Trong đó, người chị cả Đỗ Thanh Hiếu (sinh 1983) và Đỗ Thanh Vy (sinh 1994) khi sinh ra chỉ có thể nằm một chỗ, chân, tay đều teo tóp… được người mẹ già bền bỉ chăm sóc các con hơn 30 năm qua để giành giật lấy sự sống từng ngày…
Nhưng nỗi đau vẫn ập đến, người con trai duy nhất đã chết, đến nay chỉ có Đỗ Thị Thanh (sinh 1992) còn khỏe mạnh hơn và được học hành…Đó là gia cảnh vô cùng thương tâm của bà Nguyễn Thị Thẩm, 60 tuổi, ở xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Đến thăm gia đình bà vào những ngày hè oi ả này, trong ngôi nhà cấp bốn phải vay mượn tiền để xây dựng nên, nhờ vậy mới có chỗ che mưa che nắng. Ngôi nhà nay đã xuống cấp trầm trọng, cứ trời mưa là những chiếc xô, chậu trong nhà đều được huy động để hứng nước dột ngay trên đầu giường…kế bên là căn phòng nhỏ, nơi mà Hiếu và Vy luôn nằm bên nhau từ ngày sinh ra đến nay.
Trước khi đến thăm gia đình bà, chúng tôi được nghe kể rằng, do người cha lần lượt chứng kiến những đứa con ra đời với hình hài không bình thường, nên ông đã không thể chịu đựng nổi nỗi đau giằng xé ấy và thẫn thờ bỏ nhà đi gần 20 năm nay không về. Thế là, toàn bộ gánh nặng cơm, áo, gạo tiền, thuốc men…chăm sóc các con tàn tật đè lên vai người phụ nữ tuổi ngày càng cao, chân yếu tay mềm, sức lực ngày càng giảm.
Hơn 30 năm qua bà đã phải nuốt nước mắt vào lòng, tất bật chạy xuôi ngược kiếm từng giọt sữa, bữa rau cháo nuôi dạy, chăm sóc…với hy vọng kéo dài thêm ngày sống cho các con. Riêng chỉ có Đỗ Thị Thanh là may mắn được cắp sách đến trường, hiện đang hợp đồng làm việc tại một trường mầm non trong xã. Vậy là ở nhà, bà vừa là người cha, vừa là người mẹ hiền nuôi dạy, chăm sóc các con, lại vừa là cô giáo dạy các con biết đọc, biết viết.
Hai mẹ con bà Thẩm - Ảnh: Hoàng Dương
Điều bất ngờ là các con của bà tuy bị khiếm khuyết hình thể, nhưng học hành lại rất sáng dạ. Chỉ trong thời gian ngắn, 2 cô gái này đã đọc thông, chữ viết rất đẹp chẳng thua kém gì người bình thường. Đặc biệt, cả 2 chị em chung sở thích vẽ, đọc truyện, nghe nhạc…rồi hứng trí ghi chép vào cuốn sổ tay những lời bài hát yêu thích mỗi khi nghe qua radio. Để rồi, cứ thấy mẹ mệt mỏi lại lấy ra ngân nga, ca hát động viên để mẹ được vui. Ba cô con gái này đều ngoan ngoãn, dễ thương, làn da trắng ngần, mái tóc đen dày óng ả, nói chuyện rất duyên và lễ phép. Riêng Đỗ Thị Thanh, hàng ngày sau khi đi làm về liền tranh thủ giúp mẹ làm việc nhà, chăm sóc chị và em gái, phụ tay giúp mẹ vơi nỗi nhọc nhằn qua đi từng ngày.
Chứng kiến gia cảnh của bà Thẩm, nhiều thành viên trong đoàn đến thăm không cầm nổi nổi mắt. Bà Trần Thị Anh Đào, một trong số các thành viên trong đoàn chia sẻ: “Cứ soi so với một người mẹ khỏe mạnh như tôi, có chồng, cả nhà có công ăn việc làm đầy đủ và có thu nhập khá. Nhưng chỉ nuôi dạy chăm sóc hai đứa con bình thường, khỏe mạnh cũng đủ thấy vất vả vô cùng. Thế mà bà Thẩm, một người phụ nữ luống tuổi với nhiều căn bệnh tiềm ẩn trong người, vừa phải tần tảo, bươn trải kiếm miếng cơm, manh áo cho con, lại vừa phải chăm sóc hai con tật nguyền mới thấy hết nỗi cực nhọc, vất vả của người mẹ già này đến nhường nào.
Hai đứa con nhiễm chất độc màu da cam tật nguyền của bà Thẩm - Ảnh: Hoàng Dương
Nhìn những cử chỉ bà Thẩm âu yếm các con đầy yêu thương, đôi tay nâng giấc, chăm chút cho các con từng ly, từng tí thật chu đáo, chúng tôi càng khâm phục và ngưỡng mộ bà hơn. Dẫu vẫn biết chỉ có trái tim người mẹ mới có thể hòa cùng nhịp đập với trái tim của những đứa con mà mình đã đứt ruột sinh ra nhưng suốt mấy chục năm qua, bà Thẩm đã vắt kiệt tuổi thanh xuân của mình, âm thầm, nhẫn nại từng ngày để giành giật lấy sự sống cho các con…đó chính là những đức tính hy sinh của người mẹ thật quá phi thường”.
Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Nha Tranh chia sẻ: Điều đáng mừng, là gần đây dù ít hay nhiều, thì mấy mẹ con đã được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng dành cho hộ nghèo, người tàn tật và nạn nhân nhiễm chất độc da cam...Các cấp chính quyền ở địa phương, Hội Nạn nhân chất độc da cam, các hội từ thiện và những cá nhân có tấm lòng hảo tâm…quan tâm đến thăm hỏi động viên, tặng quà, giúp làm vơi đi phần nào những khó khăn, vất vả mà hàng ngày gia đình bà đang phải trải qua. Đồng thời giúp làm dịu bớt nỗi đau da cam mà cả gia đình bà đang phải hứng chịu.
Bức tranh do Thanh Hiếu vẽ - Ảnh: Hoàng Dương
Chia tay gia đình bà Thẩm và thay cho lời kết, chúng tôi xin được trích đoạn trong cuốn sổ chép bài hát mà chị hai Hiếu viết lên ước mơ của mình từ khi biết viết: “Khi sinh ra, hai chị em con chỉ nằm một chỗ, mẹ đã cực nhọc bao năm chăm bẵm, tuổi mẹ ngày càng cao, sức mẹ càng yếu, thương mẹ nhưng lại không thể giúp được gì cho mẹ…con chỉ cầu mong có nhiều người hảo tâm giúp đỡ cho mẹ của con, cho em gái con (Đỗ Thị Thanh) được học xong đại học…chị em con rất biết ơn”.