Xe ba - bốn bánh thô sơ:

Khai tử 5 năm vẫn... “sống khỏe”

Thứ Ba, 14/04/2015 15:20  | 

|

(CATP) Sau lệnh cấm lưu hành, đa số các chủ xe ba gác, thô sơ tự chế đã tự giác chuyển đổi ngành nghề, hoặc mua sắm các loại xe phù hợp để tiếp tục kinh doanh. Thế nhưng vẫn còn một số bộ phận người dân vẫn chưa ý thức chấp hành, trong đó có các cơ sở kinh doanh.

Vô tư ngủ trong... trụ điện cao thế giữa Sài Gòn

Kể từ ngày 1-1-2010, Nghị quyết 32 của Chính phủ cấm các loại xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế lưu thông trên toàn quốc. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, tại các quận, huyện của TP.HCM, các phương tiện thô sơ tự chế, đặc biệt là xe ba gác máy vẫn hoạt động trên các tuyến đường, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn giao thông.

"Cần câu cơm" của cơ sở sản xuất

Hầu hết xe ba gác mà chúng tôi ghi nhận đang lưu thông trên nhiều tuyến đường của thành phố, đều do các chủ cơ sở vật liệu xây dựng hoặc cơ sở gia công sắt thép, tôn sử dụng để chuyên chở vật liệu cho cửa hàng mình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phương tiện xe ba bánh vẫn còn lưu thông rất nhiều trên Quốc lộ 1A, 13 và 22. Trong khoảng một giờ có hơn 10 chiếc ba gác máy tự chế chạy trên những tuyến đường này.

Không chỉ vậy, những tuyến đường cấm như Trường Chinh, Hồng Bàng, hiện tượng các chủ phương tiện xe ba gác, xe ba bánh thô sơ ngang nhiên chở hàng quá qui định vẫn thường xuyên diễn ra. Còn các chủ xe ba bánh đã đăng ký lại đậu xe không đúng khu vực và khung giờ qui định trên đường Trường Chinh, đoạn qua quận Tân Phú.

Một chủ xe ngang nhiên chở hàng quá qui định trênđường Trường Chinh

Ở khu vực trung tâm, những tuyến như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, xe ba bánh vẫn thường xuyên lưu thông. Đặc biệt, trên đường Điện Biên Phủ, việc người dân dùng xe ba - bốn bánh tự chế để bán hàng rong như bắp, mía... vẫn đang rất phổ biến. Một số chủ xe ba bánh còn đậu trái phép tại khu vực gần vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trên đường Thống Nhất, Nguyễn Văn Công (Q.Gò Vấp) có một số điểm kinh doanh vật liệu xây dựng. Trung bình mỗi cơ sở này sở hữu từ 1 - 2 chiếc, thậm chí đến 4 chiếc, hàng ngày vẫn “miệt mài” chở đất, đá, cát... đến các công trình xây dựng. Hình ảnh người dân dễ bắt gặp nhất là những chiếc ba gác máy từ đường Nguyễn Văn Công "vô tư" băng ngang qua dòng người đang đông đúc trên đường Nguyễn Kiệm sang đường Phạm Ngũ Lão, dù nơi đây có biển báo bắt buộc các xe phải rẽ phải.

Theo một người kinh doanh lâu năm trong nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, sở dĩ các xe ba gác máy vẫn có “đất sống” vì ngoài chi phí mua xe rẻ thì sự linh hoạt, đa năng, tiết kiệm nhiên liệu cũng là đặc tính nổi bật. “Khi có lệnh cấm, tôi mua một chiếc xe tải 500 kg nhưng hiệu quả không bằng, nhất là khi vào các hẻm hẹp, cụt không thể quay đầu. Trong khi đó, đối với ba gác máy chỉ cần một thanh niên là có thể xoay, chở bình thường. Ngoài ra, chi phí cho xe tải lớn hơn rất nhiều nên người ta vẫn dùng ba gác máy” - chủ cơ sở kinh doanh VLXD M.T cho biết.

Có bảo kê?

Để thực hiện việc cấm lưu hành các loại xe ba - bốn bánh tự chế, thô sơ, thành phố đã chi kinh phí nhiều tỷ đồng cho việc hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với những người hành nghề các loại xe này.

Thực tế cho thấy, xe ba gác, xe thô sơ vẫn “bùng nổ” ở vùng ven. Ngoài một số người hành nghề này, khi chuyển sang làm công việc khác không đủ sinh sống nên họ dễ quay về nghề cũ do phương tiện giá rẻ (khoảng 5 triệu đồng/chiếc), cộng với việc thiếu sự quản lý các “lò” sản xuất xe tự chế, nên người dân không quá khó để mua một chiếc xe khác thay thế cho xe cũ bị bắt giữ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi thành phố hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, các xe ba gác máy đều đã được thu giữ thanh lý bán phế liệu. Nhưng không phải cơ sở nào cũng chấp hành, một số vẫn cất giữ và sử dụng đến nay. Nhiều người dân bức xúc, trong khi chủ trương của thành phố là giảm tai nạn, ùn tắc giao thông do xe thô sơ, tự chế gây ra thì vẫn có nhiều người sử dụng ba gác máy chở vật liệu bon bon trên đường (?!).

Ngày 2-4-2015, tại một công trình dân dụng đang xây dựng ở P.17 (Q.Gò Vấp), chúng tôi chứng kiến một người đàn ông chạy ba gác máy tự chế đến hỏi chở xà bần giá 70 ngàn đồng/xe. Khi được hỏi chạy như thế này không sợ bị cơ quan chức năng tạm giữ xe, anh này cho biết xe đã được “bảo kê” với giá 400 ngàn đồng/tháng, khi có kiểm tra thì họ sẽ báo cho mình.

Thực hư câu chuyện của anh tài xế ba gác này tới đâu thì chưa rõ, nhưng nhìn những chiếc xe này hàng ngày “hái” ra tiền cho nhiều cơ sở thì mọi người không khỏi hoài nghi... Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có những biện pháp triệt để hơn nữa để một chủ trương lớn của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, người dân cũng không khỏi bức xúc khi thấy xe tự chế vẫn là “hung thần” trên các con đường của thành phố.

Ngọc Huy - Thanh Vĩnh

Bình luận (0)

Lên đầu trang