Một học sinh chế tạo "máy" đo nồng độ cồn biết... nhắn tin cho người thân

Thứ Ba, 20/03/2018 12:53  | Hải Đường

|

(CAO) Em Nguyễn Văn Sỹ, học sinh 11/2, Trường THPT Phan Châu Trinh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam đã chế tạo một thiết bị đo nồng độ cồn để gắn lên xe máy.

Nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức cho phép thì xe tự động tắt máy và thông báo tin nhắn về điện thoại cho người thân.

Theo em Sỹ, sau khi nghe các thầy, cô giáo trong trường thông báo có cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam dành cho học sinh năm 2017-2018 tổ chức, em và các bạn trong trường đã tìm hiểu và lên ý tưởng đề tài để tham dự cuộc thi này.

Sau đó, em tình cờ thấy người thân gia đình mình hay say rượu và tự lái xe chạy về nhà rất nguy hiểm. Từ đó, em đã có ý tưởng chế tạo một thiết bị đo nồng độ cồn cho người đã sử dụng rượu bia. Và thiết bị đó phải gắn được lên xe máy để khi người điều khiển xe đã dùng rượu bia có nồng độ cồn vượt mức cho phép thì xe không nổ máy được.

Em Nguyễn Văn Sỹ và thiết bị đo nồng độ cồn gắn xe máy do mình chế tạo

Để làm chế tạo được thiết bị đo nồng độ cồn gắn vào xe máy, em Sỹ phải cần các thiết bị, linh kiện như: vi xử lí chính Arduino Mega; cảm biến đo nồng độ cồn MQ3; màn hình LCD, giao tiếp I2C; Module relay 2 kênh; thiết bị đinh vị; ngoài ra còn tận dụng một số linh kiện thiết bị có sẵn như điện thoại nokia, pin, dây điện, đèn hộp mica, keo, dây buộc,… 

Các thiết bị, linh kiện em Sỹ dùng chế tạo "máy" đo nồng độ cồn

Em Sỹ cho biết, về nguyên lý hoạt động của thiết bị đo nồng độ cồn này, trước tiên phải làm cho phương tiện hoạt động, mở khóa xe để cấp nguồn cho thiết bị hoạt động. Sau đó, người điều khiển phương tiện xe máy phải thổi vào ống đặt ở đầu xe. Sau khi thổi vào sẽ bật button nhận biết có người thổi vào.

Đồng thời, cảm biến MQ3 sẽ nhận biết có nồng độ cồn đi vào rồi xuất tín hiệu ra cho arduino xử lý. Nếu nồng độ chưa vượt ngưỡng mức cho phép thì Arduino sẽ gửi đi tín hiệu tới relay để mở dây nguồn của IC xe, khi đó bộ phận phát lửa trực tiếp cho động cơ có thể hoạt động, LCD sẽ hiển thị nồng độ cồn lên màn và sẽ báo cho ta biết “có an toàn”.

Còn nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng mức cho phép (0,2mg/l khí thở) thì Arduino sẽ gửi tín hiệu tới module relay để đóng dây nguồn của IC xe máy sau đó LCD sẽ hiển thị nồng độ cồn lên màn hình và báo cho ta biết “Không an toàn”.

Thiết bị đo nồng độ cồn chế tạo xong gắn vào xe máy
Em Sỹ đang thử nghiệm thiết bị đo nồng độ cồn gắn vào xe máy

Em Sỹ nói thêm, đồng thời lúc đó điện thoại sẽ tự động gọi về 1 số điện thoại của người thân đã được cài đặt sẵn trong điện thoại. Tín hiệu kích hoạt relay cho điện thoại là 5s. Sử dụng với tên danh bạ “nguy hiểm” lúc đó người thân sẽ biết được là độ cồn của người đi xe đã vượt ngưỡng mức cho phép.

Và một thao tác giao tiếp với thiết bị định vị là phải gửi tin nhắn tới thiết bị định vị thông qua một trình duyệt để nhận định vị trí của người lái xe với cú pháp “Dw” đã ngầm định sẵn, đèn màu đỏ trên đồng hồ sẽ sáng lên báo nguy hiểm”.

Thầy Phạm Hữu Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh nói: “Em Nguyễn Văn Sỹ, học sinh 11/2 của trường tôi, là một cậu học giỏi và có niềm đam mê sáng tạo trong khoa học kỹ thuật. Vừa qua, em Sỹ đạt giải nhì trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam cho học sinh năm 2017-2018 đã đem niềm vinh dự về cho nhà trường”.

Anh nông dân chế tạo máy đào khoai tây đa năng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang