Phú Mỹ Hưng vươn mình từ bãi đầm lầy:

Kỳ 2: Đô thị kiểu mẫu

Thứ Năm, 16/04/2015 11:03  | 

|

(CATP) Một phần của Nhà Bè nay đã là quận 7, là “khu nhà giàu” của TPHCM. Đổi thay từng ngày trên vùng đầm lầy xưa khiến cả những người con của đất Nhà Bè cũng phải sững sờ.

Kì 1: Vùng đất bị lãng quên

Tại hội thảo khoa học “20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng (PMH)” diễn ra hồi tháng 5-2013, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, đánh giá khu đô thị PMH là hình mẫu và sự thành công trên cả hai bình diện: quy hoạch, kiến trúc đô thị và quản lý, kinh doanh bất động sản. Đó chính là đúc kết ngắn gọn, sâu sắc về quá trình “lột xác” ngoạn mục của PMH.

Nhà không hẻm tại Phú Mỹ Hưng

Một phần của Nhà Bè nay đã là quận 7, là “khu nhà giàu” của TPHCM. Đổi thay từng ngày trên vùng đầm lầy xưa khiến cả những người con của đất Nhà Bè cũng phải sững sờ.

Ông Nguyễn Công Trực chia sẻ: “Đường sá thênh thang, trường học tiêu chuẩn quốc tế, đại lộ rợp mát và những cây cầu bê tông kiên cố đã thành hình thay cho vùng đất hoang vu, lạc hậu xưa. Thời đó, chúng tôi hay ngâm thế này: Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về... Giờ cái cảnh đầm lầy, những ngã ba sông để ai muốn về đâu thì về hết rồi. Đất này trở thành nơi mà ai cũng muốn đến, muốn bám trụ”.

Ngay khi đến TPHCM, đích thân ông Lawrence S.Ting (tức Đinh Thiện Lý), cố Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn CT&D, đã đi thị sát Nhà Bè theo lời gợi ý của ông Phan Chánh Dưỡng. Tại đây, hình ảnh những đứa trẻ trong bộ đồ nhàu nhĩ, gương mặt lấm lem bùn đất mà ánh mắt lại tươi vui, hồn nhiên khiến ông để ý.

Trong bài phát biểu tại hội thảo khoa học “20 năm hình thành và phát triển khu đô thị PMH” hồi năm 2013, bà Ba Dah Wen, thường trực Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển PMH nhấn mạnh, cố chủ tịch Lawrence S.Ting thường nói với nhân viên: “Khi chúng ta đến một nơi nào đó đầu tư thì không nên bận tâm đến việc chúng ta có thể lấy đi những gì, mà phải quan tâm đến việc chúng ta có thể để lại những gì”.

Có lẽ, đây chính là lý do khiến ông Lawrence S.Ting tin tưởng và quyết định đầu tư xây Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận - KCX đầu tiên của Việt Nam đặt tại Tân Thuận Đông, Nhà Bè. Chỉ sau vài năm hoạt động, KCX Tân Thuận đã làm chuyển dịch kinh tế cả một vùng, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Một trong những cây cầu trên đường Nguyễn Văn Linh

Có KCX Tân Thuận nhưng đường đi vẫn chỉ là độc đạo, ông Lawrence S.Ting đề xuất ý tưởng mở con đường nối liền KCX Tân Thuận ra Quốc lộ 1A. Nhiều ý kiến tranh luận gây gắt, người ta “bàn ra” vì thấy dự án này “trên mây” quá, không ai tin có thể làm đường bê tông trên nền đất bùn lầy “không chân” như Nhà Bè.

Lại một lần nữa, những quyết tâm gặp nhau, vừa thiết kế con đường phù hợp với địa hình, vừa thuyết phục lãnh đạo, nhà đầu tư bằng lý lẽ chắc chắn. Cuối cùng, sau hơn 10 năm với ba giai đoạn khởi công, đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, lộ giới 120m, 10 làn xe nối liền phía bắc huyện Nhà Bè (nay là quận 7) với phía nam huyện Bình Chánh ra đời.

Khu đô thị mới PMH là dự án táo bạo thứ ba “trên mây”, trong hành trình tiến ra biển Đông của Nam Sài Gòn.

Dù đã có KCX Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh nhưng những thấp thỏm, e ngại vẫn bủa vây khi ý tưởng làm khu đô thị mới được đưa ra.

Ông Phan Chánh Dưỡng cho biết, đề xuất làm Khu đô thị PMH, cái đầu tiên các ông nghĩ đến là trường học và thành phố của thiên nhiên. Mọi người thường nói thành phố tới đâu, thiên nhiên lùi tới đó. Nhưng PMH ngay từ bản vẽ thiết kế ban đầu, đã không như thế. Sau hơn 20 năm, PMH vẫn giữ được tâm huyết này của những người mở đường và màu chủ đạo của PMH là màu xanh.

PMH được thành lập tháng 5-1993, là liên doanh giữa Công ty IPC (đại diện của UBND TPHCM) và Tập đoàn CT&D. Để trả lời cho những thắc mắc, hoài nghi về tính khả thi của công cuộc xây cao ốc trên vùng đầm lầy, ông Lawrence S.Ting cho xây dựng tòa nhà ban quản lý đầu tiên, cao sáu tầng giữa đầm lầy. Tiếp đó, chủ đầu tư tổ chức một cuộc thi quốc tế để tìm ý tưởng định hướng quy hoạch phát triển cho một đô thị hiện đại, song vẫn giữ được đặc trưng của vùng đất sông nước Nam bộ.

Phương án quy hoạch của Tập đoàn Skimore, Owings and Merrill (SOM), Mỹ đã được chọn để triển khai quy hoạch tổng thể. Công ty KenzoTange Associates của Nhật làm quy hoạch chi tiết cho từng phân khu chức năng, gồm 5 khu: Trung tâm đô thị mới, Trung tâm Kỹ thuật cao, Làng Đại học, Trung tâm Lưu thông Hàng hóa I và II. 5 khu này lại chia ra 8 tiểu khu nhỏ để phù hợp cho sự phát triển là Khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế, Khu Cảnh Đồi, Khu Nam Viên, Khu Kênh Đào, Khu Văn Hóa Giải Trí; Khu Y Tế Điều Dưỡng, Khu Midtown và Khu The Crescent.

Nói trong niềm vui, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, khu đô thị PMH ngày nay đã hội tụ tất cả các cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị, dịch vụ, hoạt động quản lý... để đảm bảo tốt nhất cho cuộc sống văn minh, an bình và tiện ích của người dân.

(Còn tiếp)

Nam Anh - Hải Băng

Bình luận (0)

Lên đầu trang