(CAO) Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), giá nước bình quân tại TP.HCM trong 5 năm tới sẽ tăng khoảng 10,5% mỗi năm. Giá nước bình quân đối với định mức sử dụng thấp nhất sẽ tăng từ mức hiện nay là 5.300 đồng/m3 lên 7.900 đồng/m3 (chưa thuế) vào năm 2019.
Lộ trình tăng giá nước từ 2015 – 2019 này vừa được Sawaco trình bày để thảo luận tại hội nghị chuyên đề do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức chiều nay (20-1) về phương án điều chỉnh giá nước tại TP giai đoạn 2015 – 2019.
Mức tăng giá nước bình quân 10,5% nói trên đã được Sở Tài chính thẩm định, Sawaco cho hay.
Sawaco cho biết, tăng giá nước là cần thiết do chi phí đầu tư chiếm khoảng 71,88% giá thành nước sạch trong giai đoạn 5 năm tới. Bên cạnh đó, theo quy hoạch cấp nước TP.HCM, tổng công suất nước cấp từ các nhà máy nước cho người dân TP cũng sẽ phải tăng lên khoảng 3,7 triệu m3/ngày vào năm 2025, gấp 2,2 lần so với công suất hiện nay. Do đó, Sawaco đề nghị bắt đầu điều chỉnh giá nước từ năm 2015.
Theo lộ trình giá nước mới Sawaco đề xuất, những hộ nghèo nếu sử dụng trong định mức (4 m3/người/tháng) thì giá nước sẽ tăng từ 5.300 đồng/m3 lên 7.900 đồng/m3 vào năm 2019. Các đối tượng sử dụng nước khác (đơn vị sản xuất, cơ quan đoàn thể, đơn vị kinh doanh, các hộ gia đình sử dụng từ 4m3/người/tháng trở lên,…) thì giá nước sẽ tăng từ mức thấp nhất là 6.000 đồng/m3 lên 26.000 đồng/m3 tùy theo đối tượng.
Các mức giá theo đối tượng sử dụng nước theo lộ trình 2015 - 2019 do Sawaco đề xuất.
Đối với các hộ nghèo, mức giá trong định mức 4m3/người/tháng sẽ không tăng so với giá nước áp dụng năm 2014 và những năm tiếp theo luôn thấp hơn đối tượng hộ dân cư khác. Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, Sawaco cũng áp dụng giá ưu đãi, như: người nhập cư, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn từ 12 tháng trở lên), tiếp tục được tính định mức nước sinh hoạt như nhân khẩu có hộ khẩu thường trú.
Mặc dù đã có lộ trình và những lý giải, song nhiều đại biểu vẫn tỏ ra băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá nước đồng nghĩa với việc phải tăng chất lượng nước, chứ không phải tăng giá nước để bù vào khoản thất thoát nước. Như vậy là không công bằng cho người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay tỷ lệ thất thoát nước vẫn còn đến gần 33%. Nếu Sawaco làm tốt việc giảm thất thoát nước từ 33% xuống còn 10% thôi thì đã có thêm tiền đầu tư nhà máy nước hơn 2 triệu m3/ngày. Mặt khác, tuy nói rằng giá nước điều chỉnh không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chi trả, nhưng người dân đâu phải chỉ lo chi trả tiền nước, còn bao thứ tiền khác, mỗi thứ tăng một ít thì cũng thành nhiều. Do đó, cần phải xem xét kĩ lộ trình tăng giá như thế nào cho hợp lý.
Thống kê của Sawaco cho thấy tính đến cuối năm 2014, TP.HCM có 13/19 quận nội thành và 2/5 thị trấn được cung cấp nước sạch 100%, hiện vẫn còn khoảng 317.146 hộ dân chưa được cung cấp nước sạch. Trong đó, khu vực nội thành (đô thị) còn khoảng hơn 76.000 hộ, tập trung tại quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, Tân Bình,... Khu vực các xã ngoại thành (nông thôn) còn hơn 240.000 hộ chưa có nước sạch, tập trung tại 15 xã của các huyện Bình Chánh, 11 xã của huyện Hóc Môn và 20 xã của huyện Củ Chi.
Theo ông Bạch Vũ Hải, Phó tổng giám đốc Sawaco, nếu được thông qua thì sắp tới Sawaco tiếp tục trình UBND TP để ra quyết định cuối cùng về đề xuất tăng giá nước này.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết, cần phải tiếp tục lấy thêm ý kiến rộng rãi về vấn đề này trước khi ra quyết định trình UBND TP.
Ngô Đồng