Những nhà sáng tạo làm rạng danh người Việt

Thứ Ba, 16/02/2016 07:58

|

(CAO) Người Việt bằng trí thông minh và sự sáng tạo đã làm nên nhiều phát minh mang tầm cỡ quốc tế, được đánh giá cao cả trong và ngoài nước. Đồng thời, ứng dụng của những sáng tạo này còn mang đến rất nhiều giá trị nếu biết tận dụng tốt.

Chế tạo tàu ngầm

Chiều ngày 24-2-2014, ông Phan Bội Trân, hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu, người đã chế tạo thành công chiếc tàu ngầm mini Yết Kiêu 1 sử dụng động cơ acquy điện. Tại Thái Bình, kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa cũng tự nghiên cứu và chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa sử dụng hệ thống AIP, cách đó không lâu.

Ông Nguyễn Quốc Hòa và tàu ngầm Trường Sa trong bể thử nghiệm

Tuy nhiên, những sáng tạo này gặp phải không ít trắc trở về kinh phí, cũng như còn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Trước đây, ông Phan Bội Trân cũng đã bán các tàu ngầm mini của mình cho các công ty của Malaysia và Thái Lan để phục vụ mục đích du lịch nhưng chỉ là bán các sản phẩm chứ không phải bán công nghệ, sáng chế.

Tàu Trường Sa 1 trong một cuộc thử nghiệm khả năng hoạt động

Trong khi đó, ông Hòa khi chế tạo tahn2h công tàu ngầm Hoàng Sa và Trường Sa 1 cũng từng bất ngờ chia sẻ ông sẽ bán “những đứa con” của mình nếu Việt Nam thấy không cần thiết hoặc không sử dụng. Bởi đã có vài doanh nghiệp và doanh nhân ở nước ngoài, trong nước đề cập tới việc mua tàu ngầm Trường Sa 1, Hoàng Sa của ông.

“Hai lúa” cải tiến xe tăng, máy bay

Ông Trần Quốc Hải (SN 1960, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) là nhân vật từng gây chú ý với truyền thông trong và ngoài nước vì tài năng đáng nể trong việc chế tạo các thiết bị khoa học – công nghệ.

Trong năm 2015, ông đặc biệt được biết đến rộng rãi khi đã sửa, nâng cấp và chế tạo mới hàng loạt xe tăng cho Vương quốc Campuchia. Đồng thời, ông đã được Quốc vương Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân – danh hiệu được trao cho những người nước ngoài có đóng góp lớn đối với quốc gia này.

Ông Hải đã được Quốc vương Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân – danh hiệu trao cho những người nước ngoài có đóng góp lớn đối với quốc gia này

Ngoài chế tạo xe bọc thép cho Campuchia, ông Trần Quốc Hải (SN 1960, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã từng nghiên cứu, tự tay làm ra 2 chiếc máy bay trực thăng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những dự án này đều phải tạm hoãn và sản phẩm được ông bán cho các đơn vị nước ngoài để họ mang về nghiên cứu thêm. Tại thời điểm đó, máy bay của ông Hải đã có thể bay lên cao 2m so với mặt đất.

Mô tả về “đứa con” của mình, ông Hải cho biết, chiếc máy bay trực thăng này phải đơn giản, dễ sử dụng, ít tốn nhiên liệu và giá thành rẻ. Chẳng hạn, nếu máy bay nước ngoài có giá 1 triệu USD thì máy bay của ông chỉ khoảng 100.000 USD là đã thành công.

Động cơ chạy bằng… nước lã

Cả đời say mê với khoa học với nhiều công trình 'mang tầm vóc quốc tế' nhưng nay đã 75 tuổi, kỹ sư Vũ Hồng Khánh vẫn buồn phiền vì những công trình của ông chưa được chuyển giao, áp dụng.

Trong một khu nhà cũ kỹ dưới chân cầu Niệm (TP.Hải Phòng), có một cỗ máy đầy chú thích được viết bằng tay và ông Vũ Hồng Khánh bảo đây là máy tách oxy và hydro từ... nước.

Ông Khánh và chiếc máy tách hydro, oxy từ nước

Ông Khánh mất vài triệu để cải tiến chiếc Kia Morning của mình. Ông gắn máy tách hydro lên xe, bơm khí tách được vào động cơ đốt trong cùng với xăng để làm cho xe hoạt động. Kết quả, chiếc xe tiết kiệm được 35% nhiên liệu so với xe thông thường. Mặc dù mới dừng lại ở mức thử nghiệm nhưng "sản phẩm" này đã cho thấy tính thực tiễn từ “dự án” tách hydro từ nước của ông Khánh.

Ông Khánh cũng từng lập một doanh nghiệp tư nhân mang tên Khánh Hòa chuyên sản xuất vành xe đạp bằng dây chuyền tự động. Những năm 2000 đến 2005 là thời kỳ hoàng kim. Vành xe đạp inox Khánh Hòa không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất khẩu tới một số nước châu Á. Thế nhưng, vì nhiều lý do, doanh nghiệp của ông đã dừng hoạt động từ 5 năm trước.

Có tiền, ông đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Rồi ông chỉ vô số bằng khen, giấy chứng nhận, huy chương các loại treo trong xưởng và phòng làm việc... Tiếc rằng, theo ông Khánh, hàng trăm phát minh, đề tài của ông vẫn nằm im trong xưởng.

Những bằng khen, ảnh kỷ niệm được treo khắp tường nhà

Ông trăn trở: “Nhà nước mình chưa mạnh dạn đầu tư cho những nhà khoa học thực tiễn. Tôi hay anh Hòa (chế tạo tầu ngầm), anh Hải (chế tạo máy bay) cứ mãi say mê nghiên cứu nhưng rồi để đấy”.

Ông Khánh cho biết cũng đã có đối tác nước ngoài tìm đến ông muốn hợp tác nhưng ông đều từ chối. Ông bảo những “phát minh” của mình chỉ nên áp dụng cho nước nhà.

Bình luận (0)

Lên đầu trang