(CAO) Chiều 28-8, UBND TP.Đà Nẵng đã có buổi làm việc liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà và rà soát tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà. Chủ trì lần này là ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đại diện nhiều ban, ngành và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tham gia đóng góp ý kiến.
Được biết, hiện Khu bảo tồn thiên nhiên Bán đảo Sơn Trà có tổng cộng 18 dự án của 10 nhà đầu tư. Hiện có nhiều dự án ảnh hưởng đến anh ninh quốc phòng. Đối với những dự án này, chắc chắn phải cắt giảm để phù hợp. Ngoài ra, một số dự án nằm trong các vị trí nhạy cảm về phòng thủ cũng sẽ được đưa ra khỏi quy hoạch, cắt giảm.
Trước đây, quy hoạch chấp nhận cho xây dựng ở bình độ từ 200 m trở xuống. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, thành phố có đề nghị giảm bình độ xây dựng từ 100 m trở xuống. Riêng bình độ từ 100 m đến 200 m, thành phố chấp nhận cho làm du lịch nhưng không được xây dựng các công trình kiên cố.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện việc rà soát các dự án trên bán đảo Sơn Trà tương đối hoàn thành. Thành phố đã rất cầu thị, mong muốn điều tốt nhất đối với Sơn Trà. Một trong những vấn đề dư luận quan tâm, có thông tin cho rằng, trong quy hoạch trước đây, các dự án ở Sơn Trà chấp nhận cư trú, tức xây biệt thự và bán cho tư nhân để ở.
Lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã có buổi làm việc liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà và rà soát tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà. Riêng về vấn đề này, ông Tuấn khẳng định, quan điểm hiện tại của thành phố là chỉ chấp nhận việc lưu trú chứ không chấp nhận cư trú. Ông Tuấn cũng cho biết, thành phố rất quan tâm đến yếu tố đa dạng sinh học. Các khu vực có nhiều vọoc chà vá, các loại thảo dược, cây quý… cũng sẽ không được xây dựng. Ngoài ra, các khu vực là rừng đặc dụng chắc chắn không được xâm hại dù bất kì dưới hình thức nào.
Theo ông Tuấn, theo quy hoạch trước đây, tại bán đảo Sơn Trà sẽ có rất nhiều phòng lưu trú. Với quan điểm mới này, thành phố sẽ yêu cầu giảm rất nhiều phòng. Riêng số lượng phòng bao nhiêu sẽ được xây dựng hiện giờ chưa thể xác định được, phải chờ ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng…
Thời gian vừa qua, vấn đề bán đảo Sơn Trà đang phải đối mặt với bê tông hóa, bị các công trình xây dựng phục vụ du lịch không phép “băm nát” khiến người dân Đà Nẵng bức xúc, dư luận hết sức quan tâm… Bán đảo Sơn Trà Nằm về phía Đông Bắc thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp vịnh Đà Nẵng thuộc vành đai biên giới biển Việt Nam, phía Đông Bắc và Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây Nam giáp đất liền. Bán đảo Sơn Trà hội tụ đủ ba yếu tố về hệ sinh thái đặc biệt, vị trí quốc phòng an ninh trọng yếu và tiềm năm phát triển kinh tế…
Trong Mục 2 Điều 1 Quyết định 2163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ: Quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà hướng tới mô hình khai thác hợp lý tài nguyên rừng và biển, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và phòng chống thiên tai. Và ngày 09-11-2016 Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển Khu du lịch Quốc gia (DLQG) Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số: 2163/QĐ-TTg.
Quy hoạch do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch nghiên cứu, xây dựng. Theo đó, mục tiêu phát triển là đến 2030 Khu DLQG Sơn Trà thành trung tâm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia..
Thời gian qua, vấn đề bán đảo Sơn Trà đang phải đối mặt với bê tông hóa, bị các công trình xây dựng phục vụ du lịch không phép “băm nát” khiến người dân Đà Nẵng bức xúc, dư luận hết sức quan tâm…
Chỉ tiêu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt du khách (khách lưu trú 180.000 lượt); đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt du khách (khách lưu trú 300.000 lượt); hình thành các Trung tâm, cụm Dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp quy mô đến năm 2030 có khoảng 1.600 phòng khách sạn...
Theo dự báo đến năm 2020 Sơn Trà có thể đón được 450 ngàn lượt khách và đến năm 2030 sẽ đón được 1,4 triệu lượt khách và khách lưu trú đạt khoảng 20% vào năm 2020 và trên 25% vào năm 2030...