Người bán hàng rong tái chiếm vỉa hè vì gánh nặng mưu sinh

Chủ Nhật, 11/06/2017 13:45

|

(CAO) Khi đề án phố hàng rong, chợ phiên cuối tuần... vẫn chưa được triển khai thì hàng loạt vỉa hè trên địa bàn TP.HCM tiếp tục bị tái chiếm. Dù biết là sai nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp vì gánh nặng mưu sinh.

Biết sai nhưng không còn cách nào khác?

Đường Phó Đức Chính và Lê Thị Hồng Gấm (Q.1, TP.HCM) là hai con đường nổi tiếng về bán đồ cũ, mũ bảo hiểm… trên vỉa hè. Dọc hai bên lề đường, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân buôn bán tràn lan, bất chấp những quy định.

Chị Bích Liên đang thu dọn giày để tránh mưa

Chị Trương Thị Bích Liên (44 tuổi, bán giày cũ trên đường Lê Thị Hồng Gấm) than thở: “Vì cuộc sống nên phải bán thôi, chứ ai thích ra ngoài đội nắng đội mưa đâu? Chị bị bệnh mà không có tiền chữa, với còn hai đứa con nhỏ và cha mẹ trên này cần phải nuôi. Nguyện vọng của chị là cho chị bán hàng lay lắt như vậy đến khi con học có bằng cấp hai là được rồi.

Chị biết lấn chiếm vỉa hè là sai, chính quyền họ xử lý là đúng, nhưng giờ kêu chị đi làm việc khác sao làm được hả em? Rồi con chị lấy gì ăn trong khi chờ tới cuối tháng lãnh lương?” - chị Liên nói trong sự thấp thỏm.

Ông Lê Thanh Tân bật khóc khi nói về cuộc sống của mình

Chung cảnh ngộ, ông Lê Thanh Tân (87 tuổi, bán quần áo cũ 17 năm trên đường Phó Đức Chính) chiều chiều dắt chiếc xe máy cũ đến vỉa hè rồi bày đồ ra bán. Khi được hỏi về việc mưu sinh, ông bật khóc: “Giờ không bán lấy gì ăn? Tôi sống có một mình à, tuổi tôi cũng lớn rồi, sống cũng không ham muốn gì nữa, bây giờ kiếm được đồng nào thì hay đồng đó, sống ngày nào hay ngày đó thôi. Tôi chỉ mong muốn đừng hốt đồ của tôi, cho tôi xin một phần vỉa hè để bán đồ thôi. Tôi đã 87 tuổi rồi, giờ kêu đi chỗ khác cũng khó khăn lắm, không bán được hàng”.

Người dân mong muốn được thuê vỉa hè để buôn bán

Trước sự cấp bách của việc lập lại trật tự vỉa hè và giải quyết những khó khăn cho người buôn bán hàng rong, lãnh đạo UBND Q.1 trình đề án kinh doanh khu ẩm thực theo giờ cho tại 2 khu vực đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp. Trong khi nhiều người phấn khích thì số khách tỏ ra thiếu ủng hộ đề án này.

Đường Nguyễn Văn Chiêm

Bà Nguyễn Thị Giấy (68 tuổi) hằng ngày đi xe ôm đến đường Phó Đức Chính bán quần áo cũ, cho biết: “Người ta đuổi nhiều lắm nhưng giờ không bán lấy gì ăn con ơi? Nếu giờ chính quyền kêu lên chỗ quy hoạch bán hàng thì xa lắm, không có ai chở đi, chân bà bị sưng đau lắm. Giờ chỉ xin địa phương cho bán để kiếm miếng cơm chứ lên chỗ khác không bán được hàng đâu. Bà ngồi sát vỉa hè, vẫn chừa đường cho người đi bộ, không có tràn lan ra đường. Nếu giờ địa phương kêu đóng tiền để được bán thì bà đồng ý, chứ bà không đi xa được”.

Bà Nguyễn Thị Giấy vẫn hằng ngày bán quần áo cũ trên đường Phó Đức Chính

Bán mũ bảo hiểm trên con đường này nhiều năm, nuôi 2 em nhỏ và 2 người con, trong đó có một người con bị khuyết tật, chị Nguyễn Thị Ngọc Hồi (trú P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) cho hay, từ khi chính quyền làm gắt, việc buôn bán của chị gặp rất nhiều khó khăn.

“Đóng nón đó đối với người khác không bao nhiêu tiền nhưng đối với chị nó là toàn bộ tài sản để nuôi sống gia đình. Biết chủ trương của nhà nước là đúng, nhưng chị cũng khổ quá, không biết làm cách nào khác. Giờ mà dọn đi chỗ khác lại càng không buôn bán được, tập trung lại một khu người ta cạnh tranh nhau nhiều nữa. Thay vì như vậy, chị mong chính quyền có thể cho người dân buôn bán trên vỉa hè, vạch đường phân cách chừa đường đi cho người đi bộ, rồi hằng tháng đóng tiền phí cũng được. Lúc đó, ai còn vi phạm, lấn chiếm nữa thì hãy bắt, chứ bán hàng nhỏ lẻ cũng khổ lắm”, chị buồn bã kể.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hồi chia sẻ mong muốn được thuê vỉa hè để tiếp tục buôn bán

Qua tìm hiểu, rất nhiều người buôn bán trên vỉa hè đường Phó Đức Chính và Lê Thị Hồng Gấm cũng có nguyện vọng được thuê vỉa hè tại nơi mình đang bán để ổn định cuộc sống. Họ mong muốn các cấp chính quyền sẽ có cách giải quyết hợp lý để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa tạo điều kiện cho người buôn bán trên vỉa hè mưu sinh...

Bình luận (0)

Lên đầu trang