(CATP) “Chúng tôi tự hào là người Việt Nam và muốn cống hiến hết mình cho quê hương khi có cơ hội”, câu nói này dường như đã trở thành tâm nguyện của phần lớn bà con kiều bào.
Đoàn kiều bào tiêu biểu dâng hương tại Đền Liệt sĩ Bến Dược
NHỮNG NGƯỜI XA XỨ
Rời quê hương sang Canada định cư từ những năm 2000, chị Đinh Kim Nguyệt chia sẻ: “Nhiều năm gần đây, hầu như năm nào cũng tranh thủ về quê ăn Tết. Tôi cảm thấy rất vui vì được về quê hương, được sống trong không khí ấm cúng nghĩa tình của người thân và bạn bè”.
Chị Đinh Kim Nguyệt (Việt kiều Canada) dẫn ông xã ngoại quốc về nước để tìm hiểu con người, đất nước, văn hóa và lịch sử Việt Nam
Năm nào cũng về Việt Nam đón Tết, nhưng chị Nguyệt vẫn không giấu được niềm hạnh phúc, chị nói: “Chỉ thích ăn Tết ở Việt Nam vì ở quê hương mới thật sự có Tết đúng nghĩa”. Chị Nguyệt tin rằng là người con xa xứ, ai cũng mang trong mình niềm trăn trở và nỗi nhớ quê hương, nên khi có cơ hội là ai cũng mong muốn được cống hiến, góp một chút sức cho quê hương. Khởi sự từ lòng yêu quê hương da diết, chị Nguyệt bắt đầu với các sinh hoạt văn hóa Việt tại Canada, đặc biệt chú trọng đến việc dạy tiếng Việt để giữ gìn tiếng mẹ đẻ, tiến tới giới thiệu cho thế giới một cây cầu ngôn ngữ tuyệt vời để tạo điều kiện dễ dàng nhất cho người phương Tây tìm hiểu văn hóa Á Đông.
Nhớ lại những ngày sống xa xứ, chị Bạch Thị Ngọc Trang (kiều bào Hàn Quốc) nói: “Mùa đông ở Hàn Quốc rất lạnh, cái lạnh kéo dài hơn 2 tháng, ra đường thì giá rét, ở nhà thì cô quạnh; những ngày tháng này cảm thấy nhớ Việt Nam vô cùng. Thèm những cái Tết lang thang cùng người thân ở bờ Hồ (Hà Nội). Có cơ hội là phải về Việt Nam đón Tết để thấy ấm cúng hơn”.
Chị Bạch Thị Ngọc Trang (kiều bào Hàn Quốc) dẫn con tham quan địa đạo Củ Chi để biết về lịch sử dân tộc
Chị Trang cũng trăn trở tìm cách quảng bá văn hóa Việt ra thế giới. Cách đây vài năm, do chị Trang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Chính sách văn hóa - Trường Đại học Inha (Hàn Quốc), nhóm nghiên cứu của chị đã phát hành sách về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Hàn Quốc đã được giới thiệu cho người Việt tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc, cuốn sách rất được quan tâm. Chị khoe: “Đáng mừng là năm 2014 vừa qua, cuốn sách này đã đoạt giải đầu sách ưu tú tại Hàn Quốc”.
NỒNG ẤM TÌNH QUÊ
Khi nhắc lại lần đầu về nước ăn Tết, bà Đào Thị Hoàng Anh (78 tuổi, kiều bào Pháp) chia sẻ: “Lần đầu tiên về nước, đặt chân xuống sân bay, tôi chỉ biết nghẹn ngào trong những cái xiết tay, những cái ôm thắm thiết của người thân”. Bà Hoàng Anh kể, đi Pháp định cư từ những năm 1954, mãi đến năm 1975 mới về lại quê hương. Năm đó, cũng là năm đầu tiên đón Tết ở Việt Nam, nhưng không đón tại quê nhà Sài Gòn mà đón Tết ở Hà Nội.
Bà Đào Thị Hoàng Anh (kiều bào Pháp) rất hạnh phúc khi đón Tết tại quê nhà
Bà xúc động nhớ lại: “Năm đó tôi ở trong đoàn 50 kiều bào các nước được ra Hà Nội ăn Tết, tôi là cô gái miền Nam duy nhất. Xúc động lắm, đến nỗi từng món ăn hồi đó mà bây giờ vẫn còn nhớ như in như bánh chưng xanh, ốc nhồi thịt... Tôi còn sống ngày nào thì phải về Việt Nam đón Tết, vì chỉ ở Việt Nam mới có không khí Tết thôi. Ở Việt Nam, dù không còn người thân, nhưng bạn bè, hàng xóm rất thương yêu, đến hỏi han chia sẻ nên thấy ấm cúng, nghĩa tình”.
Bốn mươi năm sống xa quê hương, bác Lưu Thanh Dũng (kiều bào Pháp) bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày đón Tết ở xứ người. Bác Dũng bộc bạch: “Cứ canh giờ bên Việt Nam, thấy gần đến giờ giao thừa là bồi hồi không kể xiết...”. Bác Dũng chia sẻ: “Sống xa quê hương những 40 năm qua. Mỗi lần về Việt Nam là mỗi lần thấy Việt Nam đổi khác. Nhà cửa được xây dựng nhiều hơn, đường sá to đẹp hơn, các cửa hàng phục vụ mua sắm cũng đa dạng hơn”.
Khi viết đến đây, tôi nhớ lại lời chia sẻ chân tình năm nào của ông Phan Thành (kiều bào Canada, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài): “Con người Việt khi chết thì cũng về với cội nguồn. Nên dù tôi đang sống ở đâu, mang quốc tịch nước nào, tôi vẫn là người Việt Nam. Tôi cảm nhận cái Tết ở quê hương luôn ấm áp, đậm đà. Ở nước ngoài, tôi cũng có thể mua được những món như ở Việt Nam nhưng không đâu bằng quê hương Việt Nam”.
Sức sống mãnh liệt của cội nguồn dân tộc luôn được thể hiện qua việc gìn giữ những giá trị tinh thần, những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, được truyền từ đời này sang đời khác, bất kể là người Việt đang sinh sống trên chính quê hương của mình hay đang lập nghiệp nơi đất khách.
Ngô Đồng