Phú Mỹ Hưng vươn mình từ bãi đầm lầy

Kì 1: Vùng đất bị lãng quên

Thứ Tư, 15/04/2015 07:02  | 

|

(CATP) Sau hơn 20 năm, từ một vùng đất đầm lầy, hoang vu, một phần của huyện Nhà Bè - xưa, nay là quận 7 - đã chuyển mình mạnh mẽ. Một trong những dự án làm nên quận 7 đầy sức hút ở phía nam Sài Gòn như ngày nay, phải kể đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Bưu điện thành phố dịu dàng trong “chiếc áo mới”

Hồi sinh từ dòng kênh chết

Nhà Bè là cửa ngõ phía nam với hệ thống giao thông đường thủy nối liền từ trung tâm thành phố ra huyện Cần Giờ và các tỉnh phía Tây. Tuy nhiên, kinh tế địa phương kém phát triển, lao động làm việc trong ngành công nghiệp (năm 1990) chỉ chiếm 0,7%; thương mại - dịch vụ chủ yếu là buôn bán nhỏ dưới dạng hộ tiểu thương.

Đây là khu vực có trình độ lao động chuyên môn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ.

Với khát vọng làm “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế vùng, nhiều chuyên gia kinh tế trong “nhóm thứ sáu” lúc đó đã đề xuất chọn Nhà Bè mở khu chế xuất (KCX).

Phú Mỹ Hưng ngày ấy là vùng đất sình lầy

Đã nhiều lần được nghe ông Phan Chánh Dưỡng - Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S Ting, kể chuyện về quá trình hình thành và phát triển Nam Sài Gòn, trong đó có khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhưng lần nào chúng tôi cũng không khỏi xúc động.

Ông Dưỡng luôn nhấn mạnh, dù 20 hay 30 năm, Nam Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng phải biết ơn Chính phủ, biết ơn lãnh đạo thành phố vì đã quyết tâm làm nên thay đổi trong bối cảnh “rối như canh hẹ” lúc bấy giờ.

Dù ông Dưỡng ít kể chuyện mình, nhưng đến nay nhiều người vẫn nhắc nhớ và cảm phục tấm lòng của những “kẻ sĩ” trước thời cuộc trong “nhóm thứ sáu”. Lúc đó, nhóm gồm một số thành viên như ông Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Mai Kim Đỉnh, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn... Họ là những trí thức giàu tâm huyết, mong muốn góp công, góp sức cho quá trình phát triển của TPHCM.

Những năm đầu đổi mới, cơ chế, luật pháp còn nhiều bất cập, mọi dự án, kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài đều chưa có tiền lệ.

Năm 1986, trên giấy tờ, “nhóm thứ sáu” là “nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy”. Nhóm không trụ sở, không nhân viên, không lương, không cấp bậc... Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, “nhóm thứ sáu” đề xuất với lãnh đạo thành phố lập một KCX để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Phan Chánh Dưỡng nghĩ đến bán đảo Tân Thuận Đông, Nhà Bè (nay là P.Tân Thuận Đông, Q7).

Ông kể: “Khi chúng tôi đề xuất chọn Tân Thuận Đông đặt khu chế xuất, nhiều nhà đầu tư cử chuyên gia đến và họ lắc đầu. Có người còn nói, đất Nhà Bè này thảy con trâu xuống cũng chìm, nếu thảy nhà máy xuống không biết lút tới đâu. Bởi vậy, họ không tham gia đầu tư”.

Ông Nguyễn Công Ái cho biết, những năm 1985 - 1990, đất nước đang bị cấm vận. Thành phố phải xin phép Trung ương thành lập một tổ chức phi Chính phủ mang tên Hiệp hội phát triển và đầu tư ngoại thương (Infortra) do UBND TPHCM chịu trách nhiệm để kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, TPHCM đầu tư.

Hiệp hội Infortra đặt trụ sở tại 96 Nguyễn Huệ, ông Phan Chánh Dưỡng khi đó làm Tổng thư ký. Nhiệm vụ của hiệp hội là kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài đến thành phố đầu tư. Infortra nhắm đến các nước có nhiều kinh nghiệm làm KCX - khu công nghiệp.

Ông Phan Chánh Dưỡng - người có công đưa Phú Mỹ Hưng phát triển

Hiệp hội đã tổ chức 3 đoàn đi nước ngoài do các ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM và ông Võ Trần Chí, nguyên Bí thư thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn, nhằm khẳng định chủ trương và quyết tâm của TPHCM muốn xây dựng KCX, tạo nền tảng tiến ra biển Đông, cũng là để thuyết phục Trung ương cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Infortra kể lại, năm 1990 ông có dịp đi Malaysia và phải dừng chân ở Bangkok (Thái Lan) lúc 9 giờ tối. Khách sạn chỉ còn một phòng, nhưng ông và vị khách họ Trương người Đài Loan lại đến cùng một lúc.

Sau khi trao đổi, cả hai quyết định ở chung. Trong đêm đó, ông đã giới thiệu cho ông Trương nghe về đề án thành lập KCX tại Việt Nam. Một tháng sau, phái đoàn của Tập đoàn Central Trading and Development (CT&D - Đài Loan) đến TPHCM.

(Còn tiếp)

Nam Anh - Hải Băng

Bình luận (0)

Lên đầu trang