Người thân, bạn bè, bà con lối xóm rồi cả chính quyền địa phương liệu có đủ bao dung, giúp họ hòa nhập vào cộng đồng hay sẽ nhìn họ bằng một ánh mắt miệt thị, khinh rẻ dành cho một người phạm tội?... Không ai khác ngoài họ có thể trả lời. Bởi điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính cách sống mà họ lựa chọn, nhất là khi họ còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ khi trở về địa phương. “Nếu như có lòng tin vào tương lai tốt đẹp thì bạn phải vượt qua quá khứ đen tối của chính mình và cố gắng sống thật ý nghĩa ở hiện tại”- một nhân vật mà chúng tôi gặp đã dốc cạn lòng mình bộc bạch như thế.
* Là một trường hợp khá đặc biệt trong số các nhân vật mà chúng tôi tìm gặp, bà Lê Thị Thúy Vinh (tên gọi khác là Thủy, SN 1949, ngụ phường 9, quận 3) vẫn còn nặng mang nhiều tâm sự về một quá khứ buồn. Cuộc nói chuyện ngay từ lúc bắt đầu đã đầy nước mắt, dẫu nay bà đã trở thành bà chủ của một khách sạn kinh doanh khá tốt trên địa bàn quận 3.
Thụ án vì tội từ trên trời rơi xuống
Vượt qua những tháng ngày bôn ba, cơ cực, bà Vinh đã có một cơ ngơi ổn định và nuôi dạy hai con khôn lớn, trưởng thành. Do có căn nhà mặt tiền ở quận 3 nên bà đã cho một công ty xây dựng thuê tầng trệt để kiếm thêm nguồn thu nhập. Bà Vinh nhớ lại, lúc đó là năm 2000.
Bà Lê Thị Thúy Vinh vẫn còn nặng mang nhiều tâm sự về một quá khứ buồn
Sau khi dọn dẹp nhà cửa xong, bà thường xuống phòng khách Cty ngồi chơi cho khuây khỏa. Rồi tai họa bất ngờ giáng xuống đầu mà bà không hề hay biết. Nhiều lần khách đến Cty, vì không gặp được ông giám đốc nên nhờ bà Vinh nhận tiền giúp. Bà cũng nghĩ đơn giản nên nhiệt tình nhận thay mà không nề hà gì cả. Sau những lần đó, bà đều chuyển tiền đến tận tay cho ông chủ Cty.
Đùng một cái, năm 2005, ông giám đốc bị bắt vì tội “Tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả, trốn thuế”. Bà Vinh chưa kịp tin vào sự thật này thì bàng hoàng hơn khi bà lại trở thành đồng phạm. Bà khóc: “ Lúc ấy, tôi thấy đất trời như sụp đổ, vì tôi chỉ cho thuê nhà và nhận tiền giúp chứ có liên quan gì đến Cty đâu”.
“Tình ngay lý gian”, các lời khai lúc đó đều xác nhận bà Vinh chính là người đứng ra nhận tiền cho Cty lên đến 800 triệu đồng. Phiên tòa diễn ra khiến bà Vinh xé lòng. 9 năm tù và phải chịu bồi thường một số tiền thiệt hại (khoảng 400 triệu đồng) là mức án dành cho bà. Bà một mực kêu oan và kháng cáo. Cuối cùng, Tòa đã tuyên giảm án còn 7 năm tù giam.
Nỗi đau không biết tỏ cùng ai, bà giấu nước mắt vào trại giam Chí Hòa thụ án. Ngày ấy, nhìn hai đứa con, ruột gan bà như ai cào, ai xé. Gia đình hoàn toàn suy sụp vì tin dữ. Lúc đó, bà Vinh nghĩ: “Sự tủi nhục vì cảnh tù tội sẽ còn ám ảnh suốt cuộc đời bà”.
2 năm trong trại, được sự giúp đỡ, động viên của Ban giám thị, bà đã phấn đấu cải tạo tốt. Chính nỗ lực hết lòng của bà cộng thêm việc bồi thường thiệt hại theo bản án đã giúp bà nhận được lệnh đặc xá sớm hơn so với mức án đã tuyên.
Tháng 8-2007, bà Vinh rời khỏi cánh cổng trại giam trở về với cuộc sống đời thường vẫn nguyên vẹn nỗi mặc cảm. Dù rằng, trước khi rời khỏi nơi này, bà đã nhờ quản giáo cho gặp lại ông giám đốc Cty chỉ để hỏi ông 1 câu thôi, nhưng lần đối mặt ấy, bà có thể làm gì khác khi ông ta nắm chặt tay bà rồi nói “Chị ơi, cho em xin lỗi”.
Người phụ nữ có tấm lòng nhân ái
Lau vội những giọt nước mắt, bà Vinh nhớ lại, trong quá trình thụ án, dự án xây dựng Trường dạy nghề tư thục tại ngã tư Bình Thái mà bà đang theo đuổi bị đổ vỡ giữa chừng. Bao nhiêu công sức, tiền của mất trắng. Nhưng cái đó đối với bà cũng không đau bằng bị hàng xóm dè bĩu, làm ngơ, thậm chí xa lánh. Khoảng thời gian này, bà không cho phép mình ngã gục, dẫu nỗi đau vẫn âm ỉ trong lòng. Còn được một số vốn liếng từ việc bán đất và vay mượn thêm, đặc biệt là nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của gia đình khách sạn Hương Mai- bạn thân chí cốt, bà bắt đầu lại mọi thứ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã luôn động viên, tạo mọi điều kiện để giúp bà vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Một khách sạn 7 tầng mang tên Hồng Anh được mọc lên kiên cố đều do một tay bà quản lý, cáng đáng hết mọi việc.
Những cố gắng của bà đã được đền bù xứng đáng
Ngày qua ngày, bà cố gắng tìm niềm vui trong công việc. Nhờ vào nguồn động lực tinh thần từ hai con, bà tạm quên quá khứ để sống tốt ở hiện tại. Khách sạn “ăn nên, làm ra”, chẳng mấy chốc bà lại có của để dành. Cũng trong khoảng thời gian này, bà không còn sống cho riêng mình nữa. Cứ thấy ai khổ bà đều thương và sẵn lòng biếu ít tiền. Đến UBND và Công an phường 9, quận 3 hỏi thăm về bà Vinh thì ai cũng biết. Bởi bà thường xuyên hỗ trợ chính quyền địa phương chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, Tết.
Bà thủ thỉ tâm sự: “Giờ tôi đã lớn tuổi, không còn đủ sức để đến những nơi xa trao quà tận tay cho những trường hợp khó khăn, chỉ mong gởi đến chút món quà nhỏ cho họ để ấm lòng nhau ấy mà”.
Không chỉ hỗ trợ cho người dân tại địa phương, cứ nghe đâu có hoàn cảnh khốn khó, bà đều vui vẻ ủng hộ, ít thì 500 ngàn, nhiều thì 5 triệu. Bà cũng hay cúng dường cho các ngôi chùa ở thành phố. Ngoài ra, bà còn nhận một số người có hoàn cảnh vào khách sạn làm việc. Cách đây không lâu, bà đã gởi 20 triệu đồng để giúp cho một người dân miền Trung bị sập nhà vì thiên tai. Cứ đều đặn mỗi năm, bà làm từ thiện khoảng hơn 30 triệu đồng. Đó chính là lý do vì sao, chúng tôi quan sát thấy bà nhận nhiều giấy khen của chính quyền địa phương vì đã tích cực tham gia, hỗ trợ trong công tác an sinh xã hội đến vậy. Năm 2015, bà còn được biểu dương “người tốt, việc tốt” tiêu biểu trên địa bàn.
Những cố gắng của bà đã được đền bù xứng đáng. Giờ xung quanh đều biết đến “bà Thủy”- chủ khách sạn hay làm từ thiện, hàng xóm không còn nhìn bà bằng ánh mắt ái ngại như trước nữa, thay vào đó là sự thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Có được ngày hôm nay, ngoài sự vươn lên từ nghịch cảnh của bản thân, sự tiếp sức của gia đình, bạn bè, bà Vinh bảo, còn là nhờ vào sự quan tâm rất lớn của chính quyền địa phương vì đã thường xuyên động viên, an ủi, đồng thời tạo điều kiện giúp bà ổn định lại cuộc sống.
Cho đến khi kết thúc câu chuyện, mắt bà Vinh vẫn còn đỏ hoe.
Theo trung tá Trần Văn Sái - Đội phó Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an quận 3: “Thời gian qua, việc triển khai nghị định 80/2011/CP (quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù) đã được tuyên truyền sâu rộng đến từng phường, khu phố, tổ dân phố và người dân, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, chính quyền địa phương đã tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn bằng những việc làm thiết thực như: thăm hỏi, động viên, liên hệ các cơ sở kinh doanh, sản xuất giới thiệu việc làm, giải quyết những khó khăn vướng mắc của từng người tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Nhờ công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa phương đã giúp họ vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống và thành người lương thiện, góp phần tích cực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Theo đó, Quận 3 đã giúp đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho 75 trường hợp, hỗ trợ tư vấn cho gia đình người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 532 trường hợp, hỗ trợ vay vốn làm ăn là 23 trường hợp. |