Ý kiến người dân Sài Gòn về việc tăng giá nước

Thứ Năm, 23/04/2015 01:36  | 

|

(CATP) Ngày 22-4-2015, cuộc họp góp ý về đề xuất tăng giá nước 10,5% mỗi năm (giai đoạn 2015-2019) của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng việc tăng giá nước là bình thường, nhưng mức tăng như vậy là quá cao.

TP.HCM: Sawaco muốn tăng giá nước 10,5% mỗi năm

Theo Sawaco, đề án này đã được Viện Nghiên cứu phát triển TP, Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải thẩm định, góp ý theo quy định. Nếu tăng bình quân 10,5% mỗi năm, năm 2015 mức giá 9.612 đồng/m3 thì năm 2019 lên 14.357 đồng/m3, tăng khoảng 50%.

Tăng 50% là quá cao

Ông Trần Thanh Tâm (SN 1967, ngụ phường 11, quận 6) nêu ý kiến: "Theo tôi đề xuất tăng giá nước cũng hợp lý, vì theo cơ chế thị trường cái gì cũng tăng, đồng tiền dần mất giá. Tuy nhiên, tăng thêm phân nửa trong thời gian 5 năm như dự thảo là quá cao".

Nhà ông Tâm có 5 nhân khẩu, được sử dụng 20m3/tháng. Nếu chỉ dùng trong định mức cho phép thì mỗi tháng trả 126 ngàn đồng. "Song, ngoài dùng để nấu ăn, tắm giặt, tưới cây..., thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ rủ bạn về liên hoan nên tháng nào tôi cũng xài cao hơn định mức. Nếu hơn 4m3/người/tháng là phải trả số tiền gần gấp đôi rồi, giờ lại tăng giá nữa thì đủ thứ chi phí phải lo, không xuể", ông Tâm ngao ngán.

Công nhân lắp ống cấp nước sạch phục vụ người dân Q.Thủ Đức

"Tôi cũng chưa nghe nói tăng giá nước, nhưng nếu tăng 50% thì quá cao. Ngoài tiền nước, chúng tôi còn phải trả đủ thứ phí sinh hoạt khác trong lúc việc làm ngày càng khó tìm. Như vậy thì thiệt thòi cho người dân chúng tôi quá” - ông Đào Duy Vĩnh Quý (SN 1967, ngụ đường số 2, phường Bình Trưng Đông, quận 2) than thở.

Nhà ông Quý có bốn nhân khẩu, mỗi tháng cả hộ được sử dụng 14m3. Trong nhà có hai lao động chính là ông và con gái lớn, vợ ông ở nhà nội trợ, cô út đang tuổi đi học. Với đủ loại chi phí chốn thị thành, gia đình ông phải sống rất tiết kiệm. "Mấy tháng trước điện đã tăng giá, giờ nghe nói giá nước cũng tăng, chúng tôi biết phải xoay xở thế nào mới đủ trang trải?" - vợ ông Quý buồn rầu tâm sự.

Cần điều chỉnh hợp lý

Ngày 20-1-2015, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị về đề xuất tăng giá nước. Trong cuộc họp, Hội Khoa học kỹ thuật TP bày tỏ ý kiến chưa đồng tình tăng giá nước vào thời điểm này, vì lo sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Đang rửa chén bát, nghe chúng tôi hỏi về đề án tăng giá nước sinh hoạt, bà Tư Liên (57 tuổi, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12) lo lắng: "Nước giếng ở đây không đảm bảo vệ sinh do gần khu nghĩa trang, mà nước máy thì giá quá cao so với thu nhập của người dân ở đây. Tôi bán cơm nên rất cần nước, nhưng định mức và giá tiền cao quá nên tôi chỉ dám sử dụng nước máy cho khâu nấu nướng; còn giặt giũ, tắm rửa đành dùng nước giếng".

Được biết, một trong những nguyên nhân tăng giá là do tỉ lệ thất thoát nước mỗi năm khá cao, hiện nay trên 35%. Cụ thể, với tổng công suất khoảng 1,7 triệu khối nước ngày đêm thì mỗi ngày con số thất thoát khoảng 540.000m3, lãng phí hàng tỉ đồng. "Mình luôn phải tiết kiệm từng chậu nước mà thỉnh thoảng lại thấy tình trạng bể ống nước, nước sạch chảy tràn ra đường, ngập lênh láng mà tiếc hùi hụi" - chú Bảy Tiến (64 tuổi) làm nghề chạy xe ôm trên đường Lê Quang Định (phường 14, quận Bình Thạnh) bộc bạch.

Trước khi đề án được duyệt, hầu hết người dân đều đồng tình tăng giá nước nhưng nên vừa phải, phù hợp khả năng chi trả của người lao động. Công ty cấp nước đề xuất tăng 10,5%/năm là quá cao, cần xem xét lại. Bên cạnh đó, phía Sawaco cần nghiên cứu, hạn chế tình trạng thất thoát nước xuống mức thấp nhất để tránh lãng phí.

Hương Ngọc

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang