Nhức nhối nạn chăn dắt trẻ em ăn xin:

‘Cái bang’ - ‘bang cái’

Thứ Sáu, 02/03/2018 22:36

|

(CATP) “Cái bang” là từ dùng để ám chỉ về hội của những người ăn xin. Và “bang cái” chính là người cầm đầu những hội, nhóm như thế.

Mới đầu năm, nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã xuất hiện bóng dáng của các nhóm ăn xin. Mỗi nơi một hình thức,  chiêu trò, các “đội quân cái bang” cứ thế kiếm được bộn tiền nhờ thủ đoạn chuyên nghiệp của mình. Phóng viên Báo CATP đã theo chân những kẻ chăn dắt, dùng con trẻ để làm “bức bình phong” hòng lừa gạt người dân…

“Vở kịch” đêm đen

22 giờ ngày 21-2, màn đêm buông dài trên những tuyến phố. Trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, một cặp vợ chồng cùng 3 em nhỏ ngồi co ro trong sương lạnh. Người phụ nữ trong nhóm ấy đang ẵm trên tay một em bé, mắt em bị nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Họ đang ngửa nón xin tiền khách bộ hành…

Thủ đoạn lừa gạt, cho con uống thuốc ngủ để ăn xin của vợ chồng Tý tại đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn gần cổng chính Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM)
Khi khách đi đường vừa rời đi, trái hẳn với vẻ đau buồn lúc nãy, vợ chồng Tý liền cười hớn hở. Đứa bé lúc này vẫn còn nằm ngủ li bì do bị cho uống thuốc an thần

“Sao lại ngồi đây? Cháu bé bị sao vậy?” – một nam thanh niên thấy tội nghiệp, ghé vào hỏi. Nghe thế, người đàn bà trong điệu bộ mệt mỏi, miệng thỏ thẻ: “Cháu nó bị sốt anh à! Ở dưới quê làm không ra tiền nên cả gia đình tôi bỏ lên Sài Gòn mấy ngày nay. Giờ không có tiền khám bệnh cho con, cũng không có tiền bắt xe về nên mới ngồi đây...”.

Ngay bên cạnh, người đàn ông được giới thiệu là cha của 3 đứa con nhỏ mặt cũng buồn thiu, ánh mắt rớm rớm khi nghe vợ kể về gia cảnh cơ hàn của họ.

Câu chuyện quá mủi lòng đã làm vị khách đi đường rút ra tờ 100 ngàn đồng dúi vào tay người vợ với lời căn dặn: “Anh chị cầm lấy mà lo cho cháu. Được nhiêu hay bấy nhiêu!”.

Vị khách rời đi, ánh mắt thoáng chút ưu tư. Có lẽ, thâm tâm anh ta đang cảm thấy nhẹ nhàng vì vừa làm xong một việc tốt và cũng có lẽ, chàng thanh niên đang trăn trở về tương lai đầy mịt mờ phía trước của gia đình bất hạnh kia. Nhưng, lại có một sự thật hoàn toàn khác…

Nhiều ngày đeo bám nhóm ăn xin này, phóng viên Báo CATP xác định Tý và vợ của mình là người Khmer, quê ở huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh). Do lười biếng lao động, cả 2 đã dắt díu 3 đứa con thơ của mình lên TP.HCM gia nhập “đội quân cái bang” do các đối tượng người Campuchia lập nên, sống bất hợp pháp tại một khu ổ chuột trên địa bàn Q.5, TP.HCM.

Mỗi đêm, để dễ bề kiếm tiền từ “lòng thương cảm” của xã hội, Tý và vợ hay dắt con ra ngồi vật vạ trước cổng các bệnh viện. Đáng nói hơn, 2 đối tượng này còn cho đứa con nhỏ nhất của mình uống thuốc ngủ để gây sự chú ý của người đi đường.

Điều tra của chúng tôi cũng cho thấy, bằng thủ đoạn này, hàng ngày Tý và vợ kiếm được từ 1 đến 2 triệu đồng. Đợt Tết, vào ngày cao điểm, có khi gia đình ăn xin này kiếm được đến gần 5 triệu đồng. Và lẽ đương nhiên, với sự tinh quái như vậy, khó ai có thể ngờ được họ đã bị cuốn vào “vở kịch” đen tối do chúng bày ra.

“Luật” của “bang cái”

Mỗi nhóm “cái bang” đều có người cầm đầu, được gọi là “bang cái”. Tất nhiên, nghề nào cũng có những quy định, luật lệ riêng của nghề đó, kể cả là nghề… phi pháp. Trong mỗi “đội quân cái bang”, không phải ai cũng được tự ý làm việc theo sở thích mà tất cả đều phải làm theo đúng “bang quy”.

“Bang quy” của nghề giả dạng ăn xin ở đây là các “cái bang” không được nói chuyện với người lạ khác với kịch bản do “bang cái” hướng dẫn, không được tiết lộ cho người lạ biết chỗ cư ngụ và phải trông chừng ý tứ của người lạ.

Những đứa trẻ ăn xin tại ngã tư Phạm Văn Đồng – Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức) được đào tạo rất bài bản, chuyên nghiệp. Trong ảnh, một bé gái đã hô lớn cho “bang cái” biết khi phát hiện có người chụp ảnh
Tại góc ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), 2 em bé ăn xin đã lập tức lấy nón che mặt khi thấy bị chụp ảnh

Một buổi trưa, trời đứng bóng, tại ngã tư Phạm Văn Đồng – Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), một nhóm 4 đứa trẻ canh tín hiệu đèn đỏ để xòe tay xin tiền người đi đường. Sau một lần xin, tất cả tiền được chúng gom lại rồi đưa cho một người phụ nữ đang ngồi phì phèo thuốc lá ở phía bên trong.

Chúng tôi cố tình giơ máy ảnh ra chụp ở khoảng cách gần nhất để gây sự chú ý thì bé gái lớn nhất trong nhóm này liền hô lớn “có người chụp ảnh”. Ngay lập tức, những “cái bang nhí” được người phụ nữ kia ra lệnh rời vị trí đi nơi khác.

Tiếp đến sáng 23-2, tại góc đường Cánh Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), có một bé nam và một bé nữ ngồi xin ăn. Vừa thấy có người chụp ảnh, cả 2 liền lấy nón che mặt lại, sau đó hớt hải ra dấu cho một người đàn ông đang ngồi đợi ở gần đó, chạy xe đến chở đi.

Những biểu hiện nêu trên phần nào chứng minh được việc những đứa trẻ đi xin ăn này đã được các đối tượng chăn dắt hướng dẫn rất kỹ càng, chuyên nghiệp, giống như những thông tin mà chúng tôi đã thu thập được trong quá trình điều tra trước đó. Và dường như, ở mọi tình huống, quyết định của “bang cái” luôn là mệnh lệnh, bắt buộc mọi thành viên phải tuân theo.

Trở lại nhóm ăn xin do Tý “cầm trịch”, ngay trong đêm, nhóm phóng viên tiến hành một “phép thử” đối với những kẻ chăn dắt. Thấy chúng tôi đến, vợ chồng Tý lại bắt đầu “vở kịch” cũ, cả 2 tỏ vẻ đau khổ khốn cùng.

“Anh chị nên đưa cháu bé vào bệnh viện để chữa trị, chúng tôi sẽ giúp đỡ về kinh phí” – nghe lời đề xuất của chúng tôi, người vợ sau một thoáng giật mình, vẫn khéo léo từ chối: “Bé chỉ cần uống thuốc giảm sốt là hết. Không cần phải vô bệnh viện đâu!”.

Phóng viên nói tiếp: “Hay là để chúng tôi gọi cảnh sát khu vực đến hỗ trợ” – nghe tới đây, Tý liền đưa ra một ám hiệu, rồi lấm lét di chuyển sang nơi khác. Người vợ lúc này lộ rõ nét biến sắc trên khuôn mặt, vội vàng khước từ sự giúp đỡ rồi yêu cầu các con của mình rời đi bằng một tiếng Khmer. Giữa phố đêm, bước chân của nhóm người ăn xin chìm sâu vào con hẻm ngoằn ngoèo.

Những nạn nhân không tự vệ

Những đứa trẻ bị chăn dắt bởi chính cha mẹ của mình đã là một thực tế nghiệt ngã, nhưng cay đắng hơn vẫn là những em bị bán tuổi thơ cho những kẻ chăn dắt. Quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã bắt gặp những phận đời như thế. Bé gái Sơn H. (người Khmer) năm nay mới 12 tuổi nhưng đã có 2 năm đi xin ăn ở Sài Gòn.

Bé gái Sơn H. (quê An Giang) được một người phụ nữ điều khiển đi ăn xin tại ngã tư Hồng Bàng – Ngô Quyền (Q.5). Nhất cử nhất động, H. đều nghe theo răm rắp người phụ nữ này

Đêm 23-2, tại góc đường Hồng Bàng – Ngô Quyền (Q.5), H. được một người phụ nữ địu theo một em bé sơ sinh, dẫn đến xin ăn. Cứ mỗi đợt cột tín hiệu giao thông báo đèn đỏ, H. lại cầm nón ra van lơn người qua lại. Tất cả mọi việc H. đều nghe theo răm rắp người phụ nữ đi cùng. Đợi bà này đi, phóng viên mới tìm cách tiếp cận và phải rất khó khăn, chúng tôi mới được H. tâm sự về hoàn cảnh cũng như tuổi thơ của mình.

H. kể, quê em ở tận vùng biên giới ở tỉnh An Giang. Nhà nghèo, ba của H. lại nát rượu nên cuộc sống gia đình lâm vào túng quẫn. Nghe lời hàng xóm kể lên Sài Gòn ăn xin được nhiều tiền, mẹ quyết định cho em theo người ta kiếm sống.

Một buổi chiều buồn hiu hắt, H. khăn gói theo người lớn lên Sài Gòn mưu sinh. “Thế ước mơ của em khi lớn lên là gì?” – chúng tôi hỏi. H. cười bẽn lẽn, thủ thỉ trả lời: “Em muốn lên lên làm bác sỹ”.

Một bé gái xin ăn ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Phùng Hưng (Q.5), đằng sau là bóng dáng của các đối tượng chăn dắt (khoanh tròn)
Một người phụ nữ chăn dắt 3 đứa trẻ khác cùng với thủ đoạn cho uống thuốc ngủ tại một góc đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5). Khi nghe chúng tôi hỏi về giấy khai sinh của 2 cháu bé, cô ta lập tức… bỏ chạy!

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi ánh mắt đầy sự giận dữ của người phụ nữ đi cùng H. Thấy có người lạ, chị ta gằn giọng với H. rồi xách tay em rời đi nơi khác, mặc em cứ ngoái đầu nhìn lại. Kể từ hôm đó, chúng tôi không còn gặp lại em thêm lần nào khác. Không chỉ riêng H., quá trình điều tra, nhóm phóng viên còn theo dấu nhiều trường hợp “bồng con đi lao động” tương tự như thế.

Tiếp xúc với các em, những số phận đang được người lớn “rao bán thương cảm”, mỗi ngày, chúng tôi lại chứng kiếm thêm nhiều câu chuyện khó thể lột tả hết bằng lời. Và một điều có thể đúc kết lại là dù như thế nào đi chăng nữa, khi đã sa chân vào môi trường như vậy, các em chắc chắn là nạn nhân không thể tự vệ và ý thức hết được thủ đoạn của những kẻ chăn dắt đầy mưu mô.

Màn đêm buông xuống, các em bé bị chăn dắt xin ăn phải nằm ngủ li bì ngoài đường trong sương lạnh. Khung cảnh khiến nhiều người nhìn thấy không khỏi xót lòng
Ánh mắt hồn nhiên của Sơn H. khi kể chúng tôi nghe về ước mơ đang bị bôi nhoà của mình, có lẽ là một ví dụ đơn cử nhất cho sự nhẫn tâm của người lớn, khi cướp mất tuổi thơ của em

Dẫu biết đường đời luôn đầy rẫy khắc nghiệt, nhưng giữa cuộc sống xô bồ này, nếu một lần chúng ta lắng lòng nhìn theo những em bé bị bán mất tuổi thơ để phục vụ cho trò lừa gạt của người lớn, sẽ thấy được một nghịch cảnh đầy xót xa. Và, ánh mắt nhìn về ước mơ đang bị bôi nhoà của H., có lẽ là một ví dụ đơn cử nhất.

Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM:

Hiện nay tại TP.HCM có khoảng 1,4 triệu trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó có 16.000 trường hợp có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, cụ thể là năm 2017, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM đã phối hợp các đơn vị chức năng thành phố, các quận - huyện để tập trung chăm lo vật chất lẫn tinh thần cho số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này.

Cũng trong năm 2017, Sở đã phát hiện 20 trường hợp trẻ em ăn xin trên các nẻo đường của thành phố và tiến hành đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội. Trước tiên, các phòng ban nghiệp vụ của Sở đã tiến hành xác minh, phân loại danh tính cũng như nơi cư trú.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM

Đối với các trường hợp có thông tin rõ ràng sẽ trả về lại địa phương còn các trường hợp còn lại sẽ gửi lại các trung tâm bảo trợ để nuôi dưỡng, chăm sóc. Ngoài ra, cũng trong năm 2017, Sở phối hợp với Sở Ngoại vụ TP.HCM, Tổng Lãnh sự quán Campuchia để trả về hơn 10 trường hợp trẻ em lang thang, cơ nhỡ đang hành nghề ăn xin trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang trong thời gian thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội và Kết luận 21 của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết của Thành ủy về việc xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt “Văn minh, hiện đại, văn hóa, nghĩa tình”.

Đồng hành chiến lược này, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao nhận thức để các bậc phụ huynh không đẩy con em mình vào hoàn cảnh bị bạo hành, lạm dụng sức lao động. Chúng tôi sẽ cố gắng hoạt động hết vai trò của mình, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc và bảo trợ quyền trẻ em.

Bình luận (0)

Lên đầu trang