ảnh: Ngô Đồng

Tuy nhiên, đến năm 2008, dự án vẫn chưa thể triển khai. Trước tình trạng giá vật tư xây dựng tăng cao, bệnh viện xin điều chỉnh tổng mức đầu tư và được thành phố phê duyệt tăng lên thành 76,55 tỷ đồng. Đến năm 2012 tất cả vẫn chỉ là con số không.

Đến năm 2012, dự án chuyển về cho Sở Y tế làm chủ đầu tư kinh phí đội lên hơn 286 tỉ đồng, thời gian hoàn thành là 2015. Nhưng đến nay chỉ giải quyết được khâu dọn dẹp mặt bằng và rà phá bom mìn trên mảnh đất dự kiến sẽ xây dựng khu kỹ thuật cao.

Bệnh viện Ung Bướu hiện là một trong những bệnh viện có thâm niên quá tải trầm trọng tại TP.HCM, công suất sử dụng giường bệnh hiện vượt 180%, bệnh nhân phải nằm ghép đôi, ghép ba, thậm chí bệnh nhân phải nằm la liệt dưới gầm giường. Ở khu vực ngoại trú, số lượt bệnh nhân khám tại bệnh viện trung bình lên tới trên 9.500 người/ngày.

BV đang đối mặt với tình trạng quá tải trầm trọng. Bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí phải nằm dưới gầm giường bệnh. Ảnh: Ngô Đồng

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện Ung Bướu chia sẻ: “Không chỉ y bác sĩ của bệnh viện mong mỏi mà cả bệnh nhân cũng đang ngày đêm trông chờ dự án để thoát cảnh quá tải. 11 năm qua, chúng tôi chờ đợi nguồn vốn ngân sách để xây dựng, và vốn kích cầu để mua sắm trang thiết bị nhưng chờ hoài không thấy".

Bác sĩ Minh cũng nói thêm: "11 năm qua chúng tôi đã vô cùng khó xử với người bệnh, người dân trước sự lãng phí quá lớn của mảnh đất dự án bị bỏ trống và công sức làm đi làm lại dự án nhiều lần”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP.HCM nhận định: Để dự án kéo dài là do thủ tục hành chính trong công tác đầu tư rườm rà, không thống nhất được các bên liên quan. Dự án đã được phê duyệt mà không triển khai là bất hợp lý. Ông Lâm đ ề nghị Sở Y tế, Sở Kế hoạch Dầu tư, Sở Xây dựng cần bàn bạc đi đến thống nhất về việc triển khai dự án.

Ngô Đồng

Bình luận (0)

Lên đầu trang