Giảng viên đại học cầm đầu đường dây cấp chứng chỉ giả

Thứ Năm, 22/02/2018 15:10  | Mai Hà

|

(CAO) Vào thời điểm bắt giữ, các đối tượng đã tổ chức cho hơn 140 thí sinh dự thi tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Chứng chỉ ngoại ngữ giả được các đối tượng cấp theo khung năng lực Châu Âu

Ngày 21-2-2018, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho biết, vào những ngày giáp tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 đơn vị phối hợp với Cục An ninh Chính trị Nội bộ Tổng cục An ninh, Bộ Công an triệt phá thành công đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực Châu Âu, gồm các đối tượng: Nguyễn Văn Thuật (SN 1972, trú tại 66 Lương Đình Của, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực Đông Dương và Nguyễn Thị Hạnh (SN 1983, trú tại phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), làm nghề tự do có hành vi tổ chức thi trái phép để cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả.

Từ giảng viên trở thành phạm tội

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục An ninh, Cục An ninh Chính trị Nội bộ phối hợp với các đơn vị đã tổ chức lực lượng rà soát, nắm tình hình về việc làm bằng, chứng chỉ giả trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Phòng An ninh giáo dục thuộc Cục An ninh Chính trị Nội bộ có thông tin về đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực Châu Âu do Nguyễn Thị Hạnh điều hành.

Trong khi hai đơn vị nghiệp vụ tiến hành điều tra thì họ nhận được thông tin của trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Trường Đại học Ngoại ngữ) về việc họ nhận được công văn của một số đơn vị tuyển dụng, đề nghị xác minh một số trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực Châu Âu. Song các chứng chỉ này đều là chứng chỉ giả...

Từ những thông tin trên, ngày 28-1, Cơ quan ANĐT phối hợp với Cục An ninh Chính trị Nội bộ và các đơn vị liên quan đã vào cuộc và bắt quả tang, khám xét khẩn cấp đối với các đối tượng gồm Nguyễn Văn Thuật và Nguyễn Thị Hạnh. Sự táo tợn của các đối tượng trong đường dây thể hiện ở chỗ, chúng liều lĩnh làm giả giấy tờ của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; tự thành lập hội đồng thi; tổ chức thi tuyển ở cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết... nhằm đánh vào lòng tin của những người có nhu cầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ.

Được biết Nguyễn Thị Hạnh quê gốc tại Bắc Giang, Hạnh từng theo học tại khoa song ngữ, Trường đại học Huế. Sau đó theo học tại Trường đại học sư phạm Hà Nội... Đối tượng đã chuyển công tác ở nhiều đơn vị, cuối cùng làm giảng viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Trong thời gian giảng dạy, Hạnh nắm bắt được nhu cầu của một số trường hợp cần có bằng chứng chỉ ngoại ngữ, Hạnh nẩy ý định và đứng ra tổ chức thi cấp, chứng chỉ ngoại ngữ giả. Trước đó, đối tượng đã bị Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện. Vụ việc hiện đang trong quá trình xử lý thì Hạnh tiếp tục phạm tội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác phát hiện Hạnh chuẩn bị tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho một khóa mới. Địa điểm là một ngôi trường thuộc sự quản lý của một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đây cũng là thủ đoạn tinh vi của Hạnh và đồng bọn nhằm tạo lòng tin cho những người có nhu cầu thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ.

Giấy tờ giả các đối tượng sử dụng để đánh lừa những người có nhu cầu thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực Châu Âu

Khi tổ công tác của Cục ANĐT và Cục An ninh Chính trị Nội bộ ập vào bắt quả tang, một số thí sinh mới biết mình bị lừa. Cuối năm 2017, Thuật thống nhất với Hạnh tổ chức thi cấp, chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực Châu Âu để thu tiền của thí sinh dự thi. Theo thỏa thuận, Thuật có nhiệm vụ tìm kiếm các thí sinh có nhu cầu; sau đó lên danh sách rồi liên hệ thuê địa điểm tổ chức thi. Hạnh có trách nhiệm chuẩn bị văn bản có nội dung thể hiện Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực Đông Dương (Công ty Đông Dương) liên kết Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội, làm chứng chỉ giả soạn thảo tài liệu ôn thi, đề thi và các thẻ cho giám thị coi thi mạo danh Trường Đại học Ngoại ngữ.

Ngoài ra, Thuật chỉ đạo Đào Thị Hảo (nhân viên của Cty của Thuật) tìm, lập danh sách các thí sinh có nhu cầu dự thi và thu tiền. Để tạo lòng tin cho các thí sinh dự thi, Hạnh làm giả thẻ giám thị coi thi có logo Trường Đại học Ngoại ngữ và công văn không số ngày 28-12-2017, thể hiện việc Công ty Đông Dương liên kết với Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức đào tạo, ôn tập sát hạch cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu. Hạnh còn tự biên soạn tài liệu ôn thi, đề thi.

Ngày 27-1, Thuật và Hạnh cùng với các đối tượng tổ chức cho các thí sinh ôn thi. Đúng 7 giờ 30 ngày 28-1, khi đang tổ chức cho các thí sinh thi thì bị bắt quả tang. Sau khi bắt giữ các đối tượng, Cơ quan ANĐT và Cục An ninh Chính trị Nội bộ đã tiến hành xác minh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, xác định không có việc liên kết với Công ty Đông Dương tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ.

Theo lời khai ban đầu, Nguyễn Thị Hạnh đã thừa nhận cùng với Nguyễn Văn Thuật tổ chức thi, cấp chứng chỉ giả cho các thí sinh dự thi. Hạnh được Thuật chia 350 triệu đồng. Còn Nguyễn Văn Thuật khai rằng do tin tưởng Hạnh có khả năng liên kết đào tạo với Đại học Ngoại ngữ nên đã tìm thí sinh và tổ chức thi, cấp chứng chỉ. Nhưng khi được hỏi về việc tự tổ chức thành lập hội đồng thi, thuê người làm giáo viên trông thi và tự cho mình là Chủ tịch Hội đồng thi, không thông qua Đại học Ngoại ngữ thì Thuật không lý giải được.

Đối với Đào Thị Hảo, sau khi được triệu tập cho biết đã được Thuật chỉ đạo, tìm kiếm người dự thi và tìm người làm giám thị trông thi. Trước khi thi, Hảo hỏi Thuật về những vấn đề liên quan việc tổ chức thi nhưng Thuật không trả lời nên Hảo biết Thuật tổ chức thi, cấp chứng giả. Những người được thuê làm giám thị khai được Thuật, Hạnh thuê làm giám thị thực hiện công việc phát đề thi, trông thi, thu bài và chuyển cho Thuật được trả công 1 triệu đồng/ 1 ngày và không biết các đối tượng có được cơ quan chức năng cho phép tổ chức thi cấp chứng chỉ hay không.

Cảnh giác với thủ đoạn làm bằng, chứng chỉ giả

Theo lời khai của các thí sinh dự thi, thông qua mối quan hệ bạn bè và biết Công ty Đông Dương liên kết với Đại học Ngoại ngữ, tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ nên đã đăng ký. Số tiền họ phải nộp cho Thuật từ 3,5 đến 33 triệu đồng, tùy loại chứng chỉ và cũng không tìm hiểu kỹ về công ty trên.

Chị Nguyễn Vân A (trú Q. Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Sau khi tốt nghiệp Trường trung học sư phạm nhà trẻ mẫu giáo ở phố Cửa Bắc (Hà Nội), hiện đang là giáo viên của một trường mầm non trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội).

Năm 2017, chị Vân A được ban giám hiệu nhà trường thông báo xét thăng hạng giáo viên trong đợt tới, yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học cơ bản. Qua người quen, chị A biết có một cuộc thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ A1, A2, B 1, B 2.. do Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức tại một trường của lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội.

Điều kiện dự thi khá đơn giản, thí sinh không phải học, chỉ ôn thi một ngày tại trung tâm rồi tổ chức thi ngay... Đây là một trong những tiêu chí chị lựa chọn. Bởi trên thực tế, hầu hết các chị đều vừa đi làm, vừa đi học, khả năng ngoại ngữ rất hạn chế.

Ngoài chị Vân A, còn 12 người bạn là giáo viên ở trường khác, mỗi người nộp 4 triệu đồng cùng 4 ảnh qua một người bạn để nộp hồ sơ dự thi. Hầu hết các trường hợp trên đều hạn chế về ngoại ngữ, vì thế họ luôn tìm đến những trung tâm có khả năng chống trượt...

Các tài liệu thu giữ trong vụ tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả

Thực tế cho thấy thời gian qua, Công an một số đơn vị địa phương đã tổ chức truy xét, bóc gỡ nhiều vụ việc, thu giữ hàng nghìn tài liệu, giấy tờ, con dấu giả.

Điển hình như Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức điều tra, bắt và khởi tố 10 đối tượng; thu giữ 22 nghìn tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại. Hay Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP.HCM triệt phá đường dây do Lê Tấn Cường cầm đầu thu giữ hơn 45 nghìn phôi bằng, chứng chỉ giả các loại... Khai thác dữ liệu trên máy vi tính thu được của đối tượng phát hiện nhiều trường hợp là cán bộ, công chức có hành vi mua bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương... tại các cơ quan Nhà nước.

Theo cán bộ Phòng an ninh giáo dục, Cục An ninh Chính trị Nội bộ, thời gian gần đây, hoạt động mua bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng, qua rà soát, hiện có hàng chục trang mạng như “Webhochieu”, “Lambannguytin”, “Lambangdaihocgiare”, “Lambandaihocphoigoc”, “Lambangdaihocgiare” công khai đăng tải thông tin nhận làm giả các loại bằng từ tiến sỹ, thạc sỹ, đại học, cao đẳng, trung cấp của tất cả các trường và cơ sở đào tạo trên cả nước và nước ngoài với giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng (nguồn lợi nhuận thu được từ hoạt động này là rất lớn, với vụ Lê Tấn Cường số tiền các đối tượng giao dịch qua tài khoản ngân hàng từ tháng 9-2015 – 4-2016 lên tới hơn 7 tỷ đồng). Điều này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, làm giảm niềm tin của nhân dân và tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị nội bộ. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng như dùng chứng minh nhân dân giả, không trực tiếp gặp mặt, thường xuyên thay đổi số điện thoại...

Hơn nữa các đối tượng sử dụng triệt để mạng xã hội (zalo, facebook), gmail để liên lạc, giao dịch với các trường hợp có nhu cầu sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Trong trường hợp này, người có nhu cầu chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin thì có thể nhận bằng sau 5-7 ngày, riêng các loại bằng đại học, cao đẳng có kèm theo bảng điểm và bản công chứng. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật và công nghệ, chỉ cần một số thiết bị máy vi tính, máy in màu, máy scan, máy khắc dấu, máy ép plastic... các đối tượng có thể tạo hình dấu và chữ ký giả qua phương pháp khắc dấu lazer và scan màu, các phôi văn bằng giả được scan từ các mãu văn bằng, chứng chỉ thật rồi dùng phần mềm vi tính xử lý.

Từ những vụ án trên cũng cho thấy những sơ hở trong công tác quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ hiện nay. Dù đã bước vào cuộc cách mạng 4.0 nhưng hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị còn đặt nặng vấn đề bằng cấp, chưa coi trọng đánh giá thực chất năng lực cán bộ, công tác hậu kiểm còn nhiều thiếu sót... Đây chính là mảnh đất màu mỡ để tội phạm làm giả văn bằng, chứng chỉ có điều kiện hoạt động...

Đánh sập đường dây sản xuất bằng giả quy mô lớn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang