(CAO) Theo quan niệm của đồng bào Xê Đăng, người chết vì ăn lá ngón, treo cổ… là những cái chết xấu. Họ tin rằng còn ma vẫn còn trú ngụ trong nhà, để đuổi đi phải đập phá, đốt cháy nhà.
Và khi người làng đã quyết thì chính quyền địa phương không thể can thiệp và ngăn cản nổi. Cũng chính vì hủ tục lạc hậu này mà nhiều đứa trẻ ở vùng cao khi ba mẹ mất đã không có nhà để ở.
Từ ngày con trai và con dâu ăn lá ngón tự tử, bà Hồ Thị Nê (ngụ nóc Măng Lưng, thôn 3, xã Trà Cang, huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam) cùng 4 đứa cháu cũng không còn nhà để ở. May mắn được các nhà hảo tâm xây dựng cho một căn nhà cấp 4 bên cạnh Trường THCS nội trú xã Trà Cang, 5 bà cháu mới có chỗ “tránh nắng trú mưa”.
Hồi tưởng vào thời gian ấy, bà Nê buồn bã kể, cách đây 2 mùa rẫy, con trai bà là anh Hồ Văn Thiên và con dâu là chị Hồ Thị Thôi (vợ anh Thiên) chẳng biết buồn bực chuyện gì mà rủ nhau vào rừng ăn lá ngón tử tự. Cái chết của các con bà Nê không ai hiểu nguyên nhân vì sao. Có người đồn đoán là cuộc sống nghèo khổ, người bảo là lục đục chuyện tình cảm nên hai người đã tìm đến cái chết.
Sự ra đi đột ngột của vợ chồng anh Thiên đã biến 4 cháu nhỏ là Hồ Thị Vong (10 tuổi), Hồ Văn Võ (8 tuổi), Hồ Văn Vương (6 tuổi) và Hồ Thị Vân (3 tuổi) trở thành trẻ mồ côi.
Thế nhưng đó chưa phải là tất cả, sau khi hậu sự, mai táng của vợ chồng anh Thiên được tổ chức xong, dân làng bắt đầu kéo đến đốt phá căn nhà của vợ chồng này. Vì họ quan niệm rằng vợ chồng anh ăn lá ngón tự tử là cái chết xấu, là do ma rừng bắt đi, để đuổi con ma trú ngụ phải châm lửa đốt sạch, bất chấp con cái của vợ chồng anh Thiên sống ở đâu. Thương cảm trước hoàn cảnh của con anh Thiên, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp tiền xây dựng một căn nhà nhỏ bên Trường THCS nội trú xã Trà Cang tặng cho các cháu.
“Kể từ khi dân làng đốt nhà, 4 đứa con của nó không còn nơi ở, tôi đành đưa các cháu về nuôi dưỡng. Hàng ngày, hai đứa lớn theo tôi lên rẫy kiếm sắn, bắp và hái rau rừng ăn sống qua ngày, còn hai cháu nhỏ thì ở nhà với ông nội đã 80 tuổi. Từ ngày chuyển đến nhà mới, các cháu được đi học gần hơn nhưng vẫn buồn vì nhớ ba nhớ mẹ” – bà Nê tâm sự
Cũng giống như hoàn cảnh của 4 đứa cháu bà Nê, trong phút chốc, em Lê Hồng Phấn (16 tuổi, ngụ xã Trà Cang) biến thành đứa trẻ không nhà vì quan niệm chết xấu. Phấn sinh ra trong một gian đình con một, mẹ là bà Nguyễn Thị Kim Cúc vốn là Chủ tịch UBND xã Trà Cang. Tháng 8-2013, bà Cúc lâm bệnh nặng rồi qua đời. Nửa năm sau đó, chồng bà cũng mất trong một vụ tai nạn giao thông.
Cha mẹ tự tử, 4 đứa con của anh Thiên do bà Nê nuôi dưỡng
Trước cái chết như vậy, dân làng cho rằng là cái chết xấu, để đuổi con ma, mọi người trong làng đốt sạch nhà cửa của cha mẹ Phấn. “Em thương ba mẹ, em không sợ ma xấu nhưng dân làng đã quyết phá thì em cũng phải nghe theo. Hôm đó cán bộ huyện cũng lên để căn ngăn nhưng bất thành” - Phấn ngậm ngùi.
Nhiều người dân kể lại, tháng 8-2015, nóc Măng Dí 4 (thuộc thôn 1, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) có ba người trong nóc treo cổ tự tử. Sau khi sự việc xảy ra, cả nóc phải chuyển đi nơi khác vì sợ cái chết xấu. Riêng các ngôi nhà của người xấu số bị đốt sạch để tránh những tai họa gieo rắc nơi làng mới.
Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, xã có 7 thôn với 38 nóc nằm trên dãy núi Ngọc Linh. Toàn xã có 905 hộ, với hơn 4.000 nhân khẩu, gần như toàn bộ là người Xê Đăng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Riêng năm 2017 đã có 5 người ăn lá ngón tự tử, 4 người treo cổ chết.
Theo ông Bằng, chính quyền xã đã làm nhiều cách để ngăn chặn "cái chết xấu" như quan niệm củađồng bào Xê Đăng nhưng không giảm. Có nóc chính quyền xã đi bộ cả ngày đường để gặp dân tuyên truyền nhưng vẫn không có kết quả. Cứ mỗi lần như vậy, bà con nghe xong thì gật đầu nhưng lần sau lại tái diễn.
“Lá ngón ở đây nhiều vô kể, diệt không thể hết, cộng với ý thức của người dân chưa cao. Hầu hết họ không biết chữ, nhận thức chưa rõ được vấn đề. Bực tức một tí gì tìm đến lá ngón, cuộc sống nghèo khó cũng ăn lá ngón. Có những cái chết tôi không hiểu nổi, như có người nghe ai đó nói ăn lá ngón không chết, thế là tìm lá ngón ăn thử rồi sau đó chết thật. Cứ như vậy cái chết xấu được nhân lên và họ nói rằng là do ma ám” - ông Bằng kể và cho biết thêm, việc người dân quan niệm cái chết xấu đã ăn sâu vào tiềm thức.
“Chúng tôi đã hết cách để ngăn chặn, nói bà con không nghe, mà xử phạt thì không có chế tài. Chúng tôi đã tuyên truyền, thuyết phục quá nhiều lần thậm chí còn dọa sẽ xử phạt nhưng "phép vua thua lệ làng". Họ vẫn bất chấp thực hiện hủ tục này kéo theo nhiều hệ lụy đau buồn” - ông Bằng chia sẻ.