Đi tìm ‘phong vị’ Tết đất phương Nam

Thứ Năm, 15/02/2018 13:28

|

(CAO) Đất và con người phương Nam thật lạ nó mang đầy chất thi vị nhưng hòa vào trong đó cũng là một chất thơ không quá cao sang nhưng gần gũi.

Nó như mùi mạ non thoang thoảng trên khắp cánh đồng tuy không mấy đặc biệt nhưng khi xa lại thấy nhớ da diết. Ở cái đất ấy có những món ngon hết sức dân dã mà không biết bao nhiêu Việt kiều xa quê, cứ ngày cận Tết là “tìm về”, nhờ người thân hay đặt chính chủ tiệm chuyển sản phẩm của vùng đất phương Nam đi khắp năm châu bốn bể.

Để rồi ở đâu đó, “một góc nhỏ” trên quả địa cầu này, tại bàn ăn ấm cúng của gia đình người ta lại thấy những con tôm khô Vĩnh Kim, bánh tét Trà Cuông,... xen lẫn với những món ăn Tây nhưng nó lại nổi bật và khiến cho người con xa quê tìm lại được “phong vị” thời thơ ấu.

Tôm khô bà Hai Khâm

Ngày Tết trong bàn ăn gia đình của người miền Nam không thể thiếu món tôm khô, củ kiệu. Ai cũng biết, chính yếu nhất của món ăn truyền thống này là tôm khô. Dĩ nhiên, các tỉnh ven biển đều có thể làm được các loại tôm khô khác nhau nhưng chất lượng có tiếng nhất không thể không nhắc đến tôm khô ở xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh). Bởi lẽ tôm khô ở đây được làm từ con tôm bạc đất; sống ngoài đồng, kênh rạch,...

Dọc theo QL 53 tới chợ Vĩnh Kim, chúng tôi hỏi về thương hiệu tôm khô của bà hai Khâm thì người dân ở đây ai cũng biết. Theo chị Ngọc người tôi gặp dọc đường cho hay: “Trước đây khu Vĩnh Kim có khá nhiều hộ dân làm tôm khô nhưng do nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và làm việc có uy tín lâu dàu nhất thì giờ chỉ còn lại hộ của bà hai Khâm”.

Dì Hai Khâm chủ thương hiệu tôm khô nổi tiếng ở Vĩnh Kim, Trà Vinh 

Đi thêm một đoạn nữa qua chợ Vinh Kim, chúng tôi ghé vào tiệm tôm khô Vĩnh Kim của dì hai Khâm nằm bên trong một con hẻm. Tôi hỏi dì hai Khâm về giá cả các loại tôm khô của cơ sở thì được cho biết có nhiều mức. Trong đó, loại thường khoảng 800.000 đồng/kg, loại cao nhất có giá khoảng 2 triệu đồng/kg.

Tôm khô của dì Hai Khâm được tuyển chọ kỹ càng được khách hàng cả trong lẫn ngoài nước ưa chuộng

Khi ăn thử tôm khô tại cơ sở cảm nhận được ngay vẻ ngọt thanh, bùi của con tép bạc. Chỉ cần liên tưởng đến hương vị tôm khô Vĩnh Kim hòa lẫn với vị cay nồng, chua ngọt của củ kiệu cũng đủ thấy bữa ăn ngày Tết thêm đậm vị, phần nào bớt đi cái ngán của thịt kho tàu, gà luộc,... vốn đã xoay vần quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết.

Bánh Tét Hai Lý, Trà Cuôn

Trong mâm cơm ngày Tết ngoài tôm khô củ kiệu thì Bánh tét cũng là một trong những món ngon không thể thiếu của người miền Nam. Tuy nhiên, mỗi vùng có hương vị riêng Bánh tét rất đặc trưng như: Tây Ninh nổi tiếng với bánh tét làm bằng nếp trộn đậu phộng, Cần Thơ là bánh tét lá cẩm, Sóc Trăng là bánh tét cốm dẹp,… Nhưng phù hợp với bữa ăn ngày Tết thì có lẽ ứng viên sáng giá nhất chỉ có bánh tét Trà Cuôn ở Trà Vinh.

Điều đặc biệt là hai món ngon chủ đạo trong ngày Tết lại nằm khá gần nhau, bánh Tét Trà Cuôn cũng nằm trên QL 53, tọa lạc tại khu vực chợ Kim Hòa (hay còn gọi là chợ Trà Cuôn). Có “thương hiệu” nhất ở đây là Bánh tét Trà Cuôn - Hai Lý của bà Thạch Thị Lý. Quầy của bà Lý cũng nằm trong khu vực này, cách đó không xa là quầy của các con của bà. Ở đây cũng bán một số sản phẩm khác như: nước mắm rươi, khô, mắm tép,... những món ăn dân dã đặc trưng của người Nam Bộ.

Bánh tét Trà Cuôn là món ăn rất thích hợp với ngày Tết

Bánh tét Trà Cuôn nhìn bên ngoài không có nhiều nét đặc sắc, thậm chí nếu để lâu khoảng nửa ngày từ lúc nấu, thì lớp lá bên ngoài còn có phần bạc màu và khô do được nấu kỹ. Tuy nhiên, phần bên trong khi bóc vỏ, gây ấn tượng mạnh với thực khách bởi màu nếp xanh đậm, lớp nhân với đậu xanh vàng cùng thịt mỡ, nếu là bánh tét lá cẩm thì còn có tôm khô và trứng muối.

Bánh tét Trà Cuôn do được làm tốt nên có thể để được 8-10 ngày nếu đã mở lớp lá, còn để được thấp nhất là 30 ngày nếu chưa mở lớp lá phía bên ngoài. Việc làm Bánh tét ngày Tết cũng giúp nhiều ba con nơi đây có công việc làm, thu nhập ổn định. Nhiều hộ còn được Việt kiều đặt hàng số lượng lớn để mang đi các nước như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức,...

Cùng với tôm khô Vĩnh Kim, Bánh tét Trà Cuông đã góp phần mang đến “phong vị” Tết đất phương Nam hết sức đặc biệt. Hai món ngon này đôi khi còn nằm trên bàn ăn của nhiều gia đình Việt ở khắp nơi trên thế giới, giúp họ bớt niềm nhớ quê mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Bình luận (0)

Lên đầu trang