Ăn xin ‘tái xuất’ ở Sài Gòn mùa Vu Lan

Thứ Tư, 17/08/2016 00:00

|

(CAO) Gần đến rằm tháng Bảy, đội ngũ ăn xin giả dạng người bệnh, bán vé số, tăm bông, lợi dụng trẻ em… xuất hiện dày đặc trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM.

“Bủa vây” từ nội thành…

Đường Nguyễn Trãi đoạn qua giao lộ Phùng Hưng (P.14, Q.5, TP.HCM) được xem là nơi “ăn nên làm ra” của giới ăn xin. Khoảng 16 giờ hằng ngày, đội ngũ ăn xin phủ kín một đoạn đường chưa đầy 200m.

Vào mỗi buổi chiều, người phụ nữ khỏe mạnh này ẵm em bé vài tháng tuổi đứng trước quán bán nước sâm trên đường Nguyễn Trãi để xin tiền - Ảnh cắt từ clip

Trong 5 ngày theo dõi tại đây, PV ghi nhận có 10 đối tượng ăn xin thản nhiên “dàn trận” xin tiền nhưng không thấy chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng quản lý xử lý.

Chiều 3-8, hai người phụ nữ khoảng 30 tuổi, ẵm em bé trên tay, ngồi ở vỉa hè đường Nguyễn Trãi (đoạn gần chợ Phùng Hưng) “chỉ đạo” 2 bé trai, 1 bé gái (từ 9 đến 12 tuổi) xin tiền.

Mỗi khi người đi dừng xe mua nước sâm, 4 đứa trẻ này túa ra, vây lại và tỏ ra nghèo khổ để được cho tiền. Sau đó, số tiền này được đưa ngay cho hai người phụ nữ ngồi ở vỉa hè gần đó "giám sát". Ngoài ra, còn có một nam thanh niên khỏe mạnh ẵm em bé trên tay, đi dọc đường Phùng Hưng hoặc ngồi ở các cửa hàng buôn bán, ngã nón xin tiền người dân.

Nam thanh niên ẵm bé gái ngồi ngửa nón xin tiền người đi đường tối 10-8. - Ảnh cắt từ clip

Trong các ngày tiếp theo, các đối tượng này vẫn vô tư đi xin tiền mà không gặp bất cứ sự vào cuộc xử lý của chính quyền khiến người dân vô cùng bức xúc.

“Chiều chiều là tụi nhỏ bị mấy người chăn dắt dẫn đến để xin tiền gây nhốn nháo. Ăn xin nhan nhãn như thế này thì bao giờ mới trở thành thành phố văn minh được”, một người dân địa phương lắc đầu ngao ngán.

Chiều 10-8, thấy PV chụp hình, quay phim các đối tượng này giả vờ bỏ đi rồi sau đó trở lại hành nghề ngay sau đó. Qua quan sát, vào mỗi buổi chiều, các đối tượng chăn dắt dùng xe máy chở những người này đến vòng xoay tại giao lộ Trần Hưng Đạo – Phùng Hưng và công viên nhỏ tại mũi tàu Hồng Bàng – Nguyễn Trãi. Sau đó, các đối tượng đi bộ đến khu vực chợ Phùng Hưng để xin tiền.

Người phụ nữ ẳm em bé (khoanh tròn đỏ) luôn hướng mắt về cậu bé (khoanh tròn xanh) để "chỉ đạo" việc xin tiền - Ảnh cắt từ clip

Trong 12 đối tượng hành nghề ăn xin tại đây, có 4 phụ nữ, 1 nam thanh niên và 7 em bé (trong đó có 3 em nhỏ từ vài tháng đến khoảng 2 tuổi).

Đến vùng ven

Cuối năm 2014, TP chủ trương đưa đối tượng lang thang, ăn xin không nơi cư trú vào các trung tâm bảo trợ xã hội thì các điểm nóng ở vùng ven Sài Gòn như: ngã tư Bà Điểm (H.Hóc Môn), cổng KCN Vĩnh Lộc, ngã tư Gò Mây (Q.Bình Tân), ngã tư Trung Chánh (Q.12) vắng bóng người ăn xin.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân chỉ được một thời gian thì các đối tượng chăn dắt tiếp tục “rải quân” tại các điểm này để hành nghề. Chiều 9-8, tại cổng KCN Vĩnh Lộc, khi các phương tiện dừng chờ đèn đỏ, một thanh niên giả bộ bệnh tật, đi cà nhắc, tay cầm rổ tăm bông tiến đến mời mua nhưng thực chất là để xin tiền.

Hình ảnh người đàn ông này xin tiền ở ngã tư Gò Mây không còn xa lạ với người dân - Ảnh chụp chiều 9-8

Tương tự, tại ngã tư Gò Mây, hai người đàn ông đứng ở góc đường Nguyễn Thị Tú và đường Lê Trọng Tấn cầm mũ lưỡi trai xin tiền người đi đường trong nhiều giờ liền. Ghi nhận, người đàn ông ở góc đường Lê Trọng Tấn “trang bị” sẵn một rổ tăm bông để đối phó khi có lực lượng chức năng “hỏi thăm”. Trong vòng gần 1 giờ, hai người này nhận được khá nhiều tiền từ người đi đường.

“Họ ngồi đây suốt mà có thấy ai xử lý gì đâu. Ngày nào cũng có người chở đến xin tiền rồi đến tối được chở về”, anh Trần Văn P., người dân ở ngã tư Gò Mây cho biết.

Dẹp nạn ăn xin theo phong trào?

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, tại sao TP nhiều lần ra quân dẹp nạn ăn xin nhưng tình trạng này vẫn tái diễn? Phải chăng các giải pháp đưa ra chỉ mang tính chất hình thức, làm theo phong trào?

Cụ thể, cuối tháng 3-2007, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTB-XH) đề ra kế hoạch “Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP” với mục tiêu đến năm 2010, TP sẽ cơ bản không còn tình trạng ăn xin.

Đến tháng 9-2011, đơn vị này trình UBND TP.HCM kế hoạch giải quyết tình trạng ăn xin với mục tiêu đến năm 2013, các quận trung tâm của TP sẽ không còn bóng dáng của người ăn xin.

Các đối tượng ăn xin dắt díu nhau đi trên đường Nguyễn Trãi - Ảnh cắt từ clip

Cuối tháng 12-2014, TP.HCM tiếp tục triển khai kế hoạch đưa người lang thang ăn xin vào các trung tâm để chăm sóc, đồng thời đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội.

Gần đây nhất là tháng 3-2016, Sở LĐTB-XH TP.HCM cũng trình lên UBND TP kế hoạch sẽ giải quyết triệt để tình trạng ăn xin ở khu vực trung tâm TP; các quận, huyện khác vào dịp lễ 30-4.

Sau mỗi đợt ra quân rầm rộ dẹp nạn ăn xin như thế thì tình hình lắng dịu đi một thời gian rồi sau đó bùng phát trở lại. Các đối tượng này vẫn nhởn nhơ ngoài đường phố, tiếp tục ngửa mũ xin tiền khiến không ít người dân băn khoăn, nghi ngờ về hiệu quả từ các giải pháp mà Sở LĐTB-XH TP đưa ra hơn 9 năm qua để trị “căn bệnh kinh niên” – ăn xin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang