(CATP) Với một số người, chuyện sinh nở dễ như trở bàn tay, còn với những cặp vợ chồng bị liệt vào danh sách hiếm muộn thì đứa con là cả một trời mơ ước. Luật cho phép mang thai hộ cũng chẳng thể giúp được gì cho nhiều người trong số họ.
Hiếm muộn và những cuộc đời đong đầy nước mắt
1.001 lý do hiếm muộn
Không phải ai khi yêu, lấy nhau rồi cũng rạng ngời hạnh phúc với những đứa con kháu khỉnh lần lượt chào đời. Tạo hóa đôi khi cũng trớ trêu, khi trên thực tế đã tước lấy quyền được làm cha làm mẹ của nhiều cặp vợ chồng sau nhiều năm chung sống. Để có được đứa con cho vui cửa vui nhà, nhiều cặp vợ chồng phải đối mặt với đủ mọi khổ đau, tốn kém trong đủ thứ xét nghiệm. Thậm chí có người từng sang Thái Lan nhờ người mang thai hộ.
Vào Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, chúng tôi bất ngờ trước số đông người hiếm muộn đến nuôi hy vọng tìm con. Có 1.001 lý do khiến bất kỳ người chồng hoặc vợ phải lâm cảnh hiếm muộn về đường con cái. Có người do không có tinh trùng, teo tinh hoàn, tinh hoàn ẩn hoặc chứng xuất tinh ngược dòng..., những trục trặc thường gặp từ phía các ông. Còn bi kịch hiếm muộn ở giới nữ thường do tử cung dị dạng hay nhi hóa (phụ nữ ở tuổi trưởng thành nhưng tử cung như trẻ em), viêm tắc vòi trứng...
Anh N.V.Hòa (30 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ, lập gia đình đã 3 năm) là một trong số đó. Thừa nhận lúc ban đầu đã sai khi đổ tội cho vợ “không biết đẻ” khiến gia đình lo rằng anh sẽ tuyệt đường con cái, anh trần tình: “Đến khi bà xã đi khám rồi đưa kết quả mọi chỉ số đều bình thường, tới lượt mình bác sĩ bảo tôi nhiều khả năng bị chứng thiểu hoặc nhược tinh, phải xét nghiệm tinh dịch đồ, hiện tôi đang chờ kết quả. Nguyên nhân thì có nhiều, thường do sử dụng nhiều chất kích thích như bia rượu, thuốc lá hoặc làm việc trong môi trường nóng bức hay tiếp xúc với hóa chất độc hại... Tôi có hơn chục năm ăn nằm dầm dề ở các bãi vàng nên tất cả đều vướng”.
Lộ phí cầu con
Với những cặp vợ chồng hiếm muộn mà nguyên nhân đến từ phía người chồng như anh Hòa thì với sự trợ giúp của thành tựu y học, cơ hội có được đứa con còn rộng mở. Nhưng với những trường hợp mà nguyên nhân bắt nguồn từ người vợ, thì chuyện sinh được đứa con là cả một trời dâu bể.
Thông tin ở Khoa Hiếm muộn cho biết, qua phân loại có các nguyên nhân khiến phụ nữ bị hiếm muộn hoặc vô sinh: do lạc nội mạc tử cung, tổn thương tắc vòi trứng, rối loạn phóng noãn, suy buồng trứng sớm, dị dạng sinh dục... Nguyên nhân cuối cùng thường gặp ở những thai phụ liên tiếp bị sảy thai do các yếu tố di truyền, nội tiết, nhiễm trùng, môi trường, miễn dịch...
Liệu có bao nhiêu người tìm được con sau những tháng năm chờ đợi
“Em bị chứng lạc nội mạc tử cung. Bác sĩ bảo đây là nguyên nhân gây vô sinh hàng đầu ở nữ vì số lượng, chất lượng nang noãn ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến khó thụ thai. Dù sao thì em cũng đỡ hơn chị đây vì còn có thể chữa được, chứ như chị ấy bị chứng tử cung nhi hóa không thể nào mang thai được”, dứt lời chị Trần Thị Mai (27 tuổi, quê Hưng Yên) hướng ánh mắt về phía người phụ nữ tên Hoa đang rầu rĩ gối đầu lên đùi anh chồng tên Đức tại dãy ghế cận cuối phòng chờ ở Khoa Hiếm muộn.
Anh Đức cho biết, hai vợ chồng phải bán ba con heo cùng hơn trăm con gà vịt để lấy tiền vào Nam chữa trị, nhưng: “Coi như xong rồi chị ạ, với chứng tử cung nhi hóa, vợ em suốt đời không thể mang thai được”, anh buồn bã kết luận.
Cơ hội mịt mờ
Tại Khoa Hiếm muộn, nói đến những phụ nữ không thể mang thai do tử cung dị dạng, nhi hóa hay không có..., số ấy nhiều lắm. Có người chỉ biết cam chịu số phận; nhiều trường hợp tính chuyện xin con nuôi hay nhăm nhe ý định nhờ người mang thai hộ.
“Người ta có anh chị em nằm trong độ tuổi sinh đẻ và đã từng sinh nở thì mới nhờ mang thai hộ được. Chứ như vợ chồng em, phía vợ thì nhà em là con gái duy nhất, phía em thì bà chị đã quá tuổi, còn cô em thì chưa lấy chồng, đâu thể nhờ được gì”, anh Đức cho biết. Chị Mai tâm sựå: “Không phải ai cũng có điều kiện nhờ người thân mang thai hộ. Cùng đường thì nhờ dịch vụ giúp kết nghĩa chị em với cô nào đó, để hợp thức hóa giấy tờ nhờ mang thai giúp mình với thù lao thỏa thuận. Trên các diễn đàn dành cho dân hiếm muộn, người ta chỉ dẫn thế”.
Nghị định số 10 quy định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ ngày 15-3-2015, đã được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ví như chiếc phao cứu sinh. Nhưng không phải ai cũng có được “đặc ân” ấy, với nhiều người, như các chị Mai, Hoa, chuyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ là con số không. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao trên nhiều diễn đàn dành cho người hiếm muộn vẫn nhan nhản lời rao nhận đẻ thuê, mang thai hộ. Phía sau đó không nói ra nhưng ai cũng hiểu, gắn liền với nó là đủ thứ hỉ nộ bi ai cùng một trời... bất trắc khó lường.
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM (Hosrem), mang thai hộ chính danh là con sinh học của một cặp vợ chồng được mang trong tử cung của người khác, thực hiện bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) thông thường, không quá phức tạp. Tại Việt Nam, phương pháp TTTON được áp dụng đầu tiên vào tháng 8-1997. Sau hơn 17 năm đã có 20 trung tâm TTTON thành lập, hiện nay thực hiện hơn 15.000 chu kỳ TTTON mỗi năm và đến 2015 có khoảng 25.000 trẻ ra đời nhờ phương pháp này.
Pháp luật quy định người mang thai hộ phải là “thân thích cùng họ hàng” với bên vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cặp vợ chồng vô sinh không có chị em gái ruột và chị em gái họ để nhờ.
Bác sĩ Tường cho biết, trong lịch sử y học chưa bao giờ có kỹ thuật nào mà trước khi thực hiện, hồ sơ lại cần chữ ký của nhiều người và ban ngành như việc mang thai hộ. Hồ sơ phải được tư vấn về mặt y tế, pháp lý, tâm lý, nhưng hiện lại chưa quy định cụ thể cơ quan/đơn vị nào thực hiện việc tư vấn, ký tên này.
Bên cạnh những rào cản về mặt pháp lý thì với quan điểm sống và tâm lý chung của người Việt, khiến nhiều người sẽ bỏ cuộc nửa chừng trước thử thách quá lớn về tiền bạc, công sức... Chính vì những rắc rối có thể gặp phải, bác sĩ Tường khuyến cáo: “Những cặp vợ chồng và người mang thai hộ cần tìm hiểu kỹ về việc mình sẽ làm ở cả góc độ y khoa lẫn pháp luật”.
Ngô Đồng (ghi)
|
Hương Ngọc