Trắng đêm săn cá bông lau

Thứ Năm, 08/03/2018 14:27  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Những ngày này, sông Vàm Nao, sông Tiền và sông Hậu chảy qua các địa bàn như: Phú Tân, Tân Châu (An Giang), Thanh Bình, Lấp Vò (Đồng Tháp) náo nhiệt hơn vì đang vào cao điểm của mùa săn cá bông lau.

Ngư dân bủa lưới từ chạng vạng tối đến tận sáng sớm, với nguồn thu nhập vài triệu đồng mỗi chuyến “ra khơi”.

Đến mùa là phải về

Vượt 2 con đò, chúng tôi đặt chân lên cù lao năm xã (thuộc huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) - nơi có nhiều người làm nghề chài lưới cá bông lau. Ngồi vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt tối cùng ngày, anh Lê Văn Thum (Tư Thum, 41 tuổi, ngụ ấp Tân Bình Thượng, xã Tân Huề) nói: “Mấy hôm nay người dân thả lưới bông lau ở xóm này trúng đậm. Năm nay coi vậy mà bà con làm ăn được”.

Nhiều xuồng săn cá bông lau ngồi đợi nước và “nằm tài” trên sông Tiền

Sau cuộc trò chuyện, Tư Thum đồng ý cho chúng tôi theo cùng để trải nghiệm đêm săn cá đầy thú vị. Khoảng 17 giờ 30, anh giục chúng tôi luồn lách qua những dãy nhà sàn để xuống xuồng chạy ra sông Tiền. Vừa lội đẩy chiếc xuồng mắc cạn giữa con kênh khô queo, anh Thum cho biết: “Kênh này nước lớn có đến hơn 20 chiếc xuồng, giờ chỉ còn 1 - 2 chiếc thôi vì sợ nước cạn mấy anh em đã đi trước. Mấy ngày nay trúng mánh liên tục nên họ tranh thủ từng phút”.

Sau 15 phút chạy xuồng máy, chúng tôi đã đến được một chiếc phao phân luồng các phương tiện đường thủy đặt giữa sông Tiền. Tại đây có khoảng hơn 10 xuồng đang neo đợi nước lớn và trời nhá nhem tối sẽ tiến hành bủa lưới. Đang ngồi uống nước trà “tán dóc” cùng “đồng nghiệp”, ông Phạm Văn Hoa (50 tuổi) cho biết: “Cá bông lau đang được giá cao. Hễ dính cá, chỉ cần gọi điện là bạn hàng chạy xuồng ra tận nơi cân. Mỗi đêm chỉ cần dính 1 con cá thôi là kiếm bạc triệu, nên ai nấy cũng tranh thủ đem lưới ra bủa”.

Ông Hoa làm nghề lái xe container ở TP.HCM gần 30 năm nay, với thu nhập 17 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên đến mùa cá bông lau ông xin chủ cho nghỉ 3 tháng để về… thả lưới. “Tôi là lính cựu nên được chủ ưu ái cho nghỉ. Cứ đến mùa cá là ham nên 10 năm nay năm nào cũng về để hội ngộ cùng anh em. Từ đầu vụ đến nay, tôi cũng bắt được gần chục con (nặng 5 – 8kg/con) nên cuộc sống gia đình cũng thoải mái”.

Tương tự, ngồi cùng vợ trên chiếc xuồng nhấp nhô theo từng cơn sóng, anh Phạm Thanh Hùng (41 tuổi) cho biết: “Ngư dân chúng tôi đã vào mùa săn cá bông lau hơn tháng nay. Thời điểm này cá dính nhiều lại to nhưng trúng hay thất chỉ có cuối vụ mới biết được. Những năm trước, một mùa cá cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Đối với những anh em “cao tay” đêm săn được vài con là chuyện bình thường nhưng không phải hôm nào cũng gặp may”.

Theo các ngư phủ, phương tiện đánh cá bông lau rất đơn giản, chỉ cần một xuồng máy và tay lưới dài 500m, dạo 12 – 18m nước là có thể hành nghề.

“Nằm tài”... đợi cá

Khi màn đêm buông dài trên khúc sông hàng cây số ở sông Tiền kèm theo đó là tiếng máy chạy lạch bạch, tiếng chèo khua nước, tiếng “í ới” gọi nhau… Chẳng mấy chốc chiếc xuống cui chất đầy lưới, đèn báo hiệu của vợ chồng anh Trần Văn Khởi đưa chúng tôi từ đầu chợ Phú Mỹ xuống gần phà Thuận Giang. Đến đoạn nước sâu, anh Khởi tắt chiếc máy đuôi tôm, còn vợ anh nhanh tay nắm cán chèo chầm chậm đẩy nước bủa lưới.

Vợ chồng anh Khởi đang bủa lưới khi trời nhá nhem tối

Cứ bủa lưới một đoạn khoảng hơn chục mét anh Khởi cho lần lượt các chiếc đèn nổi thả trên mặt nước. Đèn báo hiệu có 2 loại: trắng và đỏ. Loại màu trắng để thông báo tàu ghe là khu vực ngư dân đã bủa lưới, còn đường đèn đỏ (cách đèn trắng khoảng 10m) để hướng dẫn tàu ghe qua lại. Ngoài 2 chiếc đèn ngư dân đội đầu thì trên xuồng còn cắm một chiếc đèn báo hiệu màu xanh.

Sau nửa giờ đồng hồ, tay lưới dài 500m được vợ chồng anh Khởi bủa xong. Ngồi canh tàu ghe và đợi đến giờ thu lưới, anh Khởi cho biết: “Nghề săn cá bông lau có rất nhiều điều thú vị, không phụ thuộc vào việc thả lưới trước hay sau mà chủ yếu là người có “tay sát cá” hay không. Nhiều lúc người thả trước, chọn địa điểm có đáy sông sâu, ít gốc cây nhưng lại dính ít cá hơn so với những người có “máu sát cá”. Thông thường vào thời điểm nước lớn mạnh cứ khoảng 1 giờ người làm nghề cuốn một lần, còn nước chảy chậm sẽ kéo dài khoảng 1,5 giờ”.

Anh Khởi kể, đã nối nghiệp cha mình làm cái nghề này gần 20 năm nay. Ngần ấy thời gian vợ chồng anh nếm trải được nỗi gian truân, vất vả trên khúc sông này. Nghề giăng cá bông lau thăng trầm như con nước lớn, ròng. Ngày nào giăng lưới dính được nhiều cá họ sẽ vui lắm! Buồn nhất là khi vừa làm mệt, vừa đói lại dốc sức bủa số lượt gấp đôi mà vẫn trở về với xuồng trống không.

“Hôm trước tôi dính 4 con cá bông lau nặng tổng cộng 22kg, bán được hơn 5,2 triệu đồng. Sông này có 2 giọt nước nên phải bủa xéo vì càng vô bờ sẽ trôi nhanh hơn, sau khi bủa đầu và đuôi lưới trôi đều nhau. Lưới thả chủ yếu được làm nhà chứ không mua ở chợ bởi họ biết đan chứ không có kinh nghiệm thực tế, cá ít dính. Thông thường mỗi con nước bủa được 2 dạo”, anh Khởi chia sẻ.

Bãi cá bông lau ở cù lao năm xã dài khoảng 2 cây số, hàng đêm quy tụ trên 50 xuồng đánh bắt chuyên nghiệp. Những lúc xuồng ghe đông đúc họ phải nằm “chờ tài”. Người nào đến trước thì được quyền thả trước, mỗi luồng lưới bủa trên sông cách nhau khoảng 100m. Về đêm, những chiếc đèn báo hiệu nổi từng hàng giăng kín cả khúc sông.

Chia tay anh Khởi, chúng tôi trở lại xuồng Tư Thum để đến những vợ chồng khác đang làm nghề. Cách đó không xa, chúng tôi thấy vợ chồng anh Trần Văn Gấu (42 tuổi, ấp Tân Bình Thượng) đang hì hục cuốn lưới. Thấy lạ chúng tôi thắc mắc và được anh lý giải: “Tài của mình ở phía trên nhưng thấy đây trống xuống bủa nào ngờ trùng với mấy anh bên sông bủa sang nên phải cuốn sớm”.

Nghề săn cá bông lau rất vất vả do phải thức đêm, bị nước “ăn” tay chân

Lúc này, vợ anh Gấu ngồi trước mũi xuồng kéo nhẹ tay lưới còn người chồng dồn hết sức kéo lưới tựa vào xuồng để thu lên. Lưới kéo được nửa tay, anh Gấu thốt lên: “Nặng quá chắc là nó rồi”. Chỉ trong thời gian ngắn, anh Gấu cùng vợ kéo lên xuồng con cá bông lau nặng hơn 6kg. Đến khi cuốn hết 500m lưới nhưng vẫn không có thêm chú cá nào. Lúc này, vợ chồng Gấu tiếp tục bơi vào chiếc phao phân luồng gần đó buộc xuồng. Anh Gấu cho hay: “Mình đã thả và cuốn được 1 dạo đầu nên đợi mấy người khác cuốn xong sẽ tìm chỗ trống thả dạo kế tiếp. Thả tài sau nhưng khi nước đổ ngược lại sẽ thành người thả tài đầu tiên”.

Lúc này, chúng tôi bơi xuồng sang xuồng lưới của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lem cạnh đó. Chưa đầy 5 phút, vợ anh này pha đèn và phát hiện một con cá to gần 7kg mắc lưới nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Họ liền tiến hành cắt kỳ, gỡ cá cho vào khoang xuồng. Được biết, từ đầu vụ đến nay vợ chồng anh Lem đã bắt được 20 con cái bông lau, con lớn nhất có trọng lượng lên đến 12kg. Sau khi vợ chồng anh Lem cho cá vào khoang xuồng, Tư Thum nói vui: “Tụi tôi đến xuồng nào chút xíu là ở đó dính cá. Vậy để tui bơi thêm vài chiếc nữa xem niền vui ấy có lặp lại”. Cứ như thế chúng tôi bơi đến nhiều xuồng khác và được họ thông báo đều đã có “chiến lợi phẩm”.

“Nguồn sống” của dân nghèo

Khoảng 21 giờ 20, khi nước đang đứng, chúng tôi tìm đến xuồng của anh Phạm Thanh Hùng và vợ là chị Đào Thị Tuyền. Đang ngồi chậm rãi buông mái chèo để giữ 1 đầu lưới nhưng vẫn không quên lấy điếu thuốc lá mồi lửa hít một hơi dài. Anh Hùng cho biết: “Vợ chồng tôi nghèo khó, không cục đất chọi chim và nhờ nghề con cá, đặc biệt thả lưới bông lau mà 18 năm trôi qua có gạo ăn hàng ngày. Hôm nay được 1 con cá bông lau 8kg, còn hôm qua được 2 con nặng gần 13kg. Mỗi vụ cá bông lau sau khi trừ chi phí cũng còn dư khoảng 30 triệu đồng”.

Con cá bông lau nặng hơn 6kg mắc lưới của ngư dân
Mỗi đêm xuồng lưới cho thu nhập từ 1 – 5 triệu đồng

Theo lời anh Hùng, để có địa điểm bủa lưới, vào đầu vụ anh và nhiều ngư dân bỏ ra mỗi người vài trăm ngàn đồng thuê thợ lặn mò lấy gốc cây. Dù mỗi khu vực chi ra hàng triệu đồng như thế nhưng đến khi thả lưới cũng thường xuyên bị rách, phải tốn nhiều thời gian vá lại. Anh và một số ngư phủ cho rằng, nghề chài lưới cá bông lau vất vả hơn làm ruộng vì phải thức đêm, muỗi chích, nước “ăn” chân tay, nhức mỏi khi chèo hàng giờ.

Được biết phần lớn dân làm nghề chài lưới ở sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao đều nghèo, không đất đai sản xuất. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Ngọc Võ (54 tuổi, ngụ TT.Phú Mỹ, huyện Phú Tân) không có mảnh đất cắm dùi phải nhiều năm dành dụm mới sang nổi nền nhà cặp mé sông Hậu cất nhà. Hơn 20 năm qua, vợ chồng ông vẫn trông chờ mùa đánh bắt cá bông lau, bởi đây mang nguồn thu nhập chính.

Ông Võ kể, nguồn cá bây giờ có năm trúng, năm thất bấp bênh lắm. Do vậy giờ chỉ còn 2 vợ chồng ông theo nghề này, còn 2 đứa con đã đi thành phố làm công nhân mấy năm nay. “Ngày trước đánh lưới mỗi ngày dính cả chục con thương lái cân không hết phải mang đi cho. Tuy nhiên dù gắn bó với nghề “bà thủy” mấy chục năm nay nhưng vợ chồng cũng chẳng dư dả gì”, ông Võ tâm sự.

Gia đình làm nghề săn cá bông lau đến nay đã 3 thế hệ, bà Trần Thị Tuyền (50 tuổi) cho biết : “Những năm trước, mỗi vụ gia đình bà bắt được từ 40 – 50 con bông lau. Tuy nhiên năm vừa rồi lượng cá bắt được chỉ còn hơn một nửa. Dẫu cực nhọc nhưng gia đình và nhiều hộ nghèo vẫn sống được”.

Tờ mờ sáng, chia tay xóm lưới ven sông cũng là lúc nhiều ngư phủ lỉnh kỉnh xách những con cá bông lau trắng mập, nặng từ vài ký cho đến hơn chục ký lên bến đò cân cho thương lái sau một đêm đầy vất vả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang