(CAO) UBND tỉnh Gia Lai đã công bố hạn hán xảy ra trong vụ đông xuân năm 2015-2016 trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro do hạn hán là cấp 1 (cấp nguy hiểm).
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai giao các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống hạn trên địa bàn; chủ động sử dụng ngân sách huyện để chống hạn, bơm tưới cho cây trồng; báo cáo tình hình hạn hán, thiệt hại do hạn hán gây ra và đề xuất hỗ trợ chống hạn, cứu đói, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do hạn hán gây ra.
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa tại khu vực bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum) chỉ đạt 50-60% so với trung bình nhiều năm. Dự báo, mùa khô năm nay ở Gia Lai kéo dài hơn 7 tháng, tình trạng hạn hán sẽ khốc liệt nhất trong vòng 18 năm trở lại đây.
Số liệu mới nhất, toàn tỉnh có 3.026 ha cây trồng bị hạn, trong đó lúa nước là 844ha, cây cà phê 1769ha, hồ tiêu 413ha, trong đó có nhiều diện tích lúa có nguy cơ mất trắng.
Những vườn cà phê ở Gia Lai héo khô vì thiếu nước - Ảnh: Chí Dũng
Đối với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, theo số liệu của Bộ NN-PTNT, diện tích cây trồng được tưới từ công trình thủy lợi chỉ đạt 30% diện tích canh tác. Hiện diện tích phải dừng sản xuất là hơn 2.800ha, trong đó Gia Lai hơn 2.650ha, Đắk Nông 215ha. Dự kiến, đến giữa tháng 3-2016, diện tích bị thiếu nước khoảng 180.000ha, tập trung nhiều ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông.
Đối với cây công nghiệp lâu năm thì cà phê bị ảnh hưởng bởi khô hạn nhiều nhất. Hiện nay có hơn 1.100ha cà phê thiếu nước tưới đợt 2 và trên 11.200ha tiếp tục thiếu nước tưới. Dự báo đến cuối vụ có trên 100.000ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán. Dự báo, trong thời gian tới sẽ còn nhiều tỉnh Tây Nguyên công bố hạn.