Đại tá Phạm Minh Thắng nói gì về thông tin 'VTV dàn dựng cảnh phá rừng'

Thứ Sáu, 05/08/2016 05:46  | Ngọc Hà

|

(CAO) Đồng chí Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk công bố thông tin Trung tâm tin tức của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) “thuê người phá rừng, cắt ghép, dàn dựng thông tin trong phóng sự phá rừng”; VTV phủ nhận, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng bác bỏ thông tin nêu trên khiến dư luận hoang mang. Vậy sự thật là đâu?

Tối 2-8, bạn đọc và dư luận cả nước xôn xao trước thông tin Trung tâm tin tức của VTV được cho là thuê người chặt phá rừng, cắt ghép, dàn dựng cảnh phá rừng khi thực hiện phóng sự về tình trạng phá rừng ở tỉnh Đắk Lắk, phát trên kênh Chuyển động 24h của VTV1, trưa ngày 4 và 5-5-2016.

Thông tin này được các báo mạng và các trang thông tin điện tử dẫn lời phát biểu của Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó giám đốc (PGĐ) Công an tỉnh Đắk Lắk trong buổi họp báo định kỳ, do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đại tá Phạm Minh Thắng thông tin về vụ việc tại buổi họp báo chiều 2-8

Nội dung các báo thông tin: Theo đại tá Thắng, 4 người trong phóng sự gồm: Vũ Dũ Dinh, Sùng Thị Mao, Giàng Thị Xá, Vàng A Tu (đều là người Mông, ở xã Ea Đáh, huyện Krông Năng) khai với cơ quan điều tra: Họ “được phóng viên VTV đến nhà thuê chặt, phá cây rừng để quay phim, sau đó được trả 600.000 đồng”.

Vậy nhưng, chỉ 1 ngày sau đó, VTV phản hồi, cho rằng, thông tin trên không chính xác, làm ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của họ. Nhóm PV VTV còn dẫn lời phát biểu và clip buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk trong ngày 3-8. Theo đó, ông Nguyễn Tuấn Hà phủ nhận nguồn thông tin trên, đồng thời ghi nhận hiệu quả phóng sự của VTV.

Ngày 4-8, PV Báo CATP liên lạc với Đại tá Phạm Minh Thắng để làm rõ sự việc. Ông cho biết, báo chí chỉ nêu một phần thông tin, gây hiểu lầm trong dư luận. Cùng đó, Công an tỉnh Đắk Lắk gửi cho PV Báo CATP toàn văn bản do cơ quan CSĐT Công an tỉnh soạn thảo, báo cáo cấp trên về vụ việc từ phóng sự của VTV. Văn bản này, Đại tá Thắng đọc tại buổi họp báo chiều ngày 2-8, nội dung như sau:

- “Sau khi phóng sự Chuyển động 24h phát trên kênh VTV1, trưa ngày 4 và 5-5-2016, phản ánh tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ trái phép, trong đó có sự tiếp tay, bảo kê, nhận tiền của các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn các huyện Krông Năng, Ea Hleo, Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Sup; Công an tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng, công an các địa phương có liên quan, kiểm tra, làm rõ các thông tin phản ánh trong phóng sự.

+ Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, làm ổn định tình hình trong quần chúng nhân dân.

+ Qua điều tra, xác minh phóng sự nêu trên, thấy có một số nội dung phản ánh không đúng, không khách quan và có sự cắt ghép, dàn dựng của phóng viên khi tác nghiệp”.

Văn bản cũng khẳng định, sau khi phóng sự đưa tin, từ ngày 6-5-2016, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, phát hiện hàng chục vụ phá rừng, bắt, xử lý 60 đối tượng, thu giữ nhiều phương tiện như: ô tô, xe máy, máy cày tự chế cùng ngàn mét khối gỗ các loại…

Đây là những thông tin ban đầu của cơ quan điều tra về vụ việc. Tại buổi họp báo, trước các câu hỏi của PV, Đại tá Thắng đã nêu tên những người dân ở xã Ea Đáh khai với với cơ quan Công an, được nhóm PV của VTV đến đặt vấn đề, thuê họ ra rẫy chặt, phá cây rừng để quay phim. Có lẽ, do một số báo không nêu đủ thông tin về toàn bộ bản báo cáo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Công an dẫn đến sự hiểu lầm như trên.

Câu chuyện “nửa ổ bánh mì…”

Ngày 3-8-2016, PV Báo Người lao động về thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) - nơi có cảnh quay trong phóng sự phá rừng của “Chuyển động 24h”, gặp ông Vũ Dũ Dinh, người trực tiếp hạ cây trong phóng sự.

Ông Dinh cho biết: Khoảng tháng 4-2016, ông đang ở nhà thì có 2 người đàn ông, 1 người phụ nữ xưng là nhà báo đến quay phóng sự. Họ có đặt vấn đề nhờ ông và một số người dân chặt hạ cây rừng để quay cảnh phá rừng. Khi ông Dinh nói không có cưa thì họ bảo ông đi mượn. Khi ra đến khu vực nương rẫy cạnh bìa rừng, họ chỉ tay về khu rừng nguyên sinh bảo ông sang bên kia chặt. Ông Dinh nói rừng bên kia là rừng bảo tồn (rừng phòng hộ huyện Krông Năng - PV) không được chặt thì họ tiếp tục nói sang đó mới có cây to.

Ông Dinh từ chối vì sợ bị bắt về tội phá rừng, họ lại nói ông cưa một cây trong khu nương rẫy. Do lưỡi cưa bị cùn nên ông phải lấy rìu chặt và họ quay lại, phát lên truyền hình. “Cháu tôi 10 tuổi họ cũng bảo vác rìu đi theo chặt cây. Sau khi thực hiện xong, vợ chồng tôi được họ đưa cho 500.000 đồng, còn đứa cháu 100.000 đồng”. – ông Dinh kể.

Xem lại toàn bộ phóng sự 2 kỳ của “Chuyển động 24h”, chúng tôi thấy họ làm khá tốt, hiệu quả, bởi thực tế, tình trạng phá rừng tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, gây nhức nhối dư luận lâu nay, ngành chức năng chưa giải quyết triệt để, gây bức xúc trong dư luận. Việc VTV có dàn dựng hình ảnh một đoạn phóng sự hay không? Vì mục đích gì? Việc này đang được điều tra làm rõ.

Có câu “một nửa ổ bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không là sự thật”. Mong rằng, những nguồn tin đến với bạn đọc và dư luận qua kênh báo chí luôn được phản ánh trung thực và đầy đủ, khách quan để mỗi nguồn tin đều chứa đựng trong lòng “nó” những giá trị, ý nghĩa nhất định. Đó vừa thể hiện cái tâm vừa là trách nhiệm của người làm báo.

VTC1 (kênh truyền hình kỹ thuật số) và VTV3 từng làm khán giả cả nước thất vọng vì những clip bị tố dàn dựng, như vụ “cây chổi quét rau” (tháng 4-2016), “cá chết sau 2 phút bơi ở nước biển Vũng Áng” (tháng 5-2016), mà thực tế, đằng sau đó là một câu chuyện có thực, nhức nhối đến phẫn nộ, đau lòng! Tiếc rằng, chỉ vì cần những thước phim, hình ảnh sống động để minh họa đã làm hỏng cả ý nghĩa của ê-kip thực hiện phóng sự.

Liệu rằng lần này “Chuyển động 24h” có thoát nghi án dàn dựng một số đoạn clip như người dân tố cáo? (Nếu có), cũng không thể vì điều này mà phủ nhận hoàn toàn phóng sự dài kỳ của “Chuyển động 24h” về tình trạng phá rừng ở Đắk Lắk. Nhưng làm thế thì thật khó chấp nhận, làm giảm uy tín của nhà đài.

Sáng 5-8, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Vụ việc hiện Công an tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương làm rõ để báo cáo Bộ Công an theo chỉ đạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có kết quả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang