(CAO) Mới đây, thành phố Đà Nẵng thông qua văn bản hành chính “bảo vệ gái mại dâm” đã được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Cơ quan chức năng sở tại ở Đà Nẵng nói về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng:
“Bảo vệ gái bán dâm ở đây là những trường hợp có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục, nghĩa là bị các đối tượng khác có hành vi dụ dỗ, chăn dắt, gạ gẫm, đe dọa, ép buộc thực hiện hành vi tình dục. Bên cạnh việc đưa họ vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp thì cơ quan chức năng sẽ đấu tranh, xử lý các đối tượng bảo kê, chăn dắt theo quy định pháp luật.
Lí do để Đà Nẵng “mạnh dạn” thực hiện việc này, muốn tình trạng bảo kê, ép gái bán dâm hoạt động phải bị loại bỏ để hướng đến môi trường sống trong lành. Có nhiều lí do để gái mại dâm sa vào “con đường lầm lỗi”, nhiều người họ không muốn bán dâm, nhưng bị ràng buộc, đe dọa, ép buộc của các đối tượng bảo kê nên phải làm. Dù họ rất muốn thoát ra để trở về với cuộc sống nhưng không thể được.
Khi bị cưỡng bức, ép buộc họ có thể gọi tới số đường dây nóng hoặc báo cho cơ quan chức năng để cầu cứu, để thoát ra khỏi tình trạng bị ép buộc. Họ sẽ được đưa vào cơ sở bảo trợ 3 tháng tại thôn Lộc Mỹ, Hòa Bắc, Hòa Vang. Việc tiếp nhận này không bị coi là xử lý vi phạm hành chính. Trong thời gian đó, cơ quan chức năng sẽ xác định thân nhân gia đình và bàn giao đối tượng về sống tại cộng đồng. Đối với các trường hợp không tìm được nơi cư trú thì tổ chức dạy nghề và đề xuất giải pháp tạo nơi ở ổn định cho họ.
Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) trong một lần triệt phá tụ điểm mại dâm - Ảnh: Xuân Hoài
Văn bản này xây dựng gần 1 năm mới ban hành. Để có được sự đồng thuận của các cơ quan tư pháp là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng. Ý nghĩa bao trùm lớn nhất của cách làm này theo tôi là tính nhân văn, thành phố đã dang tay lo cho những người bị chèn ép, cưỡng bức, họ làm nghề bán dâm thì cũng là những thân phận con người cụ thể, họ bị ép buộc thì thành phố cần phải bảo vệ”.
Ông Nguyễn Hữu Chiến- Phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao và du lịch Đà Nẵng:
“Trong tình hình hiện nay, khi vấn đề nhân quyền, nhân phẩm đang được chú trọng thì pháp luật cần có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ những cô gái lầm lỡ vì tình thế hay một lí do nào đó khiến họ tìm đến việc làm gái mại dâm.
Đà Nẵng ban hành chủ trương này nhận được sự đồng tình cao, điều rất tốt cho xã hội. Khi tiếp xúc với các cô gái được đưa vào Trung tâm, nhiều người rất an tâm khi họ được bảo vệ, hỗ trợ. Cách là cách làm phù hợp đạo lý, pháp luật hiện hành.
Sau này cần luật hóa cụ thể với những trường hợp như thế này cho hợp lý. Điều đáng nói là khi đưa họ vào trung tâm thì nên có giải pháp hữu hiệu để giúp những phận đời làm lỡ có cuộc sống ổn định, có thu nhập, đào tạo công ăn việc làm để sau khi rời trung tâm họ về địa phương có công việc làm ổn định, không đi vào con đường cũ nữa.
Khó khăn là những cô gái mại dâm ở nhiều địa phương khác nhau, nên các địa phương cũng cần có cách làm tương tự như Đà Nẵng để tạo sự thống nhất, đồng thuận thì tôi tin rằng sẽ giảm thiếu tối đa những cô gái mại dâm bị xâm hại, đè nén. Từ đó, tình trạng mại dâm sẽ bớt “nóng” hơn, hạn chế tối đa những cô gái đi vào con đường lầm lỡ mà họ không hề mong muốn”.
Ông Bùi Văn Tiếng -Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật TP. Đà Nẵng:
“Vì tình thế mà nhiều cô gái làm gái mại dâm chứ không ai sinh ra mà muốn làm gái mại dâm hết. Việc Đà Nẵng “bảo vệ gái mại dâm” là việc nên làm, họ không phạm luật, nó đáp ứng được xu thế hiện nay. Gái mại dâm với khả năng bị lạm dụng, xâm hại, cưỡng đoạt ngày càng cao. Là địa phương tiên phong, Đà Nẵng cần có cách làm khéo léo, thì hiệu ứng sẽ rất lớn.
Theo tôi nghĩ việc cưu mang, bảo vệ những gái mại dâm là động tác “nhân văn”, giải pháp trước mắt, tình thế. Còn về lâu dài thì cần có biện pháp căn cơ, tạo môi trường giáo dục bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ, công bằng xã hội, tạo điều kiện để giúp chị em có đời sống khá lên thì tình trạng gái mại dâm sẽ giảm, ắt hẵn những trường hợp bị xâm hại, bị các đối tượng “bảo kê” cũng giảm theo, tạo cho môi trường sống lành mạnh, văn minh, an bình”.