70 năm ngày Bác Hồ có Sáu điều dạy CAND:

Xả thân vì cuộc sống bình yên

Thứ Hai, 12/03/2018 20:39

|

(CAO) Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, những chiến sỹ cảnh sát luôn dũng cảm, sẵn sàng bất chấp hiểm nguy, đối mặt với tội phạm để giành lấy cuộc sống bình yên cho người dân. Tình quân – dân bền chặt có được từ những điều như thế…

Cận kề cái chết!

7 giờ sáng ngày chủ nhật, khi ánh nắng ban mai vừa ló qua khung cửa sổ, cũng là lúc bé Tài đang say mê đọc những trang sách mới. “Cháu nó mê đọc sách lắm! Cu cậu nói với mẹ là phải siêng học để lớn lên được làm anh cảnh sát” – chị Nguyễn Thị Nga kể cho chúng tôi nghe về niềm đam mê của cậu con trai bé nhỏ.

Tài năm nay 9 tuổi, đã biết nghĩ về những ước mơ tươi đẹp. Ít ai biết được, cách đây 6 năm về trước, em là một trong 2 nạn nhân bị uy hiếp trong vụ án “bắt cóc con tin” chấn động tại Trường Mầm non 10A, Q.Tân Bình, TP.HCM.

Nhớ về buổi sáng khiếp đảm ngày 11-10-2012, đến giờ chị Nga vẫn còn nguyên nét sợ hãi, khoé mắt chị bắt đầu ứa lệ khi kể lại những gì đã diễn ra sau đó.

Hôm ấy, đang đi trên đường thì chị Nga nhận được cuộc gọi báo có vụ bị bắt cóc bên trong trường học của con mình. Hốt hoảng, chị hớt hải chạy ngay đến hiện trường thì mới biết Tài là một trong 2 con tin đang bị khống chế.

Tất cả như đổ sập! “Nghe tin con bị bắt cóc, chân tay tôi rụng rời. Lúc đó, tôi chỉ biết đứng ngoài cầu nguyện và… cầu nguyện cho đến khi nhìn thấy bóng một người đàn ông mặc thường phục có nước da ngăm đen đi vào bên trong căn phòng nơi con tôi đang bị khống chế…” – chị Nga nhớ như in giây phút đó.

Vụ bắt cóc chấn động tại Trường Mầm non 10A (Q.Tân Bình) vào năm 2012. Trong ảnh, trung tá Đào Thanh Trì đang đấu trí với tên bắt cóc và cùng các đồng chí của mình giải thoát con tin thành công, đưa cháu bé ra ngoài sau đó

Người mà chị Nga đang nhắc đến chính là trung tá Đào Thanh Trì (lúc bấy giờ là Đội trưởng Đội CSHS Công an Q.Tân Bình – nay đã về hưu), đang được giao nhiệm vụ tiếp cận để thuyết phục đối tượng manh động buông tay. Sau nhiều giờ thương lượng, hắn ta chấp nhận thả người ra, nhưng còn giữ Tài ở lại. Máu đã chảy lênh láng trên khuôn mặt ngây thơ của con trẻ, khiến các trinh sát hình sự có mặt tại hiện trường lúc này không khỏi xót xa.

“Mấy ông mà không đáp ứng yêu cầu này thì tôi giết nó ngay!” – Cao Quốc Huy mắt trợn trừng, tay gí con dao sắc trước cổ họng bé trai, hét lớn với lực lượng giải cứu. Yêu cầu mà hắn đưa ra là một một khẩu súng (có đạn thật) và chiếc xe 26 chỗ. Với chừng ấy “yêu sách”, gã thanh niên liều lĩnh chắc có lẽ đang dự liệu về một cuộc đào tẩu táo bạo.

Tất cả mọi thứ hắn cần đều được cơ quan điều tra đáp ứng. Nhưng trong lúc “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy, một dự định đã loé lên trong đầu của vị trinh sát dày dặn kinh nghiệm. Anh hiểu rằng nếu không chớp được thời cơ để sớm giải thoát con tin thì cái giá phải trả sẽ là mạng sống của cháu bé. “Thà là mình thay thế chứ không thể để cháu bé chịu nguy hiểm thêm nữa” – trung tá Trì thầm nghĩ. Lúc này, các mũi trinh sát đã tiếp cận vị trí mai phục, đợi chờ tín hiệu từ người đội trưởng.

“Đùng…!” - Tiếng nổ chát chúa vang lên và đó cũng là mật hiệu của “lệnh” tấn công. Chưa kịp động thủ, Huy đã bị một trinh sát đá văng con dao trên tay khi y đang muốn trung tá Trì bắn thử cây súng. Rồi chiếc còng số 8 đã khoá chặt tay tên tội phạm nguy hiểm theo cách không thể nào nhanh hơn. “Đúng là khoảnh khắc đó như cận kề giữa sự sống và cái chết” – người trinh sát giàu lòng nhân hậu đã thốt lên với chúng tôi như thế. Và khi anh biết rằng cậu bé được anh giành lại sự sống trên tay của “thần chết” năm xưa hiện không những đang học rất giỏi mà còn có ước mơ làm cảnh sát, anh đã mỉm cười suốt buổi chuyện trò.

“Đêm nay anh không về!”

Ngôi nhà nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Hương Lộ 80 (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) 6 tháng nay không còn nghe thấy tiếng cười giòn tan của đại uý Phạm Phi Long. Anh đã vĩnh viễn nằm yên trong đất mẹ! “An nghỉ Phi Long nhé, nhiệm vụ còn dang dở của anh, đồng đội hứa sẽ hoàn thành!” – một chiến sỹ trẻ ở Đội Chữa cháy chuyên nghiệp Khu vực 2 (Phòng Cảnh sát PCCC Q.Bình Tân), mím chặt môi trước bức di ảnh của người liệt sỹ.

Hôm ấy, đêm 7-9-2017, Phi Long đang ở đơn vị và như thường lệ, sau những lời hỏi han qua điện thoại là một tin nhắn căn dặn người vợ đang bụng mang dạ chửa ở nhà: “Đêm nay anh không về! Em ở nhà ngủ ngon nhé!”. Phi Long vừa có thêm một bé gái chuẩn bị chào đời và đêm nay, anh mang theo niềm vui sắp được làm cha vào trong ca trực. Nửa khuya, khi thành phố chìm trong bóng đêm thì tại P.Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân), một căn nhà bỗng nhiên chìm trong lửa dữ.

Nhận được tin báo, 100 chiến sỹ cảnh sát thuộc Đội Chữa cháy Chuyên nghiệp Khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC Q.Bình Tân) - trong đó có đại úy Phạm Phi Long - nhanh chóng triển khai đội hình tiếp cận. Chẳng mấy chốc, ngọn lửa dữ nhanh chóng được tổ công tác dập tắt, cứu sống nhiều người.

Đồng đội, người thân nghẹn ngào trước di ảnh người chiến sỹ cảnh sát dũng cảm Phạm Phi Long​

Nhưng, ngờ đâu số phận xui rủi, khối sàn bê tông trên tầng 1 bất ngờ đổ sập khi anh còn đang lần mò trong đống đổ nát. Đêm ấy là ca trực cuối cùng của người cảnh sát nhiệt huyết: anh hy sinh khi chưa kịp nhìn mặt đứa con thơ sắp chào đời!

Nhớ về đêm kinh hoàng, chị Nguyễn Như Lan (ở trong căn nhà bị cháy) cứ chực trào nước mắt. “Anh ấy là ân nhân của gia đình tôi. Suốt đời này tôi mang ơn người chiến sỹ công an nhân dân. Gương anh sẽ còn sáng mãi để soi đường cho những thế hệ chiến sĩ cảnh sát PCCC sau này” – chị nói.

Sự hy sinh của đại uý Long đã cho thấy nhiệm vụ vô cùng chông gai, khắc nghiệt của những chiến sỹ trong trận chiến với “giặc lửa”. Không ít lần ra quân, các anh phải đương đầu với sự hiểm nguy, với “lưỡi hái tử thần”. Nhưng, vì màu cờ sắc áo, các anh vẫn cứ tiến về phía trước, đi vào những ngọn lửa hung tàn nhất để dập tắt nó.

Cảnh sát PCCC ẵm một bé nhỏ ra khỏi lửa dữ

Bài ca người chiến sỹ

Nếu nói về “cái tình” giữa người dân và chiến sỹ công an thì câu chuyện ở Đội CSHS Công an Q.Tân Phú cũng đầy ắp kỷ niệm đẹp. Đêm 15-1, đại uý Đoàn Hồng Phúc (Đội phó Đội CSHS Công an Q.Tân Phú) cứ mãi nhìn chăm chú vào màn hình chiếc điện thoại. Trước mắt anh bây giờ là hình ảnh của Ngô Trung Hoà (biệt danh Cu Be - một đối tượng cướp giật nguy hiểm) vừa mới gây án trên địa bàn Q.Tân Phú.

Ngay lập tức, anh liền chỉ đạo các trinh sát dày dạn kinh nghiệm xác minh nơi đối tượng đang lẩn trốn. Bằng các phương án nghiệp vụ, trong buổi trưa ngày hôm sau, kẻ tình nghi đã được các trinh sát dẫn giải về trụ sở với gương mặt hốt hoảng. Đến đây, đại uý Phúc đọc vanh vách hành trình di chuyển của Hoà trong buổi chiều 12-1, rồi chìa ra chiếc điện thoại, khiến hắn không thể chối cãi, cúi đầu nhận tội.

Thời điểm này, nạn nhân của vụ án là em Nguyễn Thị Ái Ni (SN 2003 – ngụ huyện Bình Chánh) vẫn chưa biết cơ quan điều tra đã bắt được kẻ cướp giật chiếc điện thoại của mình và em cũng không đến công an trình báo. Phải rất khó khăn, Đội CSHS Công an Q.Tân Phú mới lần ra Ni là nạn nhân của vụ án. Ngay trong chiều tối cùng ngày, em được các trinh sát đích thân chở đến cơ quan điều tra trình báo để củng cố hồ sơ vụ án.

Đại uý Đoàn Hồng Phúc (Đội phó Đội CSHS Công an Q.Tân Phú) đang đấu trí với đối tượng Ngô Trung Hoà

“Không ngờ các anh bắt tên cướp nhanh quá. Lúc bị tên cướp giật lấy chiếc điện thoại, tôi còn không kịp nhìn thấy mặt của anh ta và kể cả là bảng số xe. Khi nhận được tin lực lượng cảnh sát hình sự đã bắt được tên cướp, tôi rất ngỡ ngàng. Tôi cảm thấy rất cảm phục lực lượng công an” – nở trên môi nụ cười tươi rói, Ni nhìn các trinh sát ngưỡng mộ: “Năm nay em học lớp 10. Giờ em quyết định luôn, sang năm em sẽ bắt đầu mục tiêu thi vào trường cảnh sát”.

Không chỉ riêng với vụ này, chỉ trong một năm vừa qua, ở Q.Tân Phú có hàng chục trường hợp nạn nhân được lực lượng cảnh sát hình sự giúp đỡ trong âm thầm, khiến họ không khỏi ngỡ ngàng khi được các anh tìm đến “trả lại công lý”!

Một lần tình cờ, chúng tôi gõ cửa phòng của đại tá Nguyễn Hoàng Thắng (Trưởng Công an Q.Bình Thạnh) khi ông đang đọc một lá thư được viết bằng tay với nụ cười hạnh phúc trên môi. Đó là lá thư của một cụ ông ở P.3, Q.Bình Thạnh – người nói rằng mình như được lực lượng công an tặng lại cuộc sống bình yên vì đã triệt xoá hang ổ ma tuý nhức nhối bấy lâu nay.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng (Trưởng Công an Q.Bình Thạnh) hạnh phúc kể về lá thư cảm ơn của người dân sau khi đơn vị triệt xoá thành công hang ổ ma tuý khét tiếng trên địa bàn

Dịp khác, chúng tôi lại xuôi theo con phà cũ, về miền cù lao Minh, quê của đại tá Thắng. Nơi đây, đã ghi dấu từng trận càn khốc liệt của giặc Mỹ nhưng cũng ở đó, biết bao chiến công hiển hách của những người con Giồng Trôm anh hùng được ghi danh vào sử sách. Mẹ của đại tá Thắng cũng là một chiến sỹ cách mạng và trong một trận giặc rải bom, bà đã mãi mãi nằm lại đất mẹ để đứa con của mình được “sống thêm lần nữa”.

“Thành quả hôm nay của chúng ta là xương máu để lại của bao lớp người đi trước. Phải biết tự hào màu áo người chiến sỹ công an để xướng lên những bài ca tươi đẹp. Bài ca đó là nhân cách người chiến sỹ, là những chiến công trong thời bình để phụng sự cho tổ quốc” – bên cạnh ngôi mộ mẹ, đại tá Thắng trải lòng về những điều chưa từng nói. Giữa con nước mênh mông, nhánh cù lao anh hùng nghiêng mình soi bóng dưới sông quê…

“Tôi là người dân ngụ tại đường Nguyễn Lâm, KP6, P3 (Q.Bình Thạnh) vui mừng chứng kiến lực lượng hùng hậu gồm 200 cảnh sát và 8 chú chó nghiệp vụ do Công an Bình Thạnh chỉ huy vây bắt, khám xét bọn buôn ma túy tại hẻm 122 Nguyễn Lâm, P3 (Q.Bình Thạnh).

Hơn 2 năm nay, người dân chúng tôi rất bức xúc, thường xuyên chứng kiến những con nghiện chạy vào hẻm 122 Nguyễn Lâm mua ma túy cuả các đối bán ma túy ngụ tại đây, ra vào như chỗ không người, gây huyên náo cả một đoạn đường coi thường pháp luật và làm bao gia đình điêu đứng vì có người thân sa vào nghiện ngập.

Bức thư cảm ơn của ông Nguyễn Công Mấm, người dân sống tại KP6, P3 (Q.Bình Thạnh) gửi đến Ban chỉ huy Công an Q.Bình Thạnh

Vụ đánh phá vào sào huyệt của bọn ma túy, đã làm cho người dân chúng tôi an tâm và tin tưởng nơi đây còn có chính quyền, còn những người thi hành pháp luật trừng trị bọn phạm pháp. Các anh, luôn là những chiến sĩ của lòng dân, vì nước quên thân” – thư cảm ơn của ông Nguyễn Công Mấm, người dân sống tại KP6, P3 (Q.Bình Thạnh) gửi đến Ban chỉ huy Công an Q.Bình Thạnh vì đã triệt xoá tụ điểm ma tuý nhức nhối ở khu vực này, trả lại bình yên cho bà con.

 

Tự hào màu áo lính

Phường Tân Thành (Q.Tân Phú) là địa bàn thiếu tá Dương Tấn Dũng (cán bộ Đội CSHS Công an Q.Tân Phú) đảm trách. Với anh, nơi đây in dấu nhiều kỷ niệm trong nghề trinh sát mà anh “trót nặng nợ” hơn chục năm nay. "Nghề chọn người, ngày xưa tôi đâu có tính theo công an nhưng rồi duyên số đưa đẩy tới nghề tới nghành. Làm riết rồi yêu nghề, yêu màu áo mình đang mặc và muốn gắn bó mãi với nó" - thiếu tá Dũng trải lòng.

Địa bàn Tân Phú những ngày giáp Tết Nguyên đán 2018 trở nên phức tạp do sự xuất hiện trở lại của các đối tượng trộm cắp cướp giật. Nhiều vụ án xảy ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật đã khiến không chỉ thiếu tá Dũng mà cả tập thể Ban chỉ huy (BCH) Đội CSHS Tân Phú nhiều đêm trăn trở. Trước những diễn biến nguy hiểm này, BCH Công an Q. Tân Phú đã ra chỉ đạo, yêu cầu tập thể đội phải nhanh chóng có kế hoạch triệt phá để bảo đảm tình hình bình yên trên toàn địa bàn.

Trong thời gian này, địa bàn phường Tân Thành của thiếu tá Dũng bất ngờ xuất hiện một băng nhóm chuyên sử dụng xe mô tô có thay đổi kết cấu, tổ chức cướp giật tài sản của người dân. Lần gần nhất, bọn cướp giật mất của anh Huỳnh Tấn Phát (SN 1994) sợi dây chuyền vàng quý giá ngay trước cửa nhà mình. Công an Q.Tân Phú nhanh chóng xác lập chuyên án mang bí số 118G để đấu tranh khám, khám phá.

Nạn nhân Huỳnh Tấn Phát vui mừng khi được thiếu tá Dũng tìm đến nhà trả lại tài sản bị cướp trước đó. Cái bắt tay thấm đẫm tình quân dân​

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với công tác nắm thông tin từ quần chúng nhân dân, Đội CSHS xác định 2 cái tên bị tình nghi là Hà Nguyễn Ngọc Sơn (Sn1990, ngụ Tân Phú) và Nguyễn Anh Quý (SN 1999 - ngụ Long An). Chứng cứ có liên quan về 2 đối tượng này được củng cố từng ngày, đến ngày 1-2-2018, Đội CSHS đã tiến hành phá án, và người lãnh án tiên phong chính là thiếu tá Dương Tấn Dũng.

Đến đường Kênh Tân Hoá, thấy thời cơ chính muồi, tổ công tác do Thiếu tá Dũng dẫn đầu đã ập vào kiểm tra Sơn và Quý, đưa về cơ điều tra làm việc. Tại đây, cả hai đã cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội và nhận thêm 4 vụ cướp giật, trộm cắp khác. Vụ án được mở rộng, nhiều đối tượng khác có liên quan được mời về làm việc.

Sau đó, tang vật nhanh chóng được cơ quan điều tra thu giữ và trao trả lại cho khổ chủ. Ngày đón nhận tài sản tưởng như đã mãi mãi ra đi, anh Huỳnh Tấn Phát, nạn nhân của hai kẻ đạo chích ma mãnh đã không khỏi cảm động. “Không ngờ có ngày chiếc giây chuyền này được trả lại. Tôi cảm ơn các anh nhiều lắm” – anh Phát vui mừng ôm chầm lấy thiếu uý Dũng, siết chặt bàn tay - cái bắt tay thắm đẫm tình quần dân.

Đức Nam (ghi)

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang