(CATP) Tháng ba là lúc cây gòn trĩu quả bắt đầu nở bung trên cành. Lúc này cây rụng lá, vươn những cành dài như bàn tay gầy guộc ra không gian, lúc lỉu quả gắn trên cành.
Cho đến nay, nhiều người vẫn còn băn khoăn không biết giữa cây gòn và tên gọi địa danh Sài Gòn có mối liên hệ với nhau chăng!
Bây giờ Sài Gòn phố phường san sát, đông nghẹt xe cộ, cây gòn không còn nhiều, có chăng chỉ là ở các khu vực ngoại thành, ven sông, kênh rạch, sân chùa, chân cầu... Cây gòn không rực rỡ sắc màu, không dáng điệu kiểu cách. Cây gòn bình dị tỏa bóng râm mát, tạo nên vẻ linh thiêng cổ kính bên những mái chùa nghi ngút khói hương. Chính vì nét bình dị ấy, cây gòn khó phai trong tâm thức của người Sài Gòn từ xưa đến nay.
Nhiều người cho rằng, ngày trước Sài Gòn nhiều cây gòn lắm nên mới lấy tên như vậy. Nhiều tài liệu của các học giả nổi tiếng đã đưa ra cách giải thích riêng của mình. Thế nhưng đến nay, tất cả mọi giả thuyết đều chưa đủ sức thuyết phục để lý giải nguồn gốc sâu xa của hai chữ Sài Gòn.
Hoa gòn bung nở trắng những ngày tháng 3 tại Sài Gòn - TP.HCM
Dù còn mơ hồ và không dám cắt nghĩa đúng hai chữ của địa danh Sài Gòn, nhưng cây gòn hiển nhiên vẫn là cây gắn bó với người dân sở tại từ thuở hồng hoang.
Dưới chân cầu Nhị Thiên Đường có hai cây gòn đại thụ. Trải qua bao mùa mưa bão, cây vẫn vững chãi reo mình trong gió. Chị Huệ, một người bán nước gần đó cho hay, từ thuở còn bé chị đã chơi trò trốn tìm với bạn bè trang lứa bên cây gòn to lớn này. Đến mùa trĩu quả, cha mẹ chị thường đem thúng ra nhặt về nhà lấy bông. Nhánh cây gòn rơi gãy thì đưa về nhà làm củi.
Cây gòn cổ thụ ở gần chân cầu Nhị Thiên Đường
Ngày ngày chị đi học dưới bóng cây gòn, lớn lên một chút cũng mưu sinh quẩn quanh bên gốc cây. Cây gòn che mưa nắng cho hàng quán vỉa hè, tỏa bóng mát giữa trưa hè nóng bức, để làm say giấc ngủ những bác tài lái xe ôm bên đoạn đường mưu sinh khó nhọc.
Cây gòn có thể cao đến 60 - 70 mét, đường kính lên đến 3 mét, có các rễ phụ gia cố thân cây. Cây trưởng thành sinh ra hàng trăm quả, mà mỗi quả dài đến 15cm. Quả chứa các hạt được bao bọc trong các sợi mịn có màu vàng hỗn hợp. Quá trình thu hoạch và tách sợi rất tốn công sức và là công việc thủ công. Sợi của nó nhẹ, nổi trên nước, dễ cháy và không thấm nước. Sợi được dùng nhồi cho các loại đệm, gối, đồ chơi trẻ em...
Nguyễn Tuấn