Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Phú: Xây tiền tỷ rồi bỏ không

Thứ Năm, 10/03/2016 13:21  | Oanh Nguyên

|

(CAO) Có kinh phí đầu tư vài tỷ đồng với cơ sở vật chất khang trang nhưng hiện nay, trung tâm dạy nghề huyện Đồng Phú (Bình Phước) vẫn đang trong tình trạng vắng bóng người học bởi thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc học tập.

Lớp học bỏ không, người học thì được đào tạo ở những nơi khác mà không phải là tại trung tâm dạy nghề đang gây ra một sự lãng phí vô cùng lớn tại đây.

Cổng chính trung tâm dạy nghề huyện Đồng Phú

Nơi đào tạo nghề bất đắc dĩ thành phòng cho trẻ học

Chúng tôi có mặt tại trung tâm dạy nghề huyện Đồng Phú vào một buổi sáng giữa tuần. Nhưng cảnh tượng đang diễn ra ở trung tâm dạy nghề huyện Đồng Phú thì hoàn toàn khác với tưởng tượng của chúng tôi.

Phòng bảo vệ không có người trực, các lớp học cửa đóng then cài, phòng giám đốc và phó giám đốc trung tâm đóng kín, duy nhất chỉ có phòng hành chính còn hoạt động với một vài nhân viên. Nhưng tuyệt nhiên không hề thấy xuất hiện bất cứ hình dáng học viên nào.

Qua ô cửa kính, bàn ghế bên trong lớp học đã được lật ngược xếp chồng lên nhau, bụi đóng kín bởi đã lâu không có người sử dụng.

Lớp học ở tầng dưới bỏ không, còn lại 3 phòng học phía trên lầu thì đang được tận dụng cho trường Mầm non Tân Phú ở gần đó mượn để giảm bớt tình trạng quá tải học sinh. Không gian lớp học bên trong khá rộng rãi nên có chừng 30 cháu đang sinh hoạt, ăn ngủ tại lớp học. Nơi vốn dĩ được sử dụng để đào tạo nghề cho người lớn thì nay, bất đắc dĩ đã trở thành chỗ vui chơi, học tập của các cháu nhỏ.

Lớp học của các học viên được tận dụng làm lớp dạy mẫu giáo

Cô Trần Thị Huyền, giáo viên trường Mầm non Tân Phú, huyện Đồng Phú hiện đang chăm sóc số trẻ tại đây cho biết, do trường Mầm non Tân Phú đang trong quá trình xây dựng thêm phòng học. Số học sinh theo học tại trường lại quá đông nên năm học này, trường phải kiến nghị với UBND huyện Đồng Phú cho mượn thêm 3 lớp từ trung tâm dạy nghề huyện để tách học sinh trong thời gian chờ đợi số phòng mới xây hoàn thành.

“Bên đấy thiếu phòng học mà bên này thì lại dư phòng. Trung tâm mở ra mà không có học viên nào nên trường Mầm non mới lựa chọn giải pháp tình thế là chuyển các cháu sang bên này học”, cô Huyền nói.

Xây tiền tỷ rồi bỏ không

Khi được hỏi về tình hình hoạt động của trung tâm, những người dân sinh sống ở quanh khu vực này cho biết, từ sau khi xây dựng đến nay, trung tâm chỉ hoạt động được một thời gian đầu rồi sau đó rơi vào tình trạng bị bỏ không.

Điều đặc biệt là họ cũng chưa từng thấy bất cứ học viên nào đến tham gia học tập tại đây.

Anh Nguyễn Văn Việt, một người dân có nhà ở phía bên kia đường đối diện với trung tâm thẳng thắn trả lời: "Trung tâm dạy nghề này đã được xây dựng trên dưới 3 năm nhưng có lẽ thời gian hoạt động gần như là không có. Hình như là chỉ xây cho có mô hình thế thôi”.

Anh cũng cho biết thêm, thời gian đầu có thấy trung tâm cho mượn hay mướn mặt bằng để tổ chức thi bằng lái xe A1. Tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian thì không hoạt động nữa và bỏ trống cho đến bây giờ.

Đồng thời lãnh đạo của trung tâm cũng đã xác nhận là chưa hề đào tạo một lớp nào tại trung tâm này.

Ông Nguyễn Thành Khang, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Phú cho biết: "Từ năm 2012 đến nay, thực chất là trung tâm chưa hề đào tạo một lớp nào tại trung tâm, nhưng tôi muốn khẳng định một câu là không đào tạo tại trung tâm không có nghĩa là không đào tạo”.

Theo lý giải của ông Nguyễn Thành Khang, thì tình trạng lãng phí này xảy ra là do trung tâm tuy đã được xây dựng cơ sở vật chất nhưng lại không có sự đầu tư đồng bộ dẫn đến thiếu trang thiết bị dạy học. Do đó, các lớp dạy nghề của trung tâm đều phải kết hợp mở tại địa phương hoặc kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo.

Ông Khang cho rằng, nhiệm vụ của trung tâm là làm sao giải quyết và nâng cao kĩ năng tay nghề cho các lao động tại địa phương với hai lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Theo như nhu cầu của người dân trên địa bàn, hoạt động dạy nghề của trung tâm ở lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là dạy cạo mủ cao su nên thường được dạy thực hành tại vườn.

Còn một số ngành nghề khác thì lại chưa có thiết bị để dạy. Vì vậy, nếu trung tâm liên kết được với doanh nghiệp có thiết bị thực hành thì mới có thể tổ chức lớp học.

Một trung tâm dạy nghề khang trang với 5 lớp học, 1 phòng thực hành nhưng lại chưa có giá trị sử dụng thực sự là một nỗi băn khoăn không hề nhỏ.

“Trung tâm cũng đã nhiều lần tham mưu cho UBND huyện Đồng Phú làm tờ trình lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội để có những giải pháp làm sao để trung tâm có trang thiết bị hoạt động. Phải có thiết bị dạy học thì trung tâm mới mở lớp tại địa điểm này. Đây cũng là nơi để người dân nhìn vào, thấy được hiệu quả thiết thực của trung tâm ngay tại địa phương vì thực ra trung tâm cũng có nhiều lớp đào tạo đã mang lại hiệu quả, nhiều lao động hoặc tự tìm được việc làm hoặc là được công ty sử dụng”, ông Khang nói.

Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Phú được chính thức hoạt động từ tháng 6-2012 với 10 ngành nghề đào tạo bao gồm cả ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong 4 năm qua, trung tâm cũng đã đào tạo được trên 2900 lao động phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, việc làm sao để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư để tránh lãng phí và nâng cao chất lượng của công tác đào tạo nghề là điều mà các cơ quan chức năng cần sớm quan tâm giải quyết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang