​Vượt qua bóng tối - Bài 2: Lấy quá khứ tội lỗi làm động lực

Thứ Sáu, 24/11/2017 10:48  | Mỹ Thanh - Trung Hiếu

|

Lần đầu gặp anh, chúng tôi rất ấn tượng. Ngay từ khi bắt chuyện, anh kể vanh vách những lần “vào tù, ra tội” của mình mà không dè chừng hay giấu diếm. Sự thẳng thắn ấy khiến anh thật đặc biệt. Anh nói: “Nếu không nhìn chính diện vào lỗi lầm mà mình đã gây ra thì làm sao có thể đứng lên một cách vững vàng được”. Một Nguyễn Đức Dưỡng (SN 1971, quê Hà Nam, ngụ phường 12, quận Gò Vấp) của ngày hôm nay đã minh chứng cho điều đó.

Dám nhìn thẳng vào sự thật

Dẫu mới gặp nhau lần đầu nhưng anh Dưỡng khiến chúng tôi không có chút cảm giác xa lạ. Thật không dễ có người nào lại kể về quá khứ lầm lỗi bằng một giọng hóm hỉnh đến vậy. Anh cười xòa: “Có gì phải giấu chứ, mình làm thì mình nhận thôi, quan trọng là chúng ta đã vượt qua điều đó như thế nào?. Thế rồi, chúng tôi bị cuốn hút vào câu chuyện về đời anh, về những lần vấp ngã.

Anh Nguyễn Đức Dưỡng của ngày hôm nay

Tuổi trẻ cơ cực và bốc đồng nên năm 17 tuổi, anh quyết định rời quê hương vào Huế để tìm đường vượt biên sang nước ngoài. Trong lúc loay hoay tại một địa điểm chuẩn bị sang Thái Lan để tìm đường sang Mỹ, anh bị lực lượng Công an bắt giữ. Lần thứ nhất, anh bị thụ án vì tội “Xuất nhập cảnh trái phép” với mức tuyên phạt 1 năm tù giam tại nhà lao Thủ phủ Huế. Sau khi ra trại, anh quay về Hà Nội để kiếm kế sinh nhai. Không có gì trong tay nên anh Dưỡng đối mặt không ít khó khăn. Đang trong cơn túng quẫn, nghe lời bạn bè rủ rê, anh tiếp tục sa vào lưới pháp luật lần 2 với tội danh “Buôn bán hàng quốc cấm”. Thêm một năm trong nhà tù Hỏa Lò, anh Dưỡng bắt đầu nhận ra mình đã đi sai đường khi cố kiếm sống bằng con đường phạm pháp.

Sau lần ấy, anh quyết chí vào Nam tu chí làm ăn. Anh thuê nhà ở phường 12, Gò Vấp để mở quầy bán thịt. Khi đó, anh gặp được cô gái hết lòng thương yêu mình nên đã tiến tới xây dựng gia đình và sinh ra hai đứa con kháu khỉnh. Nhưng do cuộc sống còn quá bấp bênh nên hai con đã được gởi về quê để ông bà chăm sóc hộ. Những tưởng mọi thứ sẽ dần đi vào quỹ đạo, ngờ đâu, hoàn cảnh đưa đẩy, anh Dưỡng lại tiếp tục chịu cảnh giam cầm lần thứ 3. Anh nhớ lại, năm 1997, khi anh đang bán hàng thì có 3 thanh niên đến hỏi mua. Chúng đòi hỏi đủ kiểu, trả treo để gây sự nên anh Dưỡng đã quyết không bán hàng. Chúng chửi bới ầm ĩ trước khi bỏ đi. Nhưng sau đó, chúng bất ngờ quay trở lại, cầm theo hung khí ập chém anh. Bị thương ở tay, anh chạy vào nhà để trốn nhưng chúng vẫn không tha. Khi lâm vào bước đường cùng, anh đã cầm dao để chống cự. Chẳng may, anh đã gây thương tích cho một đối tượng dẫn đến tử vong. Hôm anh bị bắt, nhìn thấy vợ khóc, anh mới có cảm giác đau, dẫu đây không phải là lần đầu anh rơi vào vòng lao lý.

Tòa tuyên án 15 tháng tù giam về tội “giết người do vượt quá mức giới hạn phòng vệ chính đáng” và anh bị đưa đến trại giam Chí Hòa để thụ án. Những ngày tháng ngồi trong 4 bức tường lạnh, anh càng thấm thía nỗi cô đơn và mặc cảm về cảnh tù tội. Anh tự hứa với lòng, sau khi ra trại sẽ cố gắng làm người tử tế.

Anh tự hứa với lòng, sau khi ra trại sẽ cố gắng làm người tử tế.

Trở thành một doanh nhân thành đạt

Ngày trở về, anh Dưỡng chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng. Nhưng đến giờ khi nhớ lại những gì đã qua, anh vẫn thầm biết ơn người vợ hiền đã luôn ở bên cạnh động viên trong lúc anh rơi xuống tận đáy xã hội. Vì thương vợ và hai con, anh Dưỡng quyết chí làm lại từ đầu.

Không có vốn trong tay nên anh đã vay mượn người thân mỗi người chút đỉnh để khởi nghiệp. Mỗi ngày, anh đạp xe cả trăm cây số về các tỉnh miền Tây để lấy mối dê lên thành phố bán. Vì hàng tươi ngon, khách hàng mua nhiều nên anh Dưỡng gom góp được chút vốn. Hơn nữa, nhờ sự giao tiếp khá tốt nên mối lái của anh tăng dần lên. Anh bắt đầu bỏ hàng cho các nhà hàng trên địa bàn thành phố. Khi mọi thứ dần ổn định, hai vợ chồng bàn nhau mở quán để kinh doanh các món ăn về dê.

Sau khi được sự ủng hộ từ gia đình, anh thuê một mảnh đất nho nhỏ trong con hẻm thuộc đường Tân Sơn, phường 12, Gò Vấp để cất quán mái lá. Sẵn tay nghề nấu lẫu dê rất ngon nên “tiếng lành đồn xa”, quán anh ngày càng đông khách. Sự thuận lợi trong công việc đã giúp anh có điều kiện mua một lô đất bên cạnh, xây một nhà hàng lẫu dê hoành tráng mang tên Đức Dưỡng.

Anh Dưỡng không quên chia sẻ: “Từ khi ra trại, được cái là bà con xung quanh khu phố rất vui vẻ và hòa đồng; chính quyền địa phương rất quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện giúp tôi thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn và có được thành quả như ngày hôm nay”.

Đã là ông chủ của hai nhà hàng lớn với mấy chục nhân viên, nhưng anh Dưỡng chưa bao giờ chối bỏ quá khứ của chính mình

Đã là ông chủ của hai nhà hàng lớn với mấy chục nhân viên, nhưng anh Dưỡng chưa bao giờ chối bỏ quá khứ của chính mình. Đi lên từ bộn bề khó khăn nhưng khi trở thành người thành đạt, anh lại sống rất giản dị và tìm cách giúp đỡ bà con ở quê nghèo Hà Nam. Anh đưa một số thanh niên chưa có việc làm vào thành phố để dạy cách nấu lẫu dê. Khi có trong tay cái nghề, họ đã tự lập và mở quán kinh doanh. Điều khiến anh hạnh phúc nhất là hiện đã có đến 60 học trò lập nghiệp thành công với 60 nhà hàng lẫu dê trên cả nước. Đáng quý nhất là các em đã lấy tên lót Đức của anh để đặt tên cho các nhà hàng nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với người thầy của mình.

Nhận được sự giúp đỡ về mặt tinh thần từ chính quyền địa phương dành cho người vừa mới ra trại từ những ngày đầu nên khi cuộc sống khấm khá, anh Dưỡng đã chung tay góp sức với chính quyền bằng các hoạt động thiện nguyện. Nhiều phần quà cho các cụ già, em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương đã được anh hỗ trợ bằng cả tấm lòng. Không chỉ thế, anh còn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia những chuyến từ thiện trao quà cho các bà mẹ VNAH ở các tỉnh và là thành viên trong Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Ngoài đóng góp cho các chương trình từ thiện, anh còn theo đoàn vào tận các bệnh viện để tặng quà cho các em đang phải đối mặt với bệnh tật. Đối với anh, chỉ khi mình biết sẻ chia thì cuộc sống mới ý nghĩa và trọn vẹn.

Chút lắng lòng nhìn lại những gì đã qua, anh Dưỡng bộc bạch: “Tôi muốn khuyên các bạn trẻ hãy tránh xa những điều sai trái, không nên làm những việc vi phạm pháp luật để phải trả giá đắt. Hãy cố gắng sống tốt bằng những công việc lương thiện”.

Theo anh Dưỡng, cho đến giờ, vinh dự lớn nhất của cuộc đời anh không phải là có nhiều tiền, mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn có người vợ hiền và hai con ngoan bên cạnh. Khi nhắc đến gia đình và thành quả của ngày hôm nay, ánh mắt anh sáng rỡ, anh thủ thỉ: “Có lẽ ông trời còn thương tôi”.

Đại úy Huỳnh Văn Tài - Cảnh sát khu vực khu phố 15, phường 12, Gò Vấp cho biết: “Hiện trên địa bàn có 9 người tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND quận Gò Vấp, UBND và Công an phường 12 về việc triển khai NĐ 80/2011/NĐ-CP sâu rộng vào đời sống người dân, trong vai trò là một cảnh sát khu vực, tôi luôn hỗ trợ những người lầm lỡ bằng những việc làm thiết thực. Ngoài thường xuyên thăm hỏi, động viên giúp họ vượt qua mặc cảm tội lỗi, tránh tái phạm tội, tôi chủ động giúp đỡ và hướng dẫn làm thủ tục, đăng ký hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân cho người vừa chấp hành xong án phạt tù, hướng dẫn làm thủ tục xóa án tích có đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Trong những trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ đề xuất lên cấp trên nhằm tạo điều kiện vay vốn, tìm việc làm giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Đây chính là giải pháp góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, xây dựng phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn mà mình quản lý. Đến nay 9 người đều đã hoàn lương, có công ăn, việc làm ổn định, chấp hành pháp luật, trong đó anh Nguyễn Đức Dưỡng là một điển hình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang