Thêm nhiều người chết vì "thần dược" trị tiểu đường

Thứ Sáu, 16/03/2018 08:26  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Như Báo Công an TP.HCM đã thông tin, đầu tháng 3-2018, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ tiếp nhận 10 bệnh nhân bệnh tiểu đường có biến chứng nặng.

Qua làm việc với người thân bệnh nhân, các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc. Sau vài ngày điều trị, 4 bệnh nhân đã tử vong. Các cơ quan chức năng TP.Cần Thơ tổ chức kiểm tra 2 cơ sở bán thuốc gia truyền, thu giữ gần 500.000 viên thuốc gia truyền trị tiểu đường không rõ nguồn gốc.

Theo phản ánh của bạn đọc, không chỉ tại BV Đa khoa Cần Thơ, nhiều bệnh nhân có tiền sử tiểu đường ở các địa phương khác tại ĐBSCL cũng đã tử vong do bị biến chứng khi uống "thần dược" này. PV Báo CATP lần theo manh mối.

Nhiều người bệnh tiểu đường bị biến chứng, tử vong sau khi uống thuốc đông dược này không rõ nguồn gốc

UỐNG “THẦN DƯỢC” GẶP… “THẦN CHẾT”

Chúng tôi tìm về nơi có trường hợp tử vong do mắc bệnh tiểu đường bởi sử dụng đông dược rồi bị biến chứng. Ngồi cạnh di ảnh vợ, ông Nguyễn Văn Bảo (ngụ TX.Bình Minh, Vĩnh Long) kể: Vợ ông là bà Phùng Thị Hẹ mắc bệnh tiểu đường đến ngày mất là tròn 18 năm. Sau khi phát hiện bệnh, vợ ông đến bệnh viện điều trị đều đặn.

Cách đây 2 năm, trong một lần uống cà phê, vợ chồng ông nghe nhiều người bàn tán có người bán thuốc trị bệnh tiểu đường nên liền xin số điện thoại. Sau đó, ông Bảo liên hệ với một cơ sở bán thuốc đông dược ở tỉnh Đồng Tháp để lấy hàng.

“Sau khi đặt hàng, cơ sở bên ấy gửi thuốc qua bưu điện hàng tháng cho vợ tôi với giá 150 ngàn đồng (bọc 120 viên nén màu đỏ, xanh, xám). Uống vào vợ tôi thấy khỏe trong người, nào ngờ sau đó phát nặng rồi nhập viện. Khi đưa vợ vào bệnh viện, bác sĩ hỏi: “Có phải ở nhà vợ ông có uống thuốc đông dược các loại viên xanh, đỏ, xám không?”. Nghe bác sĩ nói tôi mới hoảng hồn và biết được mình mua nhầm “độc dược cho vợ”, ông Bảo chua xót nói.

Theo tìm hiểu, thuốc ông Bảo mua có ghi dòng chữ: “Thuốc tiểu đường Tri Tôn (thuốc nam) ở núi”. Bên dưới là dòng hướng dẫn: “Trước khi uống thuốc tiểu đường phải thử đường. Đường 200 trở lên phải uống 3 viên xanh, 3 viên đỏ, 1 ngày uống 2 lần”; “3 ngày sau thử đường nếu còn lại 120 – 130 uống 2 viên xanh, 2 viên đỏ và ngày 2 lần”; “3 ngày sau thủ đường còn 100 uống 2 viên xanh, 2 viên đỏ và ngày 1 lần”. Kèm theo đó là số điện thoại và danh xưng là chú Năm.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Đằng (51 tuổi, ngụ ấp Hòa Lợi 3, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, An Giang), chúng tôi được biết, cha vợ ông là cụ Đỗ Văn Lời (78 tuổi) qua đời vào ngày 1-3-2018. Cách nay 5 năm, thấy sức khỏe có nhiều biểu hiện bất thường nên ông Lời được gia đình đưa ra bệnh viện tầm soát bệnh. Sau khi kiểm tra và làm xét nghiệm, ông được bác sĩ kết luận mắc bệnh tiểu đường.

Biết ông Lời bệnh mấy người em ông nhờ đứa cháu ở huyện Chợ Mới mua thuốc bọc dạng viên màu xanh, đỏ, xám gửi về. Từ đó, ông Lời chuyển từ dùng thuốc tây sang “thần dược”. Nào ngờ, thời gian gần đây bệnh tình của ông có chuyển biến nặng rồi tử vong sau 1 ngày nhập viện.

Ông Nguyễn Văn Đằng

“Chiều hôm đó, ba tôi không ăn được cơm, ngủ không được. Đến khoảng 23 giờ, ông than mệt nên con cháu lập tức đưa đi cấp cứu. Sáng hôm sau, bệnh viện thông báo cơ hội sống chỉ còn 10%. Chiều cùng ngày, ông qua đời. Thuốc ông cụ uống lượng đường bình ổn ở mức 120 – 130 mg/dl thay vì hơn 200 mg/dl khi chưa uống. Lý do ông cụ đổi thuốc vì không muốn chờ đợi khi khám bệnh và tiết kiệm chi phí. Nào ngờ…”, ông Đằng tâm sự.

May mắn ngưng dùng thuốc khi thấy cơ thể có dấu hiện bất thường, ông N.V.B (ngụ H.Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết: “Trước đây, nghe giới thiệu tôi có lấy thuốc từ một cơ sở chuyên bán đông dược về uống. Sau khi uống 2 ngày sau là đường giảm rõ rệt. Một thời gian sau có triệu trứng ngứa và được bạn cảnh báo nên thoát chết. Tôi nghĩ việc thuốc đông dược phải thông tin rõ ràng để người dân biết mà tránh, chứ nhiều người ham rẻ chết thì tội lắm”.

TÌM NƠI PHÂN PHÁT “THẦN DƯỢC”

Theo lời người thân các nạn nhân, để có “thần dược” uống nhiều bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua hoặc tìm đến những cơ sở từ thiện xin. Tìm về nhà đình An Châu (TT.An Châu, H.Châu Thành, An Giang), chúng tôi gặp ông Phan Văn Như (69 tuổi, Phó bán Quản trị đình) cho biết, việc phát thuốc trị bệnh tiểu đường cho người dân ở đình diễn ra khoảng 10 năm nay. Nguồn thuốc được mua từ một người tên Phương (ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Thuốc cấp phát dạng viên gồm 3 loại: đỏ, xanh và xám. Mỗi ngày bệnh nhân uống 2 lần (mỗi lần 2 viên đỏ, 2 viên xanh (hạ đường huyết) và 3 viên xám (trợ thận). Mỗi tuần đại diện bên đình sẽ liên hệ với Phương lấy 5.000 viên với giá 1,3 triệu đồng. Thường mỗi bệnh nhân được cấp 10 ngày uống và đến kỳ hẹn sẽ đến đình thử lại độ đường trong máu.

Ông Phan Văn Như

“Trước đây, tôi nghe vị sư thầy ở TP.HCM nói thành phần thuốc gồm: rong biển, cây rừng và một số vị khác. Sau đó, thuốc sẽ được nấu cao rồi vò thành viên. Lý do không tiết lộ bởi thầy sợ nhiều người biết sẽ bào chế tràn lan làm tiền. Gần đây, thấy thuốc của ông Phương không có nhãn mác tôi có kêu ông ấy đem đi kiểm nghiệm nhưng người này nói phải đưa lên tới Bộ rất tốn tiền, đành cho qua”, ông Như chia sẻ.

Ông Như đưa cho chúng tôi xem 3 gói thuốc có tên: Thuốc gia truyền trị tiểu đường Chánh Đức. Kèm theo đó là các ký hiệu: L, N, T nhưng không có hướng dẫn sử dụng. Theo lời ông Như, cách nay khoảng 3 tháng, Hội Đông y huyện Châu Thành và UBND thị trấn An Châu đến đình làm việc và buộc phải ngưng cấp thuốc cho người dân. Lý do đoàn kiểm tra đưa ra là không có nguồn gốc, xứ xuất…

“Không có thuốc uống nhiều người dân họ than nhưng mình cũng đành chịu. Mong mỏi của chúng tôi là cơ quan chức năng cần làm rõ loại thuốc này có thành phần độc hại hay không? Nếu không nên cho cấp lại để người dân sử dụng vì đa phần đều nghèo khó”, ông Như nói.

Theo chỉ dẫn của ông Như, phóng viên liên hệ với Phương, chủ cơ sở cung cấp thuốc trị tiểu đường số lượng lớn ở huyện Chợ Mới. Ông Phương cho biết, mình ở ấp Thị, TT.Chợ Mới. Trước đây, ông có lấy thuốc tiểu đường ở TP.HCM cho mẹ và mấy người chú bệnh tiểu đường hơn chục 10 năm uống. Sau khi dùng bệnh tình giảm và thời gian dài đều không xảy ra biến chứng. Thấy vậy, ông lấy về chia cho người dân sử dụng đến nay cũng được 6 năm…

Lãnh đạo một huyện ở An Giang cho biết: “Sau khi báo chí thông tin địa phương vào cuộc xác minh phát hiện có 2 cơ sở bào chế thuốc không phép. Hiện đang tiến hành điều tra làm rõ”.

Ông Nguyễn Phước Hữu (ngụ ấp Tân Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) kể chuyện thành lương y bất đắc dĩ của mình. Trước đó, ông bị bệnh tiểu đường thì được một người cháu trai ở huyện Tri Tôn, An Giang đến một cơ sở gần nhà mua thuốc gửi về. Sau vài lần uống thấy hiệu quả nên ông Hữu vừa mua về sử dụng và bán lại.

“Thời điểm tôi bị nặng là 400 mg/dl. Tuy nhiên sau khi sử dụng vài ngày lượng đường ổn định ở mức từ 140 – 150mg/dl nhưng bệnh không hết hoàn toàn”, ông Hữu cho hay. Theo lời ông Hữu, ông thường bán thuốc cho người dân ở tỉnh xa, cả nước và thậm chí Việt kiều. Ai đặt mua thuốc, số lượng bao nhiêu, cứ cho địa chỉ là ông sẽ chuyển theo dạng hàng hóa qua đường bưu điện. Từ việc quảng cáo rầm rộ, ngày 9-3, ngành chức năng ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã tiến hành kiểm tra và tịch thu hơn 2.5kg tang vật là thuốc viên hoàn nén đông dược tại nhà ông Hữu.

THÊM NHIỀU BỆNH NHÂN ĐÃ TỬ VONG

Trước đó, trao đổi với báo chí, bác sĩ CKII Phạm Ngọc Kiếu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung tâm An Giang cho biết, 3 tháng cuối năm 2017, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nguy kịch tính mạng nhập viện liên tục.

Những bệnh nhân này có đặc điểm chung là đường huyết ổn định nhưng tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng, ngưng tim, ngưng thở, diễn tiến tử vong nhanh chóng. Mặc dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng chỉ số ít được cứu sống. Điều đáng quan tâm là người nhà bệnh nhân khi đưa người thân vào viện đều mang theo các loại thuốc đông dược viên hoàn cứng các màu xanh, đỏ, xám và cho biết người bệnh có uống thuốc này với tác dụng được quảng bá như: hạ đường huyết nhanh, không cần kiêng cữ ăn uống.

Bác sĩ Kiếu còn nhận định, tình trạng bệnh nhân tiểu đường mất mạng có liên quan đến việc sử dụng đông dược rất đáng báo động. Trong 3 tháng gần đây có hơn 20 ca nhập viện, nhưng chỉ có 5 trường hợp được cứu sống (!). Lãnh đạo BVĐK Hạnh Phúc (An Giang) cho biết, thuốc đông dược các bệnh nhân mua ở TP.Long Xuyên uống có tác dụng ổn định đường huyết. Tuy nhiên, họ không biết rằng, ngoài tác dụng trên thuốc còn gây độc cho thận và nhiều biến chứng gây suy đa tạng, tử vong sau đó.

Chiều 14-3, trao đổi với phóng viên, ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết: “Sau khi kiểm tra hồ bệnh án 5 tháng gần đây do BVĐK Trung tâm An Giang chuyển lên, sở ghi nhận 20 hồ sơ có tiền sử đái tháo đường với triệu chứng như: suy thận, suy gan và toan chuyển hóa... Trong số đó, 12 trường hợp sử dụng thuốc đông dược không rõ nguồn gốc... Sau điều trị có 8 trường hợp ổn định xuất viện, 1 trường hợp bệnh nặng chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy và 11 trường hợp xin về nhà. Một số trường hợp tử vong, người nhà đem thuốc lại cho bệnh viện nhờ kiểm tra. Chúng tôi chỉ ghi nhận về mặt lâm sàng còn việc khẳng định có phải thuốc đông dược hay không phải có thời gian lấy mẫu đưa đi xét nghiệm”.

Theo lời ông Tuấn, trước đây, đơn vị có lập biên bản xử lý 1 cơ sở mua bán thuốc đông dược không rõ nguồn gốc quy mô lớn. Sau đó loại thuốc gia truyền này nghe nói đã được vận chuyển chuyển xuống Cần Thơ tiêu thụ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang