Mảnh đời bất hạnh:

Nghịch cảnh xót xa của nam thanh niên bị điện giật hỏng đôi tay

Thứ Sáu, 23/09/2016 11:10

|

(CAO) Không nghề nghiệp, không tiền bạc, chi phí thuốc men hằng ngày là những nổi ám ảnh đối với chàng trai có cái tên Thành Đạt. Ông bà đặt tên với mong muốn cuộc sống đứa cháu sẽ thăng tiến, thành công trong đường đời. Thế nhưng cuộc đời của chàng trai này lại hoàn toàn trái ngược.

Anh Nguyễn Thành Đạt

Từ thuở sơ sinh, Nguyễn Thành Đạt (SN 1991, huyện Ba Tri – Tỉnh Bến Tre) đã không được như những người cùng trang lứa. Cha mất sớm, mẹ bỏ đi khi Đạt chưa tròn 1 tuổi, Đạt lớn lên nhờ một tay ông bà ngoại nuôi dưỡng. Học hành được đến lớp 8, Đạt phải nghỉ ngang đi tìm việc làm vì sức khỏe ông bà ngày càng yếu.

Năm 21 tuổi, sau khi trải qua 7 năm lăn lộn với cuộc mưu sinh bằng nghề lặt vặt. Đạt xin được một công việc có vẻ khả quan hơn là thi công lắp ráp bảng hiệu quảng cáo; hy vọng cuộc sống ông bà ngoại và chính bản thân mình sẽ khá hơn, Đạt hăng say lao động không ngại đường xa và khó khăn.

Sau lần tai nạn lao động khi gia cố dàn khung sắt, Đạt bị điện cao thế phóng xuống người khiến liệt cả hai tay

Nhưng rồi ngày định mệnh cũng đến! Sáng một ngày trung tuần tháng 9-2012, Đạt từ nhà tại huyện Ba Tri lên Trung tâm Tỉnh Bến Tre thi công lắp ráp bảng hiệu quảng cáo trên nóc của nhà tiền chế. Khi gần lắp ráp xong, Đạt cầm một thanh sắt để gắn tiếp vào khung nhằm gia cố bảng thì bất ngờ bị điện cao thế phòng vào người, khiến Đạt té từ nóc nhà xuống đất.

Người dân xung quanh thấy phỏng nặng nên đã dội nước vào vết thương và đỡ lên xe lôi đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (H.Ba Tri). Tại bệnh viện, vết thương của Đạt quá nặng khi hai tay bị co rút cơ, cháy nặng và hoại tử nhiều; nên được chuyển tiếp lên bệnh viện tuyến trên - bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau khi sự cố xảy ra, nhà thầu đến thăm và gửi cho hơn 20 triệu lo viện phí. Nhưng chi phí đó không đủ khi nằm 2 tháng trong khoa Phỏng tại bệnh viện Chơ Rẫy. Đang lo lắng không biết phải làm sao để có tiền uống thuốc thì Đạt được những mạnh thường quân làm từ thiện nên đủ để trang trải viện phí.

Giặt quần áo phải dùng chân, bàn tay còn lại các ngón không còn hoạt động được sau lần phỏng điện

Nỗi đau về tinh thần và thể xác của Đạt càng nặng nề hơn khi ông bà ngoại lần lượt ra đi. Từ bệnh viện trở về nhà trong đêm. Sáng hôm sau, bà ngoại vẫn khỏe mạnh đi chợ, đến lúc về thấy cháu mình chỉ còn một cánh tay, bàn tay còn lại nhăn nhúm, biến dạng.

Bà lên cơn tăng xông té xỉu và được đưa lên bệnh viện tỉnh Bến Tre nhưng chỉ hai ngày sau thì qua đời. Người Ông sau 2 năm nằm tại chỗ do tai biến cũng mất theo bà sau 6 tháng.

Lo tang sự cho ông bà xong, Đạt bơ vơ không biết nương nhờ nơi đâu. Cha mẹ không có, ông bà thì mất, cậu mợ thì gia cảnh khó khăn. Đạt đến chùa Huệ Phước – nơi mà người dân thương biết đến là “chùa cô Tư tóc dài” để xin ở tạm.

Báo Công an TP.HCM gửi quà và động viên anh Nguyễn Thành Đạt

Việc ăn uống hằng ngày, thao tác của Đạt cũng rất khó khăn khi phải dùng muỗng cán dài dích từng chút để ăn. Quần áo mặc hằng này cũng phải dùng chân đạp và nhờ người phơi dùm. Thuốc men thì những ngày đầu mới về còn uống thường xuyên. Nhưng 4 năm nay, Đạt chỉ dùng thuốc khi trái gió trở trời để giảm đau nhức.

“Thầy cho ở chùa cũng chỉ một thời gian thôi, cũng muốn kiếm cái làm nhưng giờ mất cả hai tay nên không làm được cái gì. Nguyện vọng bây giờ là mong muốn gắn được cái tay giả để đi ra ngoài hòa nhập với cộng đồng. Kinh phí lắp ráp khoảng 120 triệu đồng, lúc mà có được tay giả, tôi sẽ đi bán vé số dạo kiếm sống qua ngày. Cũng từng có nhiều mơ ước lắm, nhưng tất cả chỉ còn lại trong giấc mơ hằng đêm thôi….”, Đạt ngậm ngùi chia sẻ.

Mọi sự đóng góp xin gửi về Nguyễn Thành Đạt, chùa Huệ Phước (chùa Cô Tư tóc dài) - ấp 4, xã Bình Thành, thị trấn Giồng Trôm, Tỉnh Bến Tre. Số điện thoại: 0986132652

Hoặc Ban Bạn đọc - Báo Công an TP. Hồ Chí Minh - Số 110 đường Nguyễn Du, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang